8 kỳ vọng kinh tế vĩ mô của nhà đầu tư năm 2015

30/03/2015 19:00 PM |

GDP tăng trưởng cao không phải là điều duy nhất mà các nhà đầu tư mong đợi, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đang chú ý vào quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Việt Nam vừa báo cáo mức tăng trưởng GDP trong quý I/2015  đạt 6,03%, vượt xa nhiều dự báo được đưa ra trước đó. Đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất mà Việt Nam đạt được kể từ năm 2008 đến nay.

Với kết quả khả quan này, GDP cả năm 2015 của Việt Nam được mong đợi có thể đạt 6,4 – 6,5%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ là 6,2%. Tuy nhiên đây không phải là điều duy nhất mà các nhà đầu tư mong đợi, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đang chú ý vào quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Dưới đây là 8 kỳ vọng vào kinh tế Việt Nam trong năm 2015, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright , tại sự kiện “VIETNAM ACCESS DAY 2015” do Công ty chứng khoán Bản Việt tổ chức tuần qua tại TP.HCM.

1. Tăng trưởng GDP năm 2015 có thể đạt 6,4 – 6,5%.

Năm ngoái Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6%,  phục hồi đáng kể so với 2012 – 2013 (5,2 – 5,4%). Các động lực tăng trưởng của Việt Nam là sự phục hồi của hoạt động sản xuất; tăng khai thác dầu, dù giá giảm mạnh vào cuối năm (phía cung) và tăng trưởng mạnh xuất khẩu, đóng góp lớn từ khu vực FDI; đầu tư công (phía cầu).

2. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, trong điều kiện lạm phát thấp.

Quá trình giảm lãi suất của Việt Nam nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm thứ 4 liên tiếp, kể từ đỉnh cao năm 2011.

3. Tiếp tục có nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Các công ty lớn sắp IPO như Saigontourist, Vissan, Satra, Mobifone, ACV, Ben Thanh Group, PV Oil, PV Power…nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

4. Quá trình đàm phán các hiệp định thương mại (Việt Nam – EU, TPP) đạt được các bước tiến quan trọng dẫn đến ký kết.

TPP, hiệp định thương mại được kỳ vọng lớn nhất đã diễn ra 19 vòng đàm phán chính thức và được kỳ vọng sẽ kết thúc trong năm 2015.

5. Khu vực ngân hàng tiếp tục đối mặt với các vấn đề yếu kém, ngoại trừ thanh khoản.

Lãi suất liên ngân hàng cho vay qua đêm đã ổn định dưới 10% trong khoảng 3 năm qua, giúp ngành ngân hàng vượt qua rủi ro đổ vỡ.

Vấn đề được quan tâm nhất của hệ thống ngân hàng vẫn là xử lý nợ xấu, bao gồm cả việc xác định con số nợ xấu thật sự đang tồn tại trong từng ngân hàng. Một số ngân hàng có thể tiếp tục bị mua lại bởi Ngân hàng Nhà nước.

6. Nợ công tăng gây ra các lo ngại về bền vững tài chính

Mới đây ADB cảnh báo nợ công của Việt Nam có thể lên mức 60% GDP, nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch. Cuối năm ngoái, Bộ tài chính báo cáo tỷ lệ nợ công của Việt Nam gần đạt 60%, thấp hơn mức trần an toàn là 65%.

7. Trong trung hạn mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào vốn đầu tư, với đóng góp nhỏ từ năng suất.

8. Nền kinh tế tiếp tục “chống lại” các rủi ro từ bên ngoài như: Biến động phức tạp trong các hoạt động kinh tế toàn cầu, giá năng lượng và dịch chuyển dòng vốn.

“VIETNAM ACCESS DAY 2015” là sự kiện thường niên do Công ty chứng khoán Bản Việt tổ chức tại TP.HCM. Sự kiện quy tụ khoảng 300 khách mời là các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, phần lớn là nhà đầu tư nước ngoài. Gần 30 doanh nghiệp dẫn đầu, bao gồm cả niêm yết và công ty tư nhân đã tham dự sự kiện này để giới thiệu cơ hội đầu tư đến các nhà đầu tư tham gia.

>> Thủ tướng: 'Dân làm kinh tế hiệu quả hơn'

Anh Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM