Ai đang nắm nhiều quỹ đất?
Nhiều doanh nghiệp (DN) tự tin về lượng quỹ đất đang nắm giữ và xem đây là lợi thế cạnh tranh.
Trước năm 2008, nhắc đến các nhà phát triển có thế mạnh về quỹ đất, những cái tên như Nam Long, Him Lam, Thái Thịnh Capital, VinaCapital, Hoàng Anh Gia Lai thường được "chỉ mặt đặt tên". Tuy nhiên, đến thời điểm này, Thái Thịnh Capital đã gần như đánh mất tiếng thơm vì một trong số hai dự án căn hộ cao cấp mà nhà đầu tư này triển khai tại TP.HCM đã ngừng thi công vì thiếu vốn.
Trong khi đó, Hoàng Anh Gia Lai từng sở hữu 2,5 triệu m2 đất sạch (xây căn hộ và văn phòng) nay đã không xem bất động sản (BĐS) là mảng kinh doanh chủ lực và dần thoái vốn khỏi các dự án.
Đối với VinaCapital, trong lần chia sẻ trước đây, ông Don Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, lợi thế của VinaCapital là tiếp cận được nhiều dự án trước khi thị trường BĐS bùng nổ năm 2006 - 2007 với chi phí vốn hợp lý.
Tính đến ngày 31/6/2013, thông qua hai quỹ Vinaland (VNL, chuyên đầu tư vào BĐS) và VOF (đầu tư cổ phần tư nhân, BĐS), VinaCapital đã có hơn 800ha đất (sở hữu toàn bộ hoặc nắm cổ phần chi phối), trong đó, có hai dự án lớn đang triển khai là Danang Beach Resort (VNL và VOF nắm 100%) và Đại Phước Lotus (VNL và VOF nắm 72%). Song, vòng đời của một quỹ đầu tư là đầu tư - thoái vốn - lợi nhuận nên trong kế hoạch, VNL sẽ không đầu tư thêm dự án mới mà đây là giai đoạn tập trung vào việc thu hồi vốn đầu tư.
Nhìn vào thị trường BĐS hai năm trở lại đây có thể thấy, sau năm 2008, nhiều tên tuổi khác đã bắt đầu chứng tỏ vị thế. Chẳng hạn như trường hợp của Vingroup (MCK: VIC), tính đến cuối năm 2013, 38 dự án đã hình thành trên hai thương hiệu Vinpearl và Vincom với 70,78 triệu m2 sàn xây dựng trải khắp 3 miền mà tập đoàn này quản lý.
Đồng thời, quỹ đất nhiều cũng đã tạo ra nguồn doanh thu hơn 14.600 tỷ đồng từ chuyển nhượng BĐS trong năm 2013 cho VIC.
Gần đây, một tập đoàn đa ngành khác là FLC Group cũng thể hiện tham vọng trở thành nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam, thông qua các hình thức hợp tác, mua bán dự án, đến nay, FLC đã nắm giữ quỹ đất gần 1.000ha ở Hà Nội và các khu vực lân cận.
Tuy không rầm rộ với các thương vụ mua bán nhưng một tên tuổi đáng kể, có thâm niên đầu tư BĐS thị trường Việt Nam là Keppel Land. Sau 20 năm đặt nền móng, nhà đầu tư Singapore này tạm "yên tâm" và chờ thời cơ để triển khai hơn 20 dự án về nhà ở, thương mại, văn phòng (đặt mục tiêu phát triển quỹ nhà ở 22.000 căn tại Việt Nam) tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Có phải là lợi thế?
Việc DN nắm giữ quỹ đất lớn ở thời điểm này được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, đây là tài sản thể hiện tiềm lực của DN. Chia sẻ của ông Tony Ngo, Giám đốc Quỹ Bridger Capital Việt Nam, cho thấy, khi đầu tư vào cổ phiếu công ty BĐS, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào doanh thu, lợi nhuận hằng năm mà nhìn vào tính hiệu quả của từng dự án và giá trị quỹ đất đang sở hữu.
Còn quỹ đất có mang đến lợi thế cạnh tranh hoặc khiến DN "chôn vốn" hay không, tại ĐHCĐ Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG), một cổ đông của công ty đã đặt ra bài toán, NLG nên xem xét về tính hiệu quả của dự án khu đô thị Water Point (Long An) vì hiện, doanh thu từ dự án chưa được như kỳ vọng, trong khi đó, việc đường vành đai 3 khởi động sẽ cung cấp quỹ đất khá lớn cho DN, điều này sẽ tạo thế cạnh tranh với dự án Water Point.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng giám đốc NLG cho rằng, nếu nhìn theo hướng tích cực thì chuyện sở hữu 567 ha đất (hơn 90% trong số này là đất sạch) là lợi thế vì mỗi DN đều có chiến lược ngắn - dài hạn, những dự án mang tính dài hạn thì khó có thể thấy được lợi nhuận trước mắt.
Hơn nữa, một vấn đề khiến nhiều DN quan tâm nhiều đến quỹ đất là hồi tháng 4/2014, Bộ Xây dựng kiến nghị ngưng cấp phép dự án về nhà ở nên đây là cơ hội cho những ai có quỹ đất sạch lớn.
Ngay như Công ty CP BĐS Phát Đạt, đại diện Công ty cho hay, dù hiện tại, Phát Đạt đối diện với nhiều thử thách về đầu ra, tài chính nhưng trong thời gian qua đã có không ít đối tác đến trao đổi hợp tác vì Công ty đang có quỹ đất sạch hơn 210 ha/247,8ha (tại TP.HCM, Quãng Ngãi, Cam Ranh).
Nói về lợi thế này của các công ty trong nước, một nhà đầu tư Hàn Quốc nhìn nhận, tâm lý của các nhà đầu tư ngoại là vẫn muốn tìm kiếm đối tác địa phương để cùng phát triển dự án hơn là "đi một mình", bởi không chỉ hạn chế được khâu thủ tục đầu tư, mà liên quan đến quản lý sau bán hàng.
Theo đó, ở Hàn Quốc, khi phát triển một dự án nhà ở để bán, chủ đầu tư sẽ chia đều quyền sở hữu những tiện ích chung cho cư dân nên người quản lý cuối cùng của khu nhà là cư dân, nhà đầu tư có thể rút lui; trong khi đó, ở Việt Nam thì DN phát triển dự án sẽ vẫn tham gia quản lý. Điều này khiến nhà đầu tư ngoại dè dặt do bị ràng buộc về trách nhiệm khi một mình phát triển dự án.