26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu biến mất không dấu vết khi vào Việt Nam

09/04/2015 17:54 PM |

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 26.000 tấn thịt trâu. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Cẩn, trên thị trường không ghi nhận cửa hàng nào bán thịt trâu nhập khẩu. Vậy số thịt trâu này đi đâu?

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành", vấn đề 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu biến mất khi vào Việt Nam đã khiến nhiều người bất ngờ.

26.000 tấn thịt trâu vào Việt Nam rồi biến mất không dấu vết

Tại tọa đàm, khi được hỏi về vấn đề nhập khẩu thịt trâu Ấn Độ, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng BCĐ 389/QG cho biết năm 2014, lượng thịt trâu Ấn Độ được nhập khẩu vào Việt Nam là trên 26.000 tấn. Nhưng trên thị trường, không thấy một cửa hàng, siêu thị nào công bố bán thịt trâu nhập khẩu.

Ông Cẩn đặt ra vấn đề vậy thịt trâu nhập khẩu vào Việt Nam đã đi đâu, về đâu. "Có hay không thịt trâu đã được làm giả thành thịt bò và cung cấp vào các bếp ăn tập thể?”, ông Cẩn nói.

Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, việc phân biệt thịt trâu hay thịt bò rất quan trọng, bởi khác nhau về giấy phép kinh doanh, thành phần chất lượng.

"Nếu so sánh giá cả, thịt trâu có mức giá khá “hấp dẫn”: nạc đùi 105.000đ/kg, nạm bụng 95.000-96.000đ/kg, cổ từ 95.000-99.000đ/kg, riêng thịt bắp cao hơn, giá từ 120.000-130.000đ/kg. Trong khi đó, thịt bò hiện có giá dao động tử 200.000 – 220.000/kg. Việc hô biến thịt trâu thành thịt bò không khó, chỉ cần một chút gia vị tẩm ướp cẩn thận, người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng mình đang được dùng thịt bò", ông Cẩn nói.

Theo đó, ông Cẩn khẳng định phương pháp đơn giản nhất để để nói về sự khác nhau của 2 loại thit này là “trâu tỏi, bò gừng” nên cần quyết liệt làm rõ 26.000 tấn thịt trâu này đi đâu về đâu?

Trả lời thắc mắc, ông Hoàng Đại Nghĩa- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho biết, vụ việc đã được điều tra theo chỉ đạo. Toàn bộ số thịt trâu trên được nhập khẩu hợp pháp, có giấy phép và được thông quan và việc kinh doanh công khai không có gì sai. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nằm ở khâu tiêu thụ bởi không nơi nào thừa nhận có bán thịt trâu Ấn Độ.

"Chúng tôi đã công khai việc nhập khẩu 26.000 tấn thịt trâu để người dân biết nhưng chưa nhận được phản hồi nào về việc đội lốt thịt trâu thành thịt bò", ông Nghĩa cho hay.

Hàng lậu ảnh hưởng đến hội nhập của DN Việt

Hiện nay có tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt đi nhập khẩu các phụ kiện, linh kiện về nước lắp ráp, xóa nhãn mác rồi dán nhãn và miễn nhiên thành hàng "Made in Việt Nam"

Cụ thể, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết ở Việt Nam việc buôn lậu diễn ra rất phức tạp qua các đường mòn, lối mở. Các đối tượng sau khi vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam cất giấu ở nhà dân và lắp ráp dán nhãn thành hàng Việt trà trộn vào các chuỗi hàng Việt Nam chất lượng cao, đánh lừa người tiêu dùng Việt.

"Việc này đem lại lợi nhuận rất cao nên các đối tượng bất chấp. Trên thực tế tại các siêu thị, cửa hàng có uy tín lợi dụng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao các đối tượng xấu này tìm mọi cách đưa các loại hàng lắp ráp giả nhãn hiệu này trà trộn vào", ông Tín nói.

Theo đó, việc quản lý các đối tượng này còn nhiều khó khăn do đối tượng làm giả rất tinh vi cùng với đó là sự lỏng lẻo của pháp luật, doanh nghiệp cũng chưa mặn mà với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hàng giả.

Tại tọa đàm, nói về việc hàng giả hàng nhái tràn lan Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết năm 2014 ngành Hải quan đã phát hiện và xử lý gần 230.000 vụ. Tính chất, quy mô khác hơn nhiều so với trước đấy với đủ các loại giả, nguyên liệu sản xuất, thực phẩm chức năng, thuốc, hàng hiệu, hàng tiêu dùng...

Ông Trần Trọng Tín thì cho biết, năm 2014 Quản lý thị trường đã bắt 21.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó có sự chiến đấu quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường. Lực lượng QLTT trực tiếp kiểm tra và xử lý trên 17.000 vụ/21.000 vụ, xử phạt trên 57.000 phạt, hàng hóa vi phạt rên 35 tỷ đồng.

Trong đó, số lượng bắt giữ các mặt hàng như sau: Rượu trên 3000 chai, nước giải khát là trên 37.000 chai; mỹ phẩm trên 39.000 sản phẩm; vải trên 70.000 sản phẩm; phân bón, vật tư nông nghiệp là 25.149kg; bột ngọt trên 30 tấn bị làm giả. Nhiều cái làm giả, như về sở hữu trí tuệ: tem, nhãn, mác, bao bì;...

Theo ông Tín, các nước phát triển trên thế giới cũng đang rất đau đầu về vấn nạn hàng giả, hàng nhái nhưng xét trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam khi đang hội nhập sâu vào thế giới thì rất có vấn đề, đe dọa đến cả nền kinh tế.

Ông Lê Thế Bảo- Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả Việt Nam nói đất nước Thụy Sĩ sản xuất 26 triệu đồng hồ, nhưng trên thế giới có khoảng 40 triệu đồng hồ mang danh Thụy Sĩ. Với Việt Nam, hiện nay có 30 ngành hàng bị làm giả trầm trọng: mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, điện tử, điện lạnh, trang trí nội thát, thuốc chữa bệnh, dệt may, quần áo, tôn sắt kẽm, dây cáp điện, sách giáo khoa, vật liệu xây dựng...

Ông Bảo khẳng định vấn nạn hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam là vấn nạn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều và cần sự vào cuộc của nhiều ngành.

>> Vụ thịt trâu hóa bò: DN nhập khẩu thừa nhận dán nhãn sai

Theo Bạch Dương

Cùng chuyên mục
XEM