Cảng biển Việt Nam: Khó thu hút vốn đầu tư tư nhân

22/02/2013 08:12 AM |

Nội dung nổi bật:
* Tính đến cuối năm 2012, tổng công suất các cảng trong cả nước vào khoảng 294,5 triệu tấn/năm.
* Các nhà đầu tư chỉ chủ tập trung vào khu vực có nguồn hàng lớn, chủ yếu là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (nơi chiếm 70% lượng hàng hóa thông qua của cả nước)
 
---------------------------------------
 
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tại Hội nghị Thượng đỉnh phát triển và mở rộng cảng Đông Nam Á diễn ra ở TP.HCM ngày 21-2-2013 cho rằng Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các dự án cảng biển.

Khó thu hút vốn

Theo ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), việc huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển cảng biển thời gian qua đã phần nào cải thiện đáng kể năng lực của hệ thống cảng biển Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tính đến cuối năm 2012, tổng công suất các cảng trong cả nước vào khoảng 294,5 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Huy Hoàng - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), hiện các nhà đầu tư chỉ chủ tập trung vào khu vực có nguồn hàng lớn, chủ yếu là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (nơi chiếm 70% lượng hàng hóa thông qua của cả nước). Đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tập trung vào hạ tầng bến cảng, nơi đã có hạ tầng công cộng cảng biển như luồng vào cảng, đê chắn sóng được đầu tư hay ít nhất đã có kế hoạch được đầu tư.

Việc tập trung đầu tư quá nhiều tại khu vực Cái Mép - Thị Vải thời gian vừa qua, mặc dù được phát triển theo đúng chức năng và vị trí trong quy hoạch nhưng lại không đúng về thời điểm đầu tư đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất đối với các bến container tại đây.

Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 ước tính khoảng 360-440 nghìn tỷ đồng (18-22 tỷ USD). Đây là một nhu cầu vốn rất lớn.

TS Nguyễn Huy Hoàng cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân tham gia vào các dự án cảng biển có quy mô lớn, đầu tư mới có tính chất khởi động như cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện… mặc dù đây là những mục tiêu quan trọng đã được xác định trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Nhiều bất cập

Đại diện một quỹ đầu tư đến từ Malaysia cũng cho biết đầu tư khai thác cảng biển đòi hỏi vốn lớn, vòng đời dự án lâu dài, khả năng hoàn vốn lâu, rủi ro cao, đặc biệt là đối với những cảng xây dựng mới có quy mô lớn, cần đầu tư đồng bộ cả hạ tầng công cộng và hạ tầng bến cảng.

Vì vậy, khi cân nhắc đầu tư vào cảng biển, nhà đầu tư tư nhân sẽ xem xét và đưa ra yêu cầu một số cam kết cụ thể từ phía đối tác ký kết hợp đồng như: yêu cầu chính quyền đặt ra các điều kiện hạn chế cấp phép dự án cảng mới trong cùng khu vực, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và nạo vét luồng tàu.

Ngoài ra, hạ tầng hỗ trợ cho cảng khai thác hiệu quả như cảng nội địa (ICD), các trung tâm logistics trong nội địa cũng có thể là những yêu cầu của nhà đầu tư tư nhân. Trong khi đó, những hạ tầng này cũng như các quy định quản lý chúng ở Việt Nam còn rất thiếu và yếu.

“Có bất cập là hiện nay Việt Nam chưa có và chưa thể thực hiện mô hình quản lý cảng thống nhất theo kiểu chính quyền cảng. Bộ GTVT và Cục Hàng hải chỉ quản lý về mặt tổng thể, chuyên ngành và chức năng các cảng trong quy hoạch. Việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển, cấp phép đầu tư, quản lý đất đai và cấp đất cho các nhà đầu tư lại thuộc thẩm quyền của các địa phương”, TS Nguyễn Huy Hoàng nhận định.

Theo TS Nguyễn Huy Hoàng, giải pháp để thu hút đầu tư tư nhân vào dự án cảng biển là cần tạo ra được cơ quan nhà nước có thẩm quyền với đủ năng lực thực hiện các cam kết trong hợp đồng đầu tư cảng biển. Trước hết, thành lập cơ quan quản lý cảng biển theo mô hình Chính quyền cảng phù hợp với đặc thù phát triển thực tế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý và chính sách kêu gọi đầu tư rõ ràng hơn đối với đầu tư tư nhân vào cảng biển.

Theo Duy Quang
Hải Quan

duchai

Từ khóa:  cảng biển
Cùng chuyên mục
XEM