5 năm tới, thuế TNDN tại VN sẽ giảm bằng mức trung bình trong khu vực

30/10/2014 10:08 AM |

Từ đầu năm nay, thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông được giảm từ 25% xuống còn 22%. Mức thuế suất này sẽ giảm tiếp còn 20% từ ngày 01/01/2016. Mặc dù liên tục có tín hiệu giảm, mức thuế đã giảm vào năm 2016 của Việt Nam vẫn còn cao hơn của mức thuế hiện tại của Hongkong với thuế suất chỉ 15%.

Với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng mức thuế của Việt Nam còn chưa công bằng và còn cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp FDI, minh bạch thuế và túi tiền quốc gia” diễn ra chiều qua, 29/10, Phó TGĐ Dịch vụ Tư vấn Thuế - Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn cho rằng, theo lộ trình giảm thuế, trong 5 năm tới, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ đạt được mức trung bình, sánh được với các nước trong khu vực, tạo điều kiện công bằng hơn cho các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh quốc tế.

Vấn đề thuế suất cao là một trong những nguyên nhân tạo ra kẽ hở để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lách thuế. Một trong những phương thức kiếm lời từ thuế của doanh nghiệp FDI, theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, là khi công ty mẹ có trụ sở ở một nền kinh tế có tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn hẳn, chẳng hạn ở Hồng Kông, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 15%, và công ty được lợi bằng cách chuyển toàn bộ lợi nhuận vào công ty mẹ và hưởng mức thuế thấp.

Nếu xét tỷ lệ của doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 19-20% GDP, đóng góp 68% vào tổng kim ngạch xuất khẩu, thì đóng góp của các doanh nghiệp này vào ngân sách còn rất khiêm tốn.

Như vậy, các doanh nghiệp FDI không những chỉ được ưu đãi rất cao về miễn giảm thuế thu nhập trong những năm đầu kinh doanh, miễn giảm thuế đất, mà thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không thu được đầy đủ”, ông Doanh nhận định.

Bên cạnh thiệt hại đối với ngân sách, tình trạng này cũng tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp trong nước, vì các doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ hơn, nguồn vốn ít hơn, nhưng lại không được ưu đãi như các doanh nghiệp FDI về mặt bằng, tiền thuê đất…

Nhằm đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, ưu đãi thuế không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng như giữa các thành phần kinh tế, mà việc ưu đãi thuế áp dụng theo địa bàn, lĩnh vực và quy mô doanh nghiệp.

Chính sách ưu đãi thuế thay đổi nhằm thu hút đầu tư vào các địa bàn, lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư để đảm bảo nền kinh tế phát triển đồng đều, bền vững. Hiện nay chính sách thuế đang hướng tới ưu đãi nhằm phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, biển đảo, xã hội hoá, ứng dụng công nghệ cao.

Quốc hội lần này bàn đến sửa đổi các luật thuế, trong đó có nội dung ưu đãi thuế nhưng không có quy định riêng cho doanh nghiệp FDI”, bà Cúc cho biết.

Các chuyên gia kinh tế thừa nhận cộng đồng doanh nghiệp FDI đã có đóng góp rất đáng trân trọng trong phát triển những ngành công nghiệp mới vận dụng công nghệ tiên tiến, quản lý sản xuất inh doanh, đóng góp quan trọng cho xuất khẩu, tuy vậy, đóng góp của các doanh nghiệp này vào thu ngân sách còn chưa tương xứng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế đầu năm 2014, trong 870 doanh nghiệp FDI bị thanh tra, phát hiện 720 doanh nghiệp có vi phạm, trong đó có các tỉnh như Quảng Ngãi có 27/27 doanh nghiệp đã có vi phạm, An Giang có 7/7 doanh nghiệp vi phạm, tức là tỷ lệ vi phạm 100%.

Tỷ lệ vi phạm ở TPHCM là 85%, ở Hà Nội là 90% với 326/332 doanh nghiệp vi phạm. Cơ quan chức năng đã truy thu được 1.500 tỷ đồng tiền thuế.

>> 20 doanh nghiệp FDI bị kết luận chuyển giá hàng nghìn tỷ đồng

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM