Cháy cây xăng mới biết mình lạc hậu?

05/06/2013 17:40 PM |

Quy hoạch các trạm xăng vừa không được tuân thủ, bị vi phạm, vừa cho thấy, bản thân quy hoạch đó có vấn đề.

Vụ cháy cây xăng của tổng công ty Xăng dầu quân đội đã xảy ra 2 ngày, nhưng "sức nóng" vẫn chưa hết. Mặc dù vụ cháy gây thiệt hại kinh tế không phải quá lớn và chưa gây tổn thất nhân mạng, nhưng lại khiến nhiều người bàng hoàng.

Bàng hoàng bởi nguy cơ, hậu quả của một vụ cháy, nổ cây xăng đã và sẽ có thể lớn hơn như thế rất nhiều. Qua vụ hỏa hoạn, qua những kết quả điều tra ban đầu, qua thực tiễn công tác chữa cháy, hàng loạt khoảng trống về quản lý, về trách nhiệm, sự yếu kém trong trang bị, thiết bị phòng chống cháy... đã được phát hiện và không dễ gì lấp đầy.

Thứ nhất, theo thông báo của cơ quan quản lý, Hà Nội có khoảng 500 trạm xăng trong đó, có không ít trạm xăng nằm trong, nằm gần các khu vực đông dân cư. Tp. HCM và nhiều tỉnh, thành phố lớn khác... sắp tới sẽ phải thực hiện rà soát lại.

Một lần nữa, câu chuyện mất bò mới lo làm chuồng lặp lại. Bởi lâu nay, ở một số thành phố, nhất là tại Hà Nội, quy hoạch các trạm xăng (cũ) đã không còn theo kịp tốc độ đô thị hóa. Nhà ở, các công trình đô thị phát triển, mật độ dân cư tăng nhanh..., nhiều trạm xăng trước đây ở những khu vực tương đối trống, xa khu dân cư thì nay đã không còn đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu.

Nhưng ngay cả một số trạm xăng xây mới cũng không đạt tiêu chuẩn. Điều này cho thấy, quy hoạch các trạm xăng vừa không được tuân thủ, bị vi phạm, vừa cho thấy, bản thân quy hoạch đó có vấn đề. Và đây thực sự là điều đáng báo động, bởi nguy cơ xảy ra một vụ rò rỉ xăng, dẫn đến bén lửa từ các cửa hàng dịch vụ, từ các nhà dân... dẫn đến cháy nổ như vụ cháy cây xăng quân đội vừa qua là rất hoàn toàn có thật.

Thứ hai, cũng rất đáng báo động là hệ thống trang, thiết bị, công nghệ phục vụ việc phòng cháy chữa cháy. Vụ hỏa hoạn này rõ ràng là một thử thách lớn mà tất cả sự yếu kém về trang thiết bị, công nghệ cứu hỏa của lực lượng phòng cháy chữa cháy thủ đô đã bộ gần như bộc lộ hoàn toàn.

Một mặt, có thể đánh giá cao tinh thần xả thân của lực lượng cán bộ, nhân viên phòng cháy chữa cháy đã lao vào chữa cháy như chúng ta có thể qua các clip, video, hình ảnh... nhiều cơ quan truyền thông, mạng xã hội đã đăng tải. Nhưng mặt khác, những hình ảnh, ấy cũng cho thấy, trang thiết bị, công nghệ phục vụ cho việc chữa cháy rất nghèo nàn.

Điều này đã được thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội thừa nhận. Thật bất ngờ khi ông Nghi cho biết, toàn bộ lực lượng PCCC thành phố chỉ có 50 bộ quần áo bảo hộ. Và như đã thấy, khi sự cố xảy ra, có rất nhiều chiến sĩ PCCC đã không có quần áo bảo hộ, tay không xông vào chữa cháy, tạo ra những hình ảnh đáng thương, nhưng cũng rất phản cảm, gây nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Theo lời tướng Nghi, nhiều trang, thiết bị khác cũng đều còn yếu kém, lạc hậu như xe cứu hỏa là "xin" từ Nhật Bản; bột, bọt khí... khi sử dụng chống cháy cũng phải hết sức tiết kiệm nên đã phải dùng nước xả cho nguội bồn rồi mới dùng đến bột, bọt khí. Vậy, nếu xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn hơn thế này, với lực lượng, trang thiết bị như vậy, làm sao đảm bảo việc chống cháy hiệu quả?

Thứ ba là về thái độ, trách nhiệm. Một vụ cháy lớn như vậy xảy ra cũng đủ đặt ra hàng loạt câu hỏi về vấn đề trách nhiệm. Trước hết là trách nhiệm của chính quyền sở tại: ở những cây xăng không xa khu dân cư, các cửa hàng dịch vụ như vậy, không đảm bảo an toàn vì sao không có sự kiểm tra, nhắc nhở, khắc phục để đảm bảo an toàn cần thiết?

Thật khó chấp nhận tình trạng người dân đổ than tổ ong, còn bốc lửa ở gần một trạm xăng lớn như vậy. Nếu không gây hỏa hoạn vào lúc này, thì nó cũng sẽ gây đại nạn vào lúc khác. Và đáng nói hơn là nguy cơ ấy vẫn tiềm tàng ở hàng chục, hàng trăm trạm xăng khác tại HN, Tp. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, v.v... mà được báo chí ghi nhận là những "túi bom" khi đi khảo sát sau vụ hỏa hoạn.

Thứ nữa là trách nhiệm của chính các lãnh đạo công ty xăng dầu, cán bộ quản lý, nhân viên ở trạm xăng dầu. Theo một số lãnh đạo công an thành phố HN, khi kiểm tra, điều tra nguyên nhân vụ cháy trên, đã thấy có nhiều sơ suất của nhân viên, nhiều yếu kém về bảo hộ, an toàn... tại trạm xăng.

Trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, nhân viên có liên quan của tổng công ty Xăng dầu quân đội sẽ sớm được kết luận, xử lý (kể cả việc đây là trạm xăng nội bộ nhưng vẫn bán ra bên ngoài). Nhưng tiếp đây, tình trạng yếu kém tương tự trong việc bảo đảm an toàn về PCCC cho các trạm, cây xăng ở nhiều khu vực khác, tỉnh, thành phố khác cũng cần phải sớm được rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh.

Theo Mạnh Quân

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM