Bộ Tài chính: Viettel không được ưu đãi thuế như Samsung Electronics Việt Nam

07/10/2013 09:48 AM |

SEV được hưởng mức ưu đãi thuế vì đây là doanh nghiệp chế xuất, công nghệ cao.

Nội dung nổi bật:

Viettel đề nghị Bộ Tài chính:

- Miễn thuế nhập khẩu đối với toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ.
- Lấy dẫn chứng về lợi thế của Samsung Electronics Việt Nam.
- Áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi 10% cho thu nhập từ bán sản phẩm điện thoại di động do Viettel sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bộ Tài chính hồi đáp:

- Lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện thoại di động không có tên trong Danh mục được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu.
- SEV được hưởng mức ưu đãi thuế vì đây là doanh nghiệp chế xuất, công nghệ cao.
- Viettel căn cứ vào các quy định hiện hành của luật để áp dụng mức ưu đãi thuế TNDN.



Đó là quan điểm của Bộ Tài chính đối với việc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho hưởng các mức ưu đãi thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp như Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV).

Cụ thể, tại công văn số 2458/VTQĐ –VNC, Viettel đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa sản xuất được cho công ty mẹ và các công ty con do Viettel sở hữu 100% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện miễn thuế  là 5 năm, kể từ năm 2013 đến 2017.

Trong công văn, Viettel trình bày Tập đoàn này đang chịu mức thuế suất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất điện thoại ở mức cao. Trong đó, nhiều linh kiện quan trọng mà trong nước chưa tự sản xuất được, đang có mức thuế nhập khẩu cao như: mô tơ rung cho điện thoại (25%), pin điện thoại (20%), các đầu nối (15%), khối micro cho điện thoại  (15%)…

Đồng thời, Viettel cũng đề cập đến lợi thế của Công ty Samsung Electronics Việt Nam khi đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Công ty Samsung Electronics Việt Nam được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trong vòng 5 năm cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa sản xuất được những nguyên liệu, vật tư, linh kiện đó.

Bên cạnh đó, Viettel cũng đề nghị áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi 10% cho thu nhập từ bán sản phẩm điện thoại di động do Viettel sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trước kiến nghị  của Viettel, căn cứ vào các quy định của pháp luật thuế nhập khẩu hiện hành (khoản 14, Điều 12 nghị định 87/NĐ-CP), Bộ Tài chính cho biết, lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện thoại di động không có tên trong Danh mục được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu.

Trường hợp dự án sản xuất, lắp ráp điện thoại di động của Viettel đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế trong vòng 5 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được.

Giải thích về trường hợp của Công ty Samsung Electronics Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, SEV được hưởng mức ưu đãi thuế là do công ty này là doanh nghiệp chế xuất, đồng thời cũng là doanh nghiệp công nghệ cao nên được áp dụng cơ chế ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với loại hình doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp công nghệ cao.

Với kiến nghị về thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính trả lời, “Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 (điều 13, điều 14) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 (khoản 7, khoản 8, Điều 1) đã quy định về đối tượng được áp dụng mức thuế TNDN ở mức 10%”

Qua đó, Bộ Tài chính đề nghị Tập đoàn viễn thông Quân đội căn cứ vào các quy định hiện hành của luật để áp dụng mức ưu đãi thuế nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Theo Đức Minh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM