Chứng khoán Đông Nam Á giảm mạnh nhất 12 năm

29/08/2013 09:40 AM |

Trong tháng 8, các nhà đầu tư ngoại đã bán ra tổng cộng 2,2 tỷ USD trên các TTCK Thái Lan, Indonesia và Philippines.

So với chứng khoán thế giới, các TTCK ở Đông Nam Á đang suy giảm với tốc độ mạnh nhất trong vòng 12 năm qua, khiến chỉ số cơ bản của khu vực bước vào thị trường giá xuống (thị trường bear) trong bối cảnh nhà đầu tư bán ra tháng thứ 3 liên tiếp.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, trong tháng 8, chỉ số MSCI Đông Nam Á (MSCI Southeast Asia Index) đã giảm tổng cộng 11%. Chỉ số này cũng giảm 21% so với mức đỉnh của năm 2013 được lập hôm 8/5. Trong khi đó, chỉ số MSCI All-Country World Index đo lường diễn biến của chứng khoán thế giới chỉ giảm 9,1%, tạo ra sự chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 4/2001. 

Cũng trong tháng 8, các nhà đầu tư ngoại đã bán ra tổng cộng 2,2 tỷ USD trên các TTCK Thái Lan, Indonesia và Philippines. Trong đó, TTCK Thái Lan bị rút 1,3 tỷ USD, TTCK Indonesia bị rút 570 triệu USD và TTCK Philippines bị rút 347 triệu USD. Nhà đầu tư bán ra ồ ạt giữa những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khu vực tăng trưởng chậm lại và đồn đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng. 

Đồn đoán về động thái của Fed cùng với căng thẳng ở Syria là hai nguyên nhân chính khiến các thị trường mới nổi hướng tới tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Ở Đông Nam Á, dẫn đầu xu hướng giảm điểm là TTCK Philippines với mức giảm 14% trong tháng 8. Theo sau lần lượt là chỉ số Jakarta Composite Index của TTCK Indonesia (giảm 13%) và chỉ số SET Index của TTCK Thái Lan (giảm 10%). Chỉ số Straits Times Index của TTCK Singapore mất 6,8% và TTCK Malaysia giảm 4,9%. 

GDP quý II của Thái Lan đã bất ngờ suy giảm 0,3% so với quý trước. Chính phủ nước này cũng đã phải hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2013 từ 4,2% xuống còn 3,8%. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu bị hạ từ 7,6% xuống còn 5%. 

Trong khi đó, kinh tế Indonesia xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn. Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh nhất 4 năm, đồng rupiah yếu nhất kể từ năm 2009 và thâm hụt cán cân vãng lai cao kỷ lục làm dấy lên dự báo NHTW nước này sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi đã liên tiếp nâng lãi suất cơ bản trong hai tháng 6 và 7. 

Còn ở Philippines, các cuộc biểu tình phản đối sử dụng ngân sách sai mục đích đã làm dấy lên lo ngại cho rằng chi tiêu chính phủ sẽ sụt giảm. Đây là nhân tố chiếm tới 8,1% tăng trưởng của nền kinh tế trong quý IV năm 2012.

Thu Hương

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM