Chống tham nhũng, đến Giáo Hoàng cũng bị đe dọa

15/11/2013 13:55 PM |

Giáo Hoàng Francis gặp nguy hiểm vì đại cuộc chống tham nhũng.

Nội dung nổi bật:

- Đức Giáo Hoàng Francis vừa nhậm chức đã lập tức lên chiến dịch chống tham nhũng và cải cách Ngân hàng Vatican sau vụ bê bối.

- Việc này sẽ đảo lộn trật tự mối quan hệ hết sức "phức tạp" giữa Giáo hội và băng đảng xã hội đen bấy lâu nay.

- Trước tình hình đó, giới Mafia Ý hết sức "nóng gáy", càng lợi dụng Ngân hàng Vatican để rửa tiền nhiều hơn.


Chiến dịch vận động chống tham nhũng trong Giáo hội Công Giáo của tân Giáo Hoàng Francis, bao gồm cả cuộc đại tu Ngân hàng Vatican sau vụ bê bối đã đẩy chính bản thân ngài vào tầm ngắm của mafia Ý.

"Ý chí mạnh mẽ của Đức Thánh Cha nhằm mục đích phá vỡ các trung tâm quyền lực băng hoại đã khiến ngài gặp nguy hiểm. Thật sự ngài đã khiến bọn xã hội đen nhiễu loạn rất nhiều", Nicola Gratteri, công tố viên chống mafia cấp cao ở Ý bình luận. 

Ông này phát biểu thêm: "Tôi không có thông tin chính xác về kế hoạch chống mafia của Giáo Hoàng Francis, nhưng nếu có thì cũng không thể tiết lộ". 

Nicola Gratteri, phó công tố viên ở Reggio Calabria - một thành phố miền nam nước Ý, vốn là kẻ thù trứ danh của băng đảng mafia Ndrangheta khét tiếng nơi đây. Băng nhóm tập trung trút giận vào Ngân hàng Vatican mà vị tân Giáo Hoàng đang nỗ lực cải cách.

Hiện quan chức Vatican vẫn chưa có lời bình luận tức thì. Mới đây, nhà phát ngôn của Vatican vẫn kiên quyết gạt bỏ mọi quan ngại xoay quanh sự an toàn của Đức Giáo Hoàng Francis. "Tòa Thánh không có gì phải lo lắng bởi đây chỉ là những tin đồn thường tình", linh mục Federico Lombardi cho biết.

Vatican và đại cuộc "rửa sạch vết ô"

Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Vatican đã đưa ra bản báo cáo đầu tiên về vấn nạn rửa tiền. Đây là một nỗ lực sáng rõ nhằm cải thiện tính minh bạch tài chính. 

Bản báo cáo dài 64 trang mô tả chi tiết những gì Vatican cố gắng để khắc chế vấn nạn nhưng không đề cập bất cứ thứ gì liên quan tới mafia. Báo cáo phát hiện ra sáu hoạt động đáng ngờ trong vòng một năm qua.

Trong tháng 6, ngài Francis đã thành lập một Ban giáo hoàng năm người để điều tra hoạt động Ngân hàng Vatican, dẹp sạch các vụ kinh doanh mờ ám. Nhóm năm người này đang phải chịu áp lực không nhỏ đến từ các cơ quan tài chính quốc tế.

Một tháng sau đó, các công tố viên Ý bắt giữ một linh mục kiêm chuyên gia phân tích tài chính cho Vatican, cáo buộc ông này cố ý tiếp tay cho vụ buôn lậu hàng chục triệu Euro khắp châu Âu bằng máy bay riêng vào tháng 7 năm 2012. Cùng thời gian đó, hai nhân vật cao cấp tại Ngân hàng Vatican đã phải từ chức khi đội ngũ công tố viên tiếp tục cuộc điều tra đến nay đã kéo dài được ba năm.

Nhà thờ và băng cướp - mối quan hệ từ ngàn xưa?

"Giáo Hội Công Giáo và mafia Ý vốn có một mối quan hệ dài dòng và phức tạp", trích lời chuyên gia nghiên cứu tội phạm có tổ chức tại Ý Antonia Nicaso, đồng tác giả cuốn sách "Holy Water" phân tích về mối quan hệ giữa nhà thờ và băng cướp. 

Các băng đảng ngầm thường cấp tiền cho nhà thờ địa phương tu sửa hay tổ chức lễ lạc. Đổi lại, các chức sắc Công Giáo phải kín tiếng về hành vi bất hợp pháp của chúng. Antonia Nicaso nói: "Nhà thờ không bao giờ khơi ra vấn đề và chưa bao giờ phạt vạ tuyệt thông(*) một tên cướp".

(*) Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội.

"Gần đây, giới mafia càng lợi dụng Ngân hàng Vatican để rửa tiền ác liệt hơn", Antonia Nicaso cho biết dù không đưa ra bằng chứng cụ thể, "Cuộc cải cách của Giáo Hoàng Francis đang đe dọa trật tự đó và sẽ chạm nọc bọn tội phạm có tổ chức. Chúng tôi cho rằng đây là một thách thức chưa từng có với trung tâm quyền lực kinh tế của Vatican, chính vì vậy ngài sẽ phải đối mặt với những rủi ro hệ lụy".

Trong khi đó, Vatican vẫn một mực phủ nhận mọi dính líu giữa mafia Ý và Ngân hàng Vatican hay các tổ chức Giáo hội khác.

Tính mạng Đức Giáo Hoàng đang ngàn cân treo sợi tóc

Các sự kiện và buổi diễn thuyết của Giáo Hoàng thu hút đám đông lớn tham gia, điều này gây ra nhiều rủi ro an ninh. "Giáo Hoàng cần cảnh giác hơn, ngài không thể đi lại quanh quảng trường Vatican như xưa được nữa", Antonia Nicaso bình luận.

Liệu rằng mafia có dám ám sát một nhân vật nổi tiếng như vậy? Antonia Nicaso trả lời: "Có vô số cách để hạ sát một giáo hoàng. Đúng là chúng phải thận trọng nhưng trong lịch sử giới tội phạm có tổ chức, chưa bao giờ chúng màng đến hậu quả khi cần dẹp bỏ một chướng ngại vật".

Ngoài việc cải cách Vatican, Giáo Hoàng Francis còn nhắm vào việc chống tham nhũng. Trong bài phát biểu hôm thứ Hai, ngài nói rằng: "Một Kitô hữu cho nhà thờ cái này, nhưng đồng thời lại trộm cắp của người nghèo, của tổ quốc cái khác, ấy là điều bất công... Phải cột một cái cối xay gió vào cổ tên tham nhũng và vứt xuống biển mới xứng với những gì hắn làm".

Antonia Nicaso nhận xét: "Ngài đang cố gắng thay đổi Giáo hội. Đó không còn là giáo hội của quyền lực và xa hoa. Lời hứa tái cơ cấu Ngân hàng Vatican giống hệt như cuộc cách mạng Copernic lịch sử vậy".

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM