Bên trong "đế chế dầu mỏ" IS
ISIS đang cố gắng điều hành ngành công nghiệp dầu mỏ của chúng bằng cách bắt chước cách hoạt động của những tập đoàn dầu mỏ quốc gia. Theo những người Syria mà ISIS cố gắng tuyển dụng, chúng săn lùng những kỹ sư giỏi và đưa ra mức lương rất hấp dẫn.
Trên thực tế, dầu diesel và xăng mà ISIS sản xuất ra không chỉ được tiêu thụ ở những vùng đất mà chúng kiểm soát. Cả những vùng có chiến tranh với chính ISIS (điển hình là khu vực ở miền Bắc Syria đang được kiểm soát bởi lực lượng nổi dậy) cũng phải phụ thuộc vào dầu của ISIS. Các bệnh viện, cửa hàng, những chiếc máy bay cánh quạt cùng các máy móc thiết bị khác đều sử dụng dầu mỏ của ISIS.
Những người từng làm việc tại các tập đoàn dầu mỏ ở Saudi Arabia hoặc các nước Trung Đông khác được bổ nhiệm làm “hoàng tử”, điều hành những cơ sở quan trọng nhất.
Rami – người từng làm việc trong ngành dầu mỏ ở Syria trước khi trở thành thủ lĩnh nổi dậy – cho biết đã từng nhận được lời mời của ISIS qua tin nhắn trên WhatsApp. “Tôi có thể chọn bất kỳ vị trí nào mà tôi muốn và chọn mức lương tùy thích”. Không tin vào điều này, Rami đã từ chối và sau đó bay tới Thổ Nhĩ Kỳ.
ISIS cũng chiêu mộ kỹ sư từ những người ủng hộ ở nước ngoài. Trong một bài phát triển, thủ lĩnh ISIS Abu Bakr al-Baghdadi kêu gọi không chỉ binh sĩ mà cả kỹ sư, bác sĩ.
Theo các cán bộ tình báo Mỹ và châu Âu, cấu trúc lãnh đạo của ISIS cũng được xây dựng theo cách tiếp cận với dầu mỏ.
Các giếng dầu được kiểm soát chặt chẽ bởi Amniyat, lực lượng cảnh sát bí mật của ISIS. Lính canh tuần tra trên các trạm bơm dầu, đồng thời ở mỗi giếng đều có bờ cát bảo vệ. Mỗi xe tải đến đây đều được kiểm tra kỹ càng.
Tại mỏ al-Jibssa ở tỉnh Hassakeh (miền Đông Bắc Syria), ISIS khai thác được 2.500 đến 3.000 thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, nơi có sản lượng cao nhất là al-Omar. Theo một lái buôn thường xuyên mua dầu mỏ ở đây, hệ thống bán dầu ở đây tuy hoạt động chậm chạp nhưng rất có hiệu quả.
Lái xe sẽ trình tài liệu gồm số giấy phép và dung tích thùng chứa lên các sĩ quan ISIS. Số liệu được nhập vào hệ thống và sau đó họ được cấp một mã số. Các lái buôn trở về làng của họ, quay trở lại mỏ khoảng 3 ngày sau đó để kiểm tra xe của mình và chờ đến lượt được bơm dầu.
Sau khi có được dầu, lái buôn có thể mang bán cho các nhà máy lọc dầu ở địa phương hoặc bán cho bộ phận trung gian – những người có xe nhỏ hơn chuyển dầu đến thành phố hoặc những vùng xa hơn.
Vận may của ISIS có thể không kéo dài quá lâu. Những đợt đánh bom liên tiếp, sự can thiệp của Nga và giá dầu xuống thấp có thể gây áp lực lên ngân sách của tổ chức này. Tuy nhiên, cho đến nay mối đe dọa lớn nhất đối với hoạt động khai thác dầu của ISIS chính là các giếng dầu đang “già hóa” và cạn kiệt. Nhóm này không có công nghệ của những tập đoàn dầu mỏ lớn để cải thiện tình hình.
Dẫu vậy, chí ít thì ở thời điểm hiện tại, trong những vùng mà ISIS kiểm soát, các phần tử thánh chiến đang kiểm soát nguồn cung và không hề thiếu lực cầu. Ai cũng cần đến dầu. Dầu mỏ chính là lá bài chiến lược.