Các doanh nghiệp nước ngoài vỡ mộng khi vào Triều Tiên

11/10/2013 15:27 PM |

Lệnh cấm vận của quốc tế, nạn quan liêu và cơ sở hạ tầng yếu kém khiến nhiều công ty nước ngoài tại Triều Tiên “vỡ mộng” kiếm tiền.

Nội dung nổi bật:

Nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn ở Triều Tiên: lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.Chính quyền chưa có đủ các quy định pháp lý, độ tin cậy của các cam kết chưa cao và cơ sở hạ tầng hạn chế.

Các công ty Trung Quốc và Mông Cổ thuận lợi hơn các nhà đầu tư nước ngoài khác.


Trong hơn một thập kỷ qua, chính quyền Triều Tiên đã bắt đầu tập trung phát triển kinh tế, cấp phép hoạt động cho một số hình thức buôn bán nhỏ, theo một bài nhận định của trang tổng hợp tin tức Global Post (Mỹ).

Những thay đổi này đã thu hút được một nhóm nhỏ các doanh nghiệp nước ngoài, kỳ vọng sẽ trở thành những nhà tiên phong thu về được nhiều lợi nhuận từ thị trường mới mẻ này.

Tuy nhiên, họ đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Triều Tiên chính là lệnh cấm vận của Liên Hiệp QuốcGlobal Post dẫn lời ông Felix Abt, cựu giám đốc một hãng dược tại Bình Nhưỡng.

Felix Abt, vốn là một nhà đầu tư Thụy Sĩ hiện sống tại Việt Nam, đã mở công ty dược có tên gọi là PyongSu vào cuối năm 2000.

PyongSu chuyên cung cấp thuốc cho một số lượng nhỏ nhưng đang gia tăng những người Triều Tiên có đủ khả năng chi trả, theo Abt.

Trong giai đoạn giữa năm 2006 và 2009, Liên Hiệp Quốc đã hai lần thông qua các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên do nước này thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc khiến công ty của Abt phải đối mặt với nguy cơ không thể mang vào Triều Tiên các loại hóa chất cần thiết cho việc sản xuất thuốc.

Những hóa chất này trên lý thuyết có thể được dùng để tạo vũ khí hóa học, bị liệt vào dạng “sản phẩm có hai công dụng”, cả quân sự và dân sự. Lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc có quy định cấm các nước bán “sản phẩm có hai công dụng” cho Triều Tiên.

Được biết, Triều Tiên là một trong bốn quốc gia trên thế giới được cho là có tàng trữ vũ khí hóa học, theo Global Post.

Tuy nhiên, Abt cho rằng lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đã gây hại cho người dân Triều Tiên.

“Không có những loại hóa chất nói trên, chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm tiêu dùng tại Triều Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Abt cho biết.


Một cửa hàng điện tử tại thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: Reuters

Lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc chưa phải là khó khăn duy nhất cản trở các nhà đầu tư nước ngoài.

Các hãng nước ngoài hoạt động tại Triều Tiên còn than phiền rằng các quy định pháp lý, độ tin cậy của các cam kết của chính phủ và cơ sở hạ tầng là ba điều mà chính quyền Bình Nhưỡng chưa có được.

Điều này lý giải vì sao cam kết cải cách kinh tế của chính phủ Triều Tiên đã không thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, theo Global Post.

Tuy nhiên, trong khi nhiều công ty nước ngoài chật vật hoạt động, thì các doanh nghiệp Trung Quốc và Mông Cổ lại làm ăn có phần dễ dàng hơn.

Một công ty dầu mỏ Mông Cổ đã mua được 20% cổ phần của một nhà máy lọc dầu ở Triều Tiên, Global Post cho hay.

Tại Triều Tiên, một số khu công nghiệp dành cho các công ty Trung Quốc đã được thiết lập từ thập niên 1990.

Theo Hoàng Uy

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM