Chết khô vì cạn tiền, bẹp dí với tồn kho

12/07/2013 11:15 AM |

Báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm cho thấy, hàng tồn kho vẫn còn lớn, sức mua giảm khá mạnh làm cho giá cả thị trường giảm mạnh.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, có 2 tháng đầu năm CPI tăng cao do ảnh hưởng của Tết nguyên đán, nhưng từ tháng 3 tới nay, mức giá ổn định, xu hướng giảm. CPI tăng giảm không đều qua các tháng, việc tăng giảm hoàn toàn phù hợp với quy luật tiêu dùng và diễn biến sức khỏe của nền kinh tế.

Điều đáng nói, CPI cả nước tăng trong bối cảnh CPI của hai thành phố HN và TPHCM đồng loạt giảm nhẹ, tháng 5, CPI cả nước giảm 0,06 so với tháng 4/2013.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 6 tăng 2,4% so với 12/2012, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua. Trong cơ cấu chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2013, ngoài 2 nhóm có chỉ số giá giảm là nhà ở và vật liệu xây dựng và bưu chính viễn thông, các nhóm còn lại đều có chỉ số tăng.

Trong đó, nhóm dịch vụ y tế tăng 17,39% tác động làm cho nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,88%, tiếp đến là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 3,85%), đồ uống và thuốc lá (tăng 2,69%), hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,55%. Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,46% các hóm còn lại tăng từ 0,47-1,96%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1.275.414 tỷ đồng, tăng 11,9% nhưng thấp hơn mức 19,7% của cùng kỳ năm 2012. Nếu loại từ yếu tố giá cả, tổng mức lưu chuyền hàng hóa 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,9%. Đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, hàng hóa tồn kho có giảm song vẫn còn khá lớn, gây áp lực giảm giá.

Nguyên nhân cơ bản được nhiều chuyên gia đánh giá khi CPI giảm khá mạnh so với cùng kỳ các năm trước là do tổng cầu bị suy giảm mạnh, chưa có cơ hội phục hồi sau thời gian dài 2 - 3 năm do khủng hoảng kinh tế kéo dài chưa được khắc phục.

Sản suất tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được dẫn đến tồn kho lớn, tiêu thụ chậm chắc chắn phải thu hẹp sản xuất, người lao động mất công ăn việc làm, giảm thu nhập hoặc không có thu nhập, nhu cầu không có khả năng thanh toán sẽ xuất hiện, đây là tác động kép của sự trì trệ sản xuất và tiêu dùng xã hội. Tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 4,9% so với cùng kỳ năm 2012 là 6,2% là mức giảm mạnh.

Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định, nhìn vào chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm cho thấy kinh tế mới bước đầu thoát khỏi trì trệ, trong bối cảnh sức khỏe của nền kinh tế còn nhiều lo ngại. Nhiều khó khăn thách thức của nền kinh tế vẫn chưa vượt qua được, nên các yếu tố không mong muốn chắc chắn sẽ còn tiếp tục tác động mạnh đến mặt bằng giá của thị trường 6 tháng cuối năm.

Do ảnh hưởng của việc giảm sút sức mua trong nước cũng như việc giảm giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam trên thị trường thế giới, nhiều dự báo cho rằng kinh tế nửa cuối năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn và diễn biến thị trường giá cả khó kiểm soát.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Viện kinh tế tài chính cho rằng, việc tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, tăng giá hàng hóa trên thị trường có thể xuất phát từ việc tăng giá xăng dầu trong thời gian gần đây cũng như giá nhiên liệu tiếp tục biến động, thiên tai dịch bệnh trong nước còn diễn biến phức tạp, lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, thuế phí, giá điện trong nửa cuối năm 2013. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá sau một thời gian dài bị "neo" cũng là một nguyên nhân có thể gây ảnh hưởng đến thị trường cuối năm.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, với mức tăng CPI 6 tháng qua chỉ với mức 2,4% so với tháng 12/2012, CPI cả năm 2013 sẽ chỉ ở mức khoảng 7% và cả mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở dưới mức 8%. Còn theo Trung tâm kinh tế và chính sách (ĐH QG HN), dự báo lạm phát năm 2013 trong vùng từ 4,95-6,64%.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM