92 máy bay ảnh hưởng bởi sự cố ở Tân Sơn Nhất: Cục Hàng không lập đoàn điều tra
“Trước mắt, chúng tôi đã yêu cầu đình chỉ nhân viên trực tiếp vận hành hệ thống cấp điện và kíp trưởng của kíp trực về cấp điện”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết.
Chiều 21/11, Cục Hàng không Việt Nam họp báo về sự cố kỹ thuật tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh).
92 máy bay bị ảnh hưởng do hỏng bộ lưu điện
Trước đó, lúc 11h05 ngày 20/11, xảy ra sự cố mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay tại AACC Hồ Chí Minh. Sự cố này khiến AACC Hồ Chí Minh mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay trong vòng 35 phút.
Kết quả: 54 tàu bay trong khu vực trách nhiệm của AACC Hồ Chí Minh trên tổng số 92 tàu bay bị ảnh hưởng trong thời gian sự cố. Nhiều tàu bay trong Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thông báo bay Hà Nội, Sanya, Phnompenh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hạ cánh sân bay dự bị.
“Đây là sự cố nghiêm trọng và lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam... Trong vòng 35 phút đó, sân bay Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp cận bay, ảnh hưởng đến tất cả các chuyến bay hoạt động trong Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thoogn báo bay lân cận, cần phải tiến hành điều tra”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh tuyên bố.
Nguyên nhân trực tiếp xảy ra sự cố trên, ông Thanh cho biết là hỏng bộ lưu điện (UPS).
“Mọi nguồn điện cấp cho hệ thống điều hành bay đều thông qua UPS. Mặc dù đã có dự phòng 3 cấp - bộ lưu điện gồm có 3 hệ thống UPS theo thiết kế và 1 bộ UPS có thể đảm bảo cấp điện cho toàn hệ thống, nhưng ngày hôm qua đã sập cả 3 hệ thống UPS. Ban đầu là do hỏng 1 UPS, sau khi khởi động lại UPS đó đã khiến cả 2 UPS sau bị ngắt điện”, ông Thanh giải thích.
Đã lập đoàn điều tra
Về tổng số thiệt hại, ông Thanh cho biết chưa có đủ thời gian để tính, vì cả ngày 20/11 và trưa ngày 21/11 toàn bộ tập trung vào xử lý kỹ thuật.
Nhận định đây là sự cố nghiêm trọng, ông Thanh cho biết Cục Hàng không Việt Nam đã lập đoàn điều tra để tiến hành điều tra sự cố.
Sự cố ngày 20/11, theo Cục Hàng không, đặt ra cả vấn đề thiết kế hệ thống cấp điện, dự phòng cấp điện cho đến công tác bảo dưỡng, bảo hành, quy trình vận hành, hoạt động của hệ thống cấp điện, công tác đào tạo, huấn luyện với nhân viên vận hành... Tất cả những việc này Cục sẽ tiếp tục điều tra.
“Nguyên nhân trực tiếp rồi nguyên nhân xuất phát từ nhân viên, hệ thống như thế nào sẽ phải kiểm tra rõ. Còn trước mắt, chúng tôi đã yêu cầu đình chỉ nhân viên trực tiếp vận hành hệ thống cấp điện và kíp trưởng của kíp trực về cấp điện ngày hôm qua (20/11)”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết.
Sau sự cố mất kiểm soát điều hành của AACC Hồ Chí Minh, vấn đề kiểm soát điều hành của AACC Hà Nội cũng được đặt ra. Ông Thanh cho rằng, nếu sập cả 2 AACC chủ chốt là Hồ Chí Minh và Hà Nội thì sẽ xảy ra hỗn loạn trên bầu trời và thiệt hại vô cùng lớn.
“Câu hỏi này đặt ra là để cảnh tỉnh, nhắc nhở là không được phép để xảy ra điều đó...Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là phải rà soát ngay khâu thiết kế, chức năng của hệ thống đó. Chúng ta có tới 3 cấp dự phòng UPS, 3 cấp dự phòng nguồn điện, 3 máy nổ nhưng cuối cùng vẫn bị mất kiểm soát điều hành bay 35 phút”, ông Thanh quan ngại.
Liên quan đến việc bồi thường hành khách và các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi sự cố trên, ông Thanh cho biết đây là sự cố bất khả kháng của các hãng hàng không, còn điều kiện bồi thường đã quy định rõ trong Luật Hàng không Việt Nam.
>> Nội Bài và Tân Sơn Nhất lọt top sân bay tệ nhất châu Á năm 2014
Thanh Thủy