Cạnh tranh ngân hàng: “Sống gần nhau thân mới thẳng”
Ở cạnh tranh chính yếu, các ngân hàng Việt Nam hiện nay, nhìn chung, vẫn chưa thể gần nhau.
Tuần qua, thị trường lại đón nhận một đợt cắt giảm lãi suất huy động VND. Khoảng cách cạnh tranh rộng hơn trên các biểu niêm yết, nhưng ngấm ngầm và quyết liệt hơn không nằm ở đó…
Một lần nữa và là lần thứ ba kể từ đầu năm, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chủ động giảm khá mạnh lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn. Mức cao nhất của “ông lớn” này hiện chỉ còn 6,3%/năm, giảm từ mức 6,8%/năm trước đó.
Với tăng trưởng huy động vốn tới 17,67% sau 9 tháng đầu năm, hệ số sử dụng vốn chưa bị đẩy lên quá mức, quyết định của Vietcombank đương nhiên là hợp lý đối với họ. Cũng lưu ý rằng, đây đang là ngân hàng thương mại có ưu thế tiền gửi ngân sách rất lớn trong hệ thống.
Nhưng, nhìn sang vài thành viên khác, lãi suất huy động trên 7,5% - 8%/năm vẫn khá phổ biến ở các kỳ hạn; mức cao nhất vẫn còn ở 8,5%/năm. Chênh lệch cạnh tranh lãi suất theo đó đã doãng ra tới 2,2 - 2,5%/năm, tùy kỳ hạn.
Lãi suất vẫn là công cụ cạnh tranh chính yếu trong hoạt động ngân hàng, không chỉ nổi bật tại những thời điểm “căng như dây đàn” 2008 - 2011, mà quyết liệt ngay cả khi xuống sâu và thanh khoản tốt như hiện nay.
Vì sao vậy? Vì các ngân hàng Việt Nam, nhìn chung, vẫn chưa gần nhau.
Lợi thế riêng có
So sánh có thể khập khiễng, nhưng có thể dẫn mối quan hệ trên qua hình ảnh trong bài hát nổi tiếng “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Có một lời hát như triết lý và hẳn đến từ sự quan sát tinh tế trong đời sống thực: “Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng”.
Có thể hiểu hàm ý của câu hát về tính đoàn kết, gắn bó. Nhưng, về tính cạnh tranh cũng là một góc đáng nhìn, dù có nằm ngoài ý tứ của nhạc sĩ.
Thông thường, với đặc tính tự nhiên của rừng, khi các cá thể cây gỗ ở gần nhau, quan hệ cạnh tranh về ánh sáng và chiều cao càng gay gắt, khiến chúng vươn cao và thân mọc thẳng.
Các ngân hàng Việt Nam nhìn chung hiện vẫn chưa gần nhau để cùng cạnh tranh, để thân cùng thẳng và vươn cao như vậy. Chưa gần, xét về lợi thế vốn và khả năng “chịu chơi” lãi suất.
Trong “rừng ngân hàng” hiện nay, một số cây lớn đang xòe tán và luồn cành lấn át cây nhỏ. Tưởng như, trên thị trường, lớn - nhỏ đều có những phân khúc khách hàng riêng, hay lớn át nhỏ là lẽ thường trong cạnh tranh. Nhưng không hẳn vậy.
Đại hội cổ đông Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) năm vừa rồi có đưa ra một dẫn chứng. Kết quả kinh doanh của PG Bank kém khả quan được giải thích một phần chịu sức ép gia tăng từ các ngân hàng lớn. Giờ đây họ cũng đi săn lùng “cá nhỏ”, khi mà áp lực thúc đẩy tín dụng đè nặng và kéo dài. Thắng - thua ở đây là dễ thấy.
