Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam

24/07/2014 16:23 PM |

Sau khi trang web Làm cha mẹ và một vài quán cà phê ở Hà Nội chấp nhận thanh toán bằng tiền Bitcoin, các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo sự rủi ro và không chấp nhận loại hình thanh toán này.

Mới đây, ngày 9/7/2014, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đã hợp tác với Công ty TNHH Bit2C (Israel) ra mắt Sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam. Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ và Đầu tư (A84), Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH về tiền ảo Bitcoin.

Phải chăng hành lang pháp lý đối với giao dịch tiền ảo này hiện chưa có nên không có chế tài để xử lý?

Đồng Bitcoin đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2010 và rộ lên vào khoảng giữa năm 2013 khi các phương tiện truyền thông đưa tin về những dấu hiệu lừa đảo hay những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn khi thanh toán, đầu tư, kinh doanh tiền điện tử.

NHNN và các cơ quan quản lý đã có cảnh báo về loại hình giao dịch này, khẳng định không chấp nhận đồng Bitcoin trong mọi giao dịch thanh toán; cũng như không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin tại Việt Nam.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay như Luật NHNN, Pháp lệnh Ngoại hối, NĐ-CP101/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt không có quy định cho phép phát hành, lưu thông, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán, do Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp được công nhận tại Việt Nam; NĐ-CP 52/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử cũng không coi tiền ảo Bitcoin là hàng hóa hay dịch vụ trong giao dịch điện tử.

Trước hiện tượng mới, cần có thời gian “quá độ” nghiên cứu để có giải pháp, ứng xử thích hợp và việc cảnh báo của các cơ quan chức năng được đưa ra kịp thời là cách làm phù hợp và có trách nhiệm.

Có ý kiến cho rằng, Bitcoin có thể sẽ là một phương thức thanh toán trong tương lai nên có thể chúng ta vẫn chấp thuận cho giao dịch, nhưng người giao dịch phải chịu hoàn toàn trách nhiệm lẫn rủi ro? Hay chúng ta sẽ có văn bản pháp lý để hạn chế việc này?

Các giao dịch mua bán, thanh toán bằng các loại tiền điện tử được thực hiện qua Internet nhanh chóng, thuận tiện, không kèm theo yêu cầu giấy tờ, chứng từ, đã tạo thuận lợi rất lớn cho khách hàng, nên được nhiều người lựa chọn.

Tuy nhiên, các hoạt động giao dịch mang tính “ẩn danh” cao, thanh toán không qua hệ thống NH, không được kiểm soát nên tội phạm dễ lợi dụng và xuất hiện nhiều rủi ro cho người giao dịch, sử dụng phương tiện thanh toán này, như: giao dịch xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ; nếu xảy ra sự cố hacker tấn công mạng hoặc bị đóng cửa... thì các nhà đầu tư sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại.

Vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các cơ quan chức năng có liên quan về thực trạng và giải pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền điện tử tại Việt Nam.

Qua đó, kiến nghị với Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ hoặc trực tiếp ban hành các quy định quản lý hoạt động giao dịch, mua bán, thanh toán tiền điện tử trên mạng Internet và chế tài xử lý vi phạm đối với các hoạt động này.

Nếu những giao dịch tiền ảo vẫn lan rộng sẽ có tác động thế nào đến hệ thống thanh toán của Việt Nam và an ninh tiền tệ nói chung?

Các hoạt động giao dịch, thanh toán tiền ảo trên mạng Internet, không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, không được kiểm soát sẽ làm mất dần vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường tiền tệ và hoạt động thanh toán của NHNN, ảnh hưởng đến việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và NHNN.

Bên cạnh đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với công tác đảm bảo an ninh tiền tệ như: Giao dịch bằng tiền điện tử có tính “ẩn danh” cao có thể trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng che giấu hành vi phạm tội hoặc rửa tiền; đối tượng khủng bố và các loại tội phạm có thể lợi dụng để chuyển tiền tài trợ cho các hoạt động chống đối ở trong nước và nước ngoài; người tham gia hoạt động giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không những không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách nhiệm về pháp lý khi giao dịch với tội phạm mà chính họ không biết.

Theo ông, cần sự phối hợp nào giữa các bộ, ngành đối với “hiện tượng” Bitcoin hiện nay?

Đây là vấn đề mới. Để đảm bảo an ninh, an toàn và phòng ngừa rủi ro đối với hoạt động thanh toán điện tử nói chung và giao dịch, thanh toán Bitcoin nói riêng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để đánh giá đúng thực trạng hoạt động hiện nay và đưa ra các giải pháp trong công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát hoạt động và phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh, xử lý sai phạm đối với các hoạt động này.

Trong đó, NHNN rà soát, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh, thanh toán tiền điện tử trên mạng Internet, bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ đối với các hoạt động vi phạm.

Bộ Công Thương quy định về hoạt động thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử và chế tài xử lý vi phạm; Bộ Tài chính quy định về chính sách thuế, phí liên quan đến giao dịch, thanh toán điện tử… Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành điều tra, xác minh, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Một vấn đề khác cũng đang được quan tâm là thay vì trộm cướp tài sản, hiện nay tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực NH có xu hướng gia tăng. Vậy cần cảnh báo gì về loại tội phạm này, thưa ông?

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm công nghệ cao trên lĩnh vực NH ngày càng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, phức tạp và phạm vi hoạt động xuyên quốc gia.

Tội phạm công nghệ cao nổi lên trong thời gian vừa qua là hoạt động lừa đảo, bắt cóc tống tiền, giả danh công an yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản tại NH do đối tượng chỉ định thường là thuê người mở tài khoản, ngay sau đó rút tiền tại các cây ATM ở nước ngoài; tội phạm đánh cắp thông tin tài khoản của khách hàng không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các NH trên thế giới để rút trộm tiền hoặc làm thẻ thanh toán giả để rút tiền qua hệ thống máy ATM, máy POS của các NH.

Vừa qua, Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt được nhóm đối tượng người Trung Quốc đánh cắp thông tin tài khoản của khách hàng tại các NH ở nước ngoài, sau đó sang Việt Nam và các nước khác để rút tiền với số lượng lớn thông qua hệ thống thẻ thanh toán POS của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Để góp phần phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tội phạm công nghệ cao, trước hết mọi tổ chức và công dân phải chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan, những thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng; các NH phải tăng cường hệ thống bảo mật thông tin, bịt kín những lỗ hổng bảo mật để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng hacker có thể xâm nhập lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng.

Đối với khách hàng phải nâng cao khả năng tự bảo vệ mình, thường xuyên kiểm tra diễn biến tài khoản, không tiết lộ thông tin tài khoản cho bên thứ ba để tránh bị đánh cắp thông tin, khi phát hiện dấu hiệu tài khoản bị xâm nhập hoặc thông tin bị tiết lộ thì phải liên hệ ngay với NH để có biện pháp phong tỏa tài khoản, ngăn chặn việc bị rút trộm tiền.

Khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn tội phạm thì NH và các tổ chức, cá nhân cần liên hệ ngay với cơ quan công an để phối họp xác minh, xử lý.

Xin cảm ơn ông!

>> 'Cuộc chiến' Bitcoin tại Việt Nam: Quả bóng lăn đi lăn lại?

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM