Áo 'Made in Vietnam' = Bông Mỹ + sợi Đài Loan + vải Trung Quốc
Trừ bông, được nhập khẩu từ Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, hầu hết các nguyên phụ liệu ngành dệt may được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tính đến 2014, quy mô ngành dệt may Việt Nam đã có sự góp mặt của 6.000 công ty, là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Năm 2013 được đánh giá là một năm thành công của ngành với tổng giá trị xuất khẩu 20,096 tỷ USD, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy dệt may là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam nhưng có một thực tế đáng buồn là, phần lớn nguyên vật liệu lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2013, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu may mặc với tổng giá trị có tăng trưởng kép tương đương 21% và 62% tổng giá trị nhập khẩu.
Tính riêng năm 2013, ngành dệt may Việt Nam đã nhập khẩu 13,6 tỷ USD nguyên liệu sản xuất, tăng 19% so với năm trước, trong đó 10,9 tỷ đô giá trị nhập khẩu được dùng để sản xuất sản phẩm dệt may xuất khẩu. Nguyên liệu phần lớn được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Số liệu Hải Quan
Theo số liệu năm 2013 của của hiệp hội dệt may Việt Nam, cơ cấu thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu cho ngành dệt may như sau:
Nhập khẩu bông: Nguồn cung bông trong nước rất nhỏ so với nhu cầu trong nước cho sản xuất, đáp ứng chỉ 2%.
Việt Nam nhập khẩu bông chính từ Mỹ, Ấn Độ, và Úc. Lý do chính là vì Việt Nam chưa tập trung vào phát triển trồng cây bông và vì Việt Nam không có ưu thế tự nhiên về việc trồng loại cây công nghiệp này.
Nhập khẩu sợi và xơ: Nguyên liệu được nhập khẩu chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc. Sợi tổng hợp phải nhập khẩu hoàn toàn và sợi bông cho sản xuất hàng dệt kim cũng phải nhập khẩu với số lượng lớn hàng năm.
Nhập khẩu vải: Trong cơ cấu nhập khẩu, vải chiếm tỷ lệ chủ đạo với 62% tổng giá trị các sản phẩm dệt may và quần áo nhập khẩu. Vải chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Lý giải cho việc Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu bông từ nước ngoài, đó là cây bông là một cây công nghiệp cần diện tích đất lớn và chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Hơn nữa, việc trồng cây bông thường tự phát và không có quy hoạch cụ thể.
Kết hợp với kỹ thuật trồng bông thấp, chất lượng cây bông Việt Nam kém và không đủ tiêu chuẩn để sản xuất, dẫn đến tăng trưởng không ổn định trong việc trồng bông. Do diện tích trồng khiêm tốn, bông Việt Nam chỉ chiếm 2% lượng tiêu dùng trong nước.
Còn về nguyên liệu vải sợi, với lợi thế giá rẻ, riêng Trung Quốc hiện cung cấp khoảng 50% tất cả các nguyên liệu vải sợi cho Việt Nam.
Do đó, một chiếc áo dù có dán mác Made in Vietnam "xịn" chưa chắc đã là 100% của Việt Nam.
>> Trung Quốc giữ 50% nguồn cung nguyên liệu dệt may thế giới
Vương Nguyên