Cấu thành giá xăng: Tiền nộp thuế cao hơn tiền mua dầu

09/10/2013 09:57 AM |

"Chạy trời không khỏi thuế".

Nội dung nổi bật:

Thuế xăng dầu khiến các nước G7 lời to, còn các nhà sản xuất khối OPEC chịu thiệt thòi. Ông Abdalla El-Badri, tổng thư ký OPEC lên tiếng khẳng định giá dầu tăng không phải tại OPEC thao túng mà là do:

(i) Thuế là gánh nặng chính.

(ii) Các dự án đầu tư khai thác dầu mỏ dở dang, dai dẳng và kéo tụt doanh thu.

(iii) Bất ổn Trung Đông.

(iv) Chính sách trừng phạt nặng tay với Iran.


Tuần qua bộ trưởng bộ Tài Chính Anh George Osborne vừa tuyên bố lệnh đóng băng một số loại thuế xăng dầu cho đến hết năm 2015. Chính sách được các nhà lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC hoan nghênh nhiệt liệt. Hiện OPEC đang kiểm soát một phần ba lượng cung dầu thế giới.

"Chạy trời không khỏi thuế"

Tổng thư ký OPEC Abdalla El-Badri phát biểu thuế là thủ phạm chính khiến giá cả ở các trạm xăng tăng vọt chứ không phải tại OPEC thao túng giá dầu thô như thế giới hay nghĩ.

Trả lời phỏng vấn báo The Daily Telegraph của London, ông Badri cho biết: "Nhờ thuế xăng dầu, nhóm G7 (trong đó có Anh) còn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn cả các nước thành viên của chúng tôi. Họ cứ tăng thuế rồi đổ tại OPEC, người dân cứ thế mà tin."

OPEC ước tính trong khoảng 2007-2011, thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD kiếm được hơn 5,5 nghìn tỷ USD từ thuế đánh trực tiếp lên các sản phẩm dầu trong khi các nhà sản xuất OPEC chỉ thu được 4,2 nghìn tỷ USD từ việc khai thác "vàng đen" ra khỏi lòng đất. Con số này chưa kể đến thứ chi phí sản xuất có thể lên tới 80 USD cho mỗi thùng dầu thô tại nhiều nước.

Phía phê bình nói rằng OPEC nên giải tán vì đã quá kìm kẹp thị trường dầu mỏ quốc tế thành ra gây độc quyền, độc tài.

Nhưng ông Badri phản đối: "Sai! Chúng tôi không ấn định giá mà luôn nhìn vào cung cầu, tình hình kinh tế cũng như cổ phiếu để tìm cách đáp ứng thị trường với mức giá hợp lý. Nhưng khổ nỗi chúng tôi "bó tay" với thuế, giống như người Mỹ hay nói vậy: "Chạy trời không khỏi thuế"."

Dự án đầu tư dang dở kéo dài

Một trong những nguyên nhân gây đột biến giá dầu trong suốt thập kỷ qua là các giếng dầu đang xây dựng dở dang, dai dẳng, không mang lại bao nhiêu lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Theo số liệu của OPEC, các nước thành viên đang gấp rút chi tiêu cho các sản phẩm dầu mỏ mới như dự án đường ống trị giá 300 tỷ USD. Nhưng đầu tư dù có gia tăng cũng không làm giảm được mức giá. Theo ông Badri, giá dầu nên được duy trì ở mức ít nhất 100 USD/thùng nếu muốn trang trải chi phí sản xuất và đem lại doanh thu.

"Năm 2008, giá dầu tụt xuống còn 10 USD, chúng tôi không đầu tư gì, đột ngột con số này lại tăng lên. Vấn đề sau đó thế nào ai cũng rõ. Cái chúng tôi cần là một nguồn cung và đầu tư ổn định từ OPEC và các nguồn dầu khác", ông Badri cho hay.

Các công ty dầu còn đóng một vai trò quan trọng trong việc hợp tác giữa OPEC và các công ty dầu khí nhà nước (NOCs). Tổ chức thường bị cáo buộc là khẳng định quá mức quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ của mình, nhiều nước hạn chế lối đi của những hãng lớn như Shell, BP và ExxonMobil.

"Tôi cho rằng chúng ta cần bắt tay với nhau ngay lập tức vì họ có bí quyết, công nghệ và nguồn hỗ trợ tài chính, hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho NOCs", ông Badri khẳng định.

Đây là làm ăn, không phải chính trị

Trong OPEC, ông Badri còn có một vai trò bí mật, đó là giữ hòa bình nội bộ. Nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn khi có các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập.

Cuộc họp thường kỳ của OPEC tại Vienna thường vướng mắc những mối liên hệ ngầm với hai nhà sản xuất lớn nhất luôn bất hòa với nhau về chiến lược là Ả Rập Saudi và Iran.

"Khó khăn đâu chẳng có nhưng không giống cái thời Iraq xâm lược Iran hay Iraq lấn chiếm Kuwait, những quyết định gây ra vấn đề đến bây giờ vẫn còn đang tồn tại", ông Badri cho biết, "Tôi thấy may mà các nhà nhà lãnh đạo của chúng ta còn hiểu rằng đây không phải tổ chức chính trị mà là tổ chức kinh tế. Ta nên chú trọng lợi ích của các nước thành viên và bỏ qua những vấn đề chính trị".

Chính sách trừng phạt khắt khe

Các biện pháp trừng phạt hạn chế phát triển dầu mỏ tại các nước thành viên như Iran cũng là một yếu tố làm tăng giá dầu.

Các công ty dầu khí đang bị cấm giao dịch với các quốc gia Hồi Giáo vì bị nghi ngờ sử dụng chương trình năng lượng hạt nhân bao che cho việc phát triển vũ khí nguyên tử.

Một số báo cáo cho thấy trong năm qua xuất khẩu dầu của Iran có giảm hơn một nửa từ 2,4 triệu thùng/ngày xuống còn 1 triệu/ngày, trong khi doanh thu tụt giảm 40 tỷ USD từ đầu năm.

Ngành dầu toàn thế giới mong rằng biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ vì Iran sẽ có cơ hội phát triển và cống hiến cho lợi ích thế giới.

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM