Chuyện vỡ nợ tại “Hy Lạp của nước Mỹ”

05/08/2015 15:40 PM |

Sự sa sút của nền kinh tế Puerto Rico cũng bắt đầu từ trước suy thoái kinh tế Mỹ, một phần do hết hạn tín dụng thuế đối với các công ty đặt cơ sở sản xuất trên hòn đảo này...

Puerto Rico, lãnh thổ liên hiệp của Mỹ ở vùng Caribbean, mới đây đã tuyên bố vỡ nợ. Theo trang CNBC, nguyên nhân chính dẫn tới vụ vỡ nợ này chủ yếu nằm ở vấn đề công ăn việc làm của người dân.

Chỉ còn lại người già

Sau cuộc suy thoái kinh tế sâu 2008-2009, thị trường việc làm đã hồi phục ở hầu hết các tiểu bang của Mỹ. Tuy vậy, thị trường việc làm ở Puerto Rico tiếp tục suy giảm, khiến nền kinh tế trầy trật. Do thiếu công ăn việc làm, nhiều người Puerto Rico đã di cư sang Mỹ đại lục để tìm kiếm công việc.

Trên thực tế, cuộc di cư này của người Puerto Rico đã bắt đầu tư trước khi suy thoái kinh tế phủ bóng lên nền kinh tế Mỹ. Theo thống kê, từ mức đỉnh 3,8 triệu người vào năm 2004, dân số của Puerto Rico đã giảm xuống mức 3,5 triệu người vào năm ngoái, tương đương mức giảm khoảng 8%.

Sự sa sút của nền kinh tế Puerto Rico cũng bắt đầu từ trước suy thoái kinh tế Mỹ, một phần do hết hạn tín dụng thuế đối với các công ty đặt cơ sở sản xuất trên hòn đảo này. Tín dụng thuế là chính sách cho phép các doanh nghiệp sản xuất được giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển sản xuất kinh doanh. Chính sách này của Puerto Rico hết hạn vào năm 2006.

Kể từ đó, số lượng công việc suy giảm tiếp tục đẩy nhiều người Puerto Rico bỏ xứ đi nơi khác. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở lãnh thổ này là 12,6%, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 5,3% của Mỹ.

Sự ra đi của lực lượng lao động trẻ khiến ở lại Puerto Rico chỉ còn những người già và nghèo hơn, gây sức ép căng thẳng hơn đối với các dịch vụ xã hội mà chính quyền có trách nhiệm phải cung cấp.

Tính đến tháng 6 năm nay, chỉ 40% dân số của Puerto Rico được tính là chính thức nằm trong lực lượng lao động, so với tỷ lệ trung bình 62,6% của Mỹ.

Theo một báo cáo vào năm ngoái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại New York, nhiều người Puerto Rico không nằm trong lực lượng lao động chính thức thuộc về nền kinh tế “phi chính thức”.

Nền kinh tế ngầm của Puerto Rico sử dụng một số lượng lao động khá lớn và cho phép “công nhân và các công ty tránh được nhiều loại thuế và các chi phí khác liên quan đến việc sử dụng lao động chính thức”.

Do đây đều là những công việc nằm ngoài sổ sách, rất khó có thể tính toán được mức thiệt hại về thuế đối với chính quyền Puerto Rico. Tuy vậy, FED New York ước tính rằng nền kinh tế “phi chính thức” tương đương khoảng 1/4 GDP của vùng lãnh thổ này.

Với thị trường việc làm suy giảm, cùng với thất thoát thuế do nền kinh tế ngầm, chính quyền Puerto Rico buộc phải bù đắp ngân sách thiếu hụt bằng tiền đi vay. Qua thời gian, khối nợ tích tụ ngày càng lớn.

Theo FED New York, tỷ lệ nợ công so với GDP của Puerto Rico đã tăng lên mức 60% vào năm 2000 lên mức hơn 100% vào năm 2013. Cũng tính đến năm 2013, mức nợ công của vùng lãnh thổ này là 72 tỷ USD.

Hai lựa chọn

Nợ nần chồng chất khiến Puerto Rico liên tục bị đánh tụt điểm tín nhiệm, dẫn tới lãi suất vay vốn tăng cao hơn. Những nỗ lực nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách thông qua tăng thuế và sa thải công chức càng khiến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thêm phần bi đát.

Hôm thứ Hai tuần này, chính quyền Puerto Rico tuyên bố chỉ thanh toán được 628.000 USD trong khoản nợ 58 triệu USD đáo hạn. Nhiều người gọi Puerto Rico là "Hy Lạp của nước Mỹ".

Điều này đồng nghĩa với vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử của Puerto Rico. Vụ vỡ nợ này đã được lường trước, nhưng đặt chính quyền Puerto Rico vào một tình thế chưa từng có tiền lệ, đồng thời có thể mở ra những vụ vỡ nợ khác với quy mô lớn hơn và hàng loạt đơn kiện từ các chủ nợ nắm giữ trái phiếu do Puerto Rico phát hành.

Trong những năm gần đây, chính quyền Puerto Rico đã đề xuất một số cải cách cơ cấu. Tuy vậy, vụ vỡ nợ và thị trường việc làm tiếp tục co hẹp sẽ cản trở những nỗ lực nhằm đảo ngược vòng xoáy suy giảm của nền kinh tế.

“Hòn đảo này có vẻ như đang phải đối mặt với hai sự lựa chọn”, FED New York viết trong một báo cáo cách đây hai năm.

Hoặc họ phải tự điều chỉnh nền kinh tế và ngân sách của mình, hoặc chờ cho tới khi nào làn sóng di cư và quy tắc của thị trường dẫn tới sự điều chỉnh đau đớn hơn, đặc biệt là đối với những người không thể hoặc không muốn phải rời khỏi hòn đảo”.

Theo Diệp Vũ

Cùng chuyên mục
XEM