Hay ở một câu chuyện bên lề khác, khi trao đổi với VnEconomy, giám đốc chi nhánh một ngân hàng tầm trung phàn nàn rằng: “Nếu cứ thế này thì khó sống. Họ vào “đập” luôn lãi suất thấp hơn vài ba phần trăm rồi lấy luôn mấy khách hàng truyền thống của mình”. Họ là “ông lớn” quốc doanh, vừa thiết lập sự hiện diện ở địa bàn đó…
Lớn át nhỏ, sự khắc nghiệt của thị trường, lợi ích cuối cùng là cho khách hàng. Nhưng có những điểm không được bình thường, các ngân hàng không được gần nhau trong so sánh lợi thế vốn và lãi suất khi cạnh tranh ở đây.
Để “đập” được lãi suất thấp hơn hẳn, phải có lợi thế nguồn vốn, không chỉ về quy mô mà còn gắn với tính chất đặc biệt nữa.
Khối ngân hàng thương mại nhà nước có lợi thế riêng về những nguồn tiền gửi “khủng” của các đầu mối ngân sách, hay ước định riêng về ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau trong khối doanh nghiệp trung ương - các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (trong đó có nguồn tiền gửi)…
Vậy nên, khi cây lớn nắm lợi thế xòe tán luồn cành, thân cây nhỏ càng khó cùng thẳng và vươn cao để phát triển. Lợi thế và tính chất đặc biệt của nguồn vốn trên là quy mô cùng lãi suất tiền gửi cực thấp, chủ yếu là không kỳ hạn của dạng tiền gửi thanh toán ngân sách. Điểm qua báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của vài “ông lớn” quốc doanh, dễ dàng thấy hàng chục nghìn tỷ đồng tiền gửi loại này.
So với tổng huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng, ở khoảng 3,4-3,5 triệu tỷ đồng, 40-50 nghìn tỷ đồng tiền gửi loại đó là rất nhỏ. Nhưng khi chỉ nằm ở vài “ông lớn”, nó tạo nên khác biệt khiến các ngân hàng khác, đặc biệt là khối cổ phần, khó mà gần được khi so sánh giữa các cá thể để cạnh tranh.
Ở những khía cạnh hoạt động khác, các ngân hàng Việt Nam hiện nay cũng khá gần nhau để thân cùng thẳng và vươn cao. Đó là về công nghệ và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Thậm chí nhiều thành viên khối cổ phần còn có sự vượt trội.
Thế nhưng, cạnh tranh chủ yếu, truyền thống nhất và quyết liệt nhất vẫn là lãi suất, mà như trên, họ vẫn không gần nhau được do có sự khác biệt lớn về một phần ưu thế của nguồn vốn - dù tưởng như là riêng lẻ.
Sẽ có tách bạch?
Khoảng dăm năm về trước, sự cạnh tranh “không gần nhau” này từng nổi lên là một vấn đề lớn, choán về mặt vĩ mô chứ không còn là cạnh tranh bình đẳng giữa các cá thể ngân hàng nữa.
Khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã từng ngồi lại với nhau, để thống nhất việc rút bớt dòng tiền gửi đặc biệt nói trên. Mang tầm vĩ mô, bởi nó có ảnh hưởng lớn tới cung tiền và tính chủ động điều hành, điều tiết vốn của Ngân hàng Nhà nước…
Được biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đang có ý muốn làm rạch ròi về điểm này(?). Một mặt, có lẽ ông muốn hạn chế những yếu tố có thể gây nhiễu đối với việc điều hành chính sách tiền tệ; mặt khác, việc thiết lập một sân chơi bình đẳng hơn để các ngân hàng cùng cạnh tranh về vốn và lãi suất như đề cập ở trên có thể cũng là một mục tiêu nữa.
Vậy vì sao Ngân hàng Nhà nước chưa làm? Có thể dò đoán rằng, thời gian qua nhà điều hành cũng muốn tranh thủ lợi thế tiền gửi ngân sách tại các ngân hàng thương mại nhà nước để vừa làm mồi kích thích tăng trưởng tín dụng, vừa góp điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Nhưng, về lâu dài, hẳn cái này sẽ được tách bạch hoặc có quy định sử dụng chặt chẽ hơn.
>> Ẩn số chuyện 'ăn lãi' và cơn đau đầu vì tiền của giới ngân hàng
Theo Minh Đức