Chi 6.000 tỷ đồng để nâng chiều cao người Việt thêm 3,5 cm
Mục tiêu vào năm 2030 chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam có thể đạt 1,68-1,69cm và 1,55cm đối với nữ.
Tối 19/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự lễ phát động Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.
Ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục-Thể thao, Giám đốc Ban điều phối Đề án cho biết, ảnh hưởng của chiến tranh và sau đó là một thời kỳ quá độ nên gây ra nhiều tác động ảnh hưởng đến việc phát triển thể lực, tầm vóc của người Việt Nam.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 641/TTg, ngày28/4/2011, phê duyệt “Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”.
Với mức kinh phí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khoảng 6.000 tỷ đồng, mục tiêu lớn nhất của Đề án là nâng chiều cao của người Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ từ nay đến năm 2030 cao hơn từ 2,5 - 3,5cm.
Ông Lâm Quang Thành khẳng định 6.000 tỷ cho đề án không phải là một con số quá lớn bởi đây là một chiến dịch tổng thể, được thực hiện trên phạm vi cả nước, trải qua bốn bước lớn với hàng loạt các chương trình nhỏ, áp dụng cho toàn bộ xã hội. Đặc biệt, tầng lớp học sinh, sinh viên là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ đề án này.
Đề án được thực hiện thông qua 4 chương trình lớn với đối tượng áp dụng là các bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi.
Mục tiêu vào năm 2030 chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam có thể đạt 1,68 - 1,69cm và 1,55cm đối với nữ.
Trong 30 năm qua, người Việt cao lên, nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được một cm. Chiều cao của nữ giới cũng rất thấp, gần 154 cm.
Theo tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, người Việt hiện thấp nhất khu vực châu Á. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng sự phát triển chiều cao như: khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài; môi trường sống không sạch sẽ; trẻ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp...
>> 'Nạn' phân biệt chiều cao ở Trung Quốc
Thái Nam