Ngành tài chính ngân hàng: Chuẩn bị nói lời từ biệt với thế hệ 5x

10/10/2014 11:32 AM | Nghề nghiệp

Sáng nay (ngày 10/10/2014) Viện nhân lực Ngân hàng Tài chính đã tổ chức Hội thảo Phát triển vốn nhân lực ngành ngân hàng tài chính.

Theo báo cáo tại hội thảo, số lượng nhân sự ngành ngân hàng tài chính được dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng từ khoảng 8-10% hàng năm, đạt 240.000 người năm 2015 và 300.000 người vào năm 2020.

Nhân lực chuyên gia và quản lý tiếp tục khan hiếm

Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, dự kiến 5 năm tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng Việt Nam sẽ có khoảng 2 ngân hàng có đủ sức cạnh tranh với các NH trong khu vực, có khoảng 10 – 15 ngân hàng đủ lớn làm trụ cột cho các ngân hàng trong nước, khoảng 8 ngân hàng nhỏ hoạt động lành mạnh với quy mô phù hợp.

Như vậy, số lượng ngân hàng có thể sẽ giảm đáng kể so với con số 52 ngân hàng hiện tại. Nhưng vấn đề lớn đặt ra là khả năng thích ứng của các nhân sự cao cấp hiện tại với các định hướng chiến lược mới, các mục tiêu tham vọng của các ngân hàng sau sáp nhập và tái cấu trúc. Để tạo khả năng thích ứng và thay đổi tư duy, các ngân hàng có thể chấp nhận việc “thay máu” ở các vị trí quản lý cao cấp.

Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, nhân sự chuyên gia và quản lý được dự báo là tiếp tục khan hiếm. Ba vị trí khó tuyển và thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng nhất là: Chuyên gia quản lý rủi ro; Quản lý cấp trung và Chuyên gia Tài chính Đầu tư.

Nếu không thể phát triển nguồn cung, ngân hàng sẽ phải chấp nhận việc “nhập khẩu” chuyên gia cho các vị trí này. Việc vốn chảy quanh từ ngân hàng nọ sang ngân hàng kia cũng sẽ là điều khó tránh khỏi.

Trong vòng 5 – 10 năm nữa các lãnh đạo 5x sẽ về hưu

Theo thống kê, 4,84% nhân lực ngành ngân hàng đã trên 50 tuổi. Như vậy, trong vòng 5 – 10 năm tới, các nhà quản lý thế hệ 5X – những người đã góp phần to lớn trong việc xây dựng hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới sẽ tới tuổi nghỉ hưu.

Đây là thế hệ đã tích lũy kinh nghiệm vô giá về vượt qua khủng hoảng, nếu không có kế hoạch phát huy tối đa kinh nghiệm của các chuyên gia này, toàn hệ thống sẽ lãng phí một nguồn lực vô cùng quý giá.

Bên cạnh đó, có tới 60% nhân lực ngân hàng dưới 30 tuổi. Họ được nhìn nhận là thế hệ nhiều tham vọng và mơ ước nhưng còn thiếu rất nhiều kỹ năng và kiến thức.

Các chuyên gia nhận định, trong vòng 10 năm nữa, ở độ tuổi 40 chín muồi, với số lượng áp đảo, họ sẽ là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của ngành ngân hàng Việt Nam.

Vì vậy, việc phân bổ ngân sách để xây dựng năng lực cho thế hệ 8X có một ý nghĩa hết sức quan trọng với ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Theo Khánh Nhi

Cùng chuyên mục
XEM