Chiến tranh kinh tế Nga - Thổ sẽ bùng nổ?

27/11/2015 14:45 PM |

Hãng tin CNN Money cho rằng khả năng một cuộc chiến kinh tế nổ ra giữa 2 nước là không cao.

Tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng sau vụ máy bay chiến đấu bị bắn hạ tại Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Nga đã bị “đâm sau lưng bởi kẻ đồng lõa của bọn khủng bố” trong khi người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan nhận định cáo buộc của chính quyền Moscow là một sai lầm lớn.

Hiện các quan chức Nga đang lên kế hoạch cho khả năng trừng phạt kinh tế chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hãng tin CNN Money cho rằng khả năng một cuộc chiến kinh tế nổ ra giữa 2 nước là không cao.

1. Nước Nga đang cần đối tác, không phải kẻ thù

Nga hiện nay vẫn đang bị các nước Phương Tây cấm vận kinh tế và quốc gia này hiện không có nhiều đối tác thương mại để lựa chọn. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại là một trong vài nước có quan hệ thương mại lớn với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia không gia nhập Liên Minh Châu Âu (EU), Mỹ hay các nước Phương Tây khác để thực hiện cấm vận kinh tế với Nga sau mâu thuẫn tại Ukraine. Dù thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng nước này vẫn có kế hoạch tăng giao dịch thương mại với Nga lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Mặc dù leo thang căng thẳng giữa 2 nước có thể gây tổn hại đến giao dịch thương mại, nhưng một cuộc chiến toàn diện về kinh tế là điều khó có thể xảy ra.

Phía Nga hôm 26/11 đã tuyên bố sẽ thắt chặt việc kiểm soát nhập khẩu lương thực và nông sản từ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời sẽ xem xét lại chất lượng cũng như độ an toàn của các loại sản phẩm quần áo, đồ nội thất và chất tẩy rửa nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

2. Hợp tác ngành năng lượng

Cách đây vài năm, cả 2 nước đều đã ký hàng loạt các văn bản thỏa thuận chiến lược về nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là dự án hệ thống đường ống năng lượng qua Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án này của 2 nước sẽ đưa khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ mà không qua Ukraine, quốc gia đang có xung đột. Từ đó, khí đốt Nga sẽ theo đường ống mới để vào thị trường Châu Âu.

Dự án đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm thay thế dự án Dòng chảy Phương Nam, vốn đi qua Ukraine và bị hủy bỏ vào năm 2014, để đến thị trường chủ chốt Châu Âu.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nhập khẩu khí đốt lớn thứ 2 từ nhà sản xuất Nga, đứng sau Đức. Vì vậy, chính quyền Ankara sẽ không dễ dàng đi đến một cuộc chiến kinh tế với Moscow.

Ngoài ra, Nga cũng đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Công trình này được khởi công vào tháng 4/2015 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Theo thỏa thuận vào năm 2010, Nga sẽ tài trợ 22 tỷ USD cho dự án trên và chịu trách nhiệm vận hành nhà máy.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Alexey Ulyukaev cho biết cả 2 dự án lớn trên đều có thể là đối tượng cho các lệnh trừng phạt kinh tế từ Nga.

3. Ngành du lịch

Khách du lịch Nga đóng vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp không khói của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã đón 4,5 triệu khách Nga, tương đương 12% tổng số khách du lịch đến nước này, đứng thứ 2 chỉ sau khách Đức.

Chính quyền Moscow hiện đã đề nghị công dân Nga không du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ rơi máy bay và yêu cầu các hàng du lịch hủy tour đến quốc gia trên.

Với tình hình trên, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ xem xét lại khả năng đi đến một cuộc chiến toàn diện về kinh tế với Nga khi chính nước này có thể chịu thiệt hại nặng.

4. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không trong tình trạng tốt nhất

Cả 2 nước Nga và Thổ Nhì Kỳ đều đang gặp khó khắn về kinh tế và thực sự cần những yếu tố tích cực nhằm thúc đẩy thương mại trong và ngoài nước chứ không phải những lệnh cấm vận.

Kinh tế Nga đang chịu tác động từ giá dầu giảm và các lệnh cấm vận từ Phương Tây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Nga sẽ suy giảm 3,8% trong năm nay và 0,6% vào năm 2016.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không khá hơn khi mâu thuẫn sau cuộc bầu cử khiến tình hình chính trị của nước này trở nên bất ổn. Tăng trưởng kinh tế đã giảm mạnh trong những năm gần đây. IMF dự báo tăng trưởng GDP của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đạt 3,1% trong năm nay và 3,6% vào năm 2016, thấp hơn rất nhiều so với mức 9% năm 2010 và 2011.

Hơn nữa, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm giá 20% so với đồng USD từ đầu năm đến nay. Điều này càng khiến chính quyền Ancara gặp khó khi họ có tổng nợ nước ngoài ngắn hạn lên tới 125 tỷ USD.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM