Thị trường vốn cho startup trong năm 2021: Các Tập đoàn đầu ngành là đối chủ đáng gờm nhất của các quỹ

31/01/2022 15:40 PM | Kinh doanh

Trong năm 2021, đã có rất nhiều quỹ đầu tư mới ra mắt thị trường vốn cho startup tại Việt Nam như Beacon Fund, MeiVentures, Next100 Blockchain…và không ít trong đó chuyên đầu tư vào blockchain. Ngoài ra, việc các Tập đoàn đầu ngành như Novaland hay Thiên Long Group đột nhiên tham gia cuộc chơi cũng khiến thị trường vốn cho các startup trong năm 2021 hết sức sôi động.

Thị trường startup Việt Nam đang bắt đầu tốt dần lên và ngày càng thể hiện được tiềm năng to lớn của mình. Covid-19 chỉ khiến sự phát triển đó chậm lại chứ không làm nó xấu đi, vậy nên không khó hiểu khi chúng ta tiếp tục thu hút được rất nhiều vốn đầu tư từ các quỹ và công ty trong lẫn ngoài nước.

"Quả thật, thị trường Việt Nam chúng ta khá bị hạn chế về nguồn vốn. Khả năng thu hút nguồn vốn chúng ta không mạnh bằng nhiều nước láng giềng như Indonesia hay Singapore.

Hơn nữa, trước khi dịch bùng phát, tôi cảm nhận được rằng, có làn sóng nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Do các thị trường trong khu vực đang có giá khá cao, trong khi thị trường Việt Nam tiềm năng hơn. Đợt này, tôi thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm tuyển nhân sự tại Việt Nam rất nhiều. Trong thời gian tới, có thể có làn sóng đầu tư ồ ạt vào Việt Nam.

Cụ thể hơn, giá startup ở thị trường Indonesia hiện đang mắc hơn Việt Nam vì thị trường của họ rất to. Khi các quỹ khu vực và đa quốc gia muốn đầu tư vào Đông Nam Á, Indonesia chính là thị trường thu hút được nhiều vốn nhất, bởi họ có dân số từ 300 đến 400 triệu người, quy mô nền kinh tế gấp 3 đến 4 lần Việt Nam.

Với Singapore, chỉ mảng công nghệ là họ mạnh, còn các mảng khởi nghiệp khác liên quan đến tiêu dùng không tốt như nhiều nước trong khu vực. Việt Nam là thị trường lớn chỉ đứng thứ hai sau Indonesia. Thị trường Việt Nam được đánh giá là có nền kinh tế tăng trưởng tốt, dân số vàng, người trẻ nhiều; nên làn sóng đầu tư sắp tới nhiều khả năng sẽ đổ xô vào Việt Nam.

Theo tôi thì các tổ chức tài chính đã lên kế hoạch một thời gian rồi chứ không phải vì Covid-19 họ mới bắt đầu tìm người hoặc thành lập quỹ ở Việt Nam. Tôi cũng có gặp một vài bên và họ chia sẻ với tôi như thế.

Có nhiều quỹ lớn, họ thậm chí còn chia ra kinh phí – lập quỹ nhỏ chỉ chuyên đầu tư vào Việt Nam thôi. Ngoại trừ những quỹ trong nước như của anh Dzũng Nguyễn, còn những quỹ nước ngoài chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam", anh Cao Trọng Kim Trí - Phó Giám đốc Citigo – đơn vị sở hữu KiotViet, đã từng dự đoán như thế trong 1 buổi phỏng vấn với chúng tôi vào cuối 2020.

Thị trường vốn cho startup trong năm 2021: Các Tập đoàn đầu ngành là đối chủ đáng gờm nhất của các quỹ - Ảnh 1.

Anh Cao Trọng Kim Trí - Phó Giám đốc Citigo – đơn vị sở hữu KiotViet

Theo thống kê của Quỹ Đầu tư Nextrans Việt Nam, thì đã có 1,3 tỷ USD được rót vào các công ty khởi nghiệp trong năm 2021.

Hiện có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại thị trường vốn cho startup ở Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư trong nước. Các tên tuổi lớn và quỹ đang hoạt động trên thị trường bao gồm VSV Capital - Nextrans, Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Start-up Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Do Ventures và Genesia Ventures…

NHIỀU QUỸ MỚI RA ĐỜI CHUYÊN ĐẦU TƯ VÀO BLOCKCHAIN TRONG NĂM 2021

Dù mới thành lập trong năm 2020, song Quỹ Do Ventures Fund I với tổng nguồn vốn quản lý là 50 triệu USD của cặp bài trùng Dzung Nguyen – Lê Hoàng Uyên Vy đã kịp đầu tư vào 7 startup tại Việt Nam: Bizzi, Vui Học, Palexy, F99, Validus, Manabie, MFast.

Nối gót Do Ventures, trong năm 2021, đã có nhiều quỹ đầu tư ra mắt thị trường Việt Nam, chủ yếu đầu tư vào giai đoạn đầu của startup và không ít tập trung vào lĩnh vực blockchain – xu hướng hot nhất ở thời điểm hiện tại.

Vào tháng 10/2021, chị Mai Linh, từng đảm nhận vị trí Giám Đốc Thương Mại của Giao Hàng Nhanh đã ra mắt MeiVentures tại Dubai.

Với MeiVentures, chị Mai Linh đóng vai trò vừa là cố vấn, vừa là nhà đầu tư. Khi không trực tiếp đầu tư, thì sẽ không có sự ràng buộc cần thiết với các founder để hỗ trợ tư vấn. Khi đầu tư với vai trò quỹ, sự tác động tới startup chắc chắn là nhanh và hiệu quả hơn.

MeiVentures cũng sẽ ‘độc quyền’ gọi vốn cho startup trong giai đoạn đầu – điều ít quỹ có thể thực hiện. Tiếp theo, sẽ tùy vào tình hình và mong muốn của startup mà cân nhắc việc có tiếp tục đồng hành trong những giai đoạn gọi vốn sau.

Trong giai đoạn đầu, MeiVentures sẽ tập trung 80% nguồn lực vào mảng blockchain và 20% còn lại vào mảng chuyển đổi số. Vậy nên, những startup nào đang làm trong 2 mảng này, có core-team máu lửa – sống chết với dự án, có mô hình kinh doanh – sản phẩm có khả năng tăng trưởng trên toàn cầu; thì hãy gửi hồ sơ đến cho MeiVentures. MeiVentures sẽ hoạt động ở cả thị trường: Dubai, Mỹ và Việt Nam.

Thị trường vốn cho startup trong năm 2021: Các Tập đoàn đầu ngành là đối chủ đáng gờm nhất của các quỹ - Ảnh 2.

MeiVentures không đòi hỏi dự án phải ra mắt thị trường rồi hoặc đã có doanh thu, song không được chỉ là ý tưởng; mà ít nhất phải tạo ra được sản phẩm/dịch vụ đủ để mọi người có thể kiểm tra tính khả thi và tiềm năng thị trường.

"Đỉnh tỷ đô của MeiVentures sẽ đến từ ngày 7/10/2021 và sẽ công bố tới anh em peak này khi nó đến", chị Mai Linh bày tỏ về việc ra đời của MeiVentures – cuộc chơi lớn nhất trong sự nghiệp của chị.

Giữa tháng 1/2022, theo chia sẻ từ Founder Đặng Thị Trường An thì Hoa Nắng vừa nhận được một khoảng đầu tư từ quỹ Beacon Fund đến từ Singapore. Gạo hữu cơ Hoa Nắng từng tham gia Shark Tank năm 2018 và đã thành công thuyết phục Shark Louis xuống tiền cho mình.

Ngày 16/11/2021, MindX, một startup lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech), công bố vừa hoàn tất vòng gọi vốn Series A với khoản tiền đầu tư trị giá 3 triệu đô la Mỹ, được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners, cùng sự tham gia của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) và Beacon Fund.

Được ươm mầm bởi Patamar Capital, Beacon Fund đến từ Singapore là thành quả của nhiều năm gắn bó và đầu tư vào doanh nhân nữ tại khu vực Đông Nam Á. Họ chỉ vừa mới tìm đến với thị trường Việt Nam trong năm 2021.

Trọng tâm ban đầu của Quỹ Beacon sẽ là các sản phẩm cho vay, phù hợp với doanh nghiệp nữ làm chủ hoặc các doanh nghiệp tập trung phục vụ khách hàng nữ - sở hữu dòng tiền dương và ghi nhận tăng trưởng ổn định. Quy mô đầu tư của Beacon Fund thường dao động từ 500.000 USD đến 2.000.000 USD.

Ngoài ra, Beacon Fund cũng ưu tiên các danh mục đầu tư xoay quanh các ngành nghề chiếm phân bổ cao trong nền kinh tế như nông nghiệp, giáo dục, y tế và dịch vụ (marketing – nhân sự).

Thị trường vốn cho startup trong năm 2021: Các Tập đoàn đầu ngành là đối chủ đáng gờm nhất của các quỹ - Ảnh 3.

Beacon Fund đã có 2 startup tại Việt Nam trong danh mục đầu tư.

Vào giữa tháng 11/2021, Tập đoàn NextTech công bố quỹ Next100 Blockchain quy mô 50 triệu USD, chuyên đầu tư vốn cổ phần và tài sản số (Token) với mong muốn trở thành bệ đỡ uy tín cho các startup công nghệ blockchain hoạt động tử tế và thực chất.

Mới nhất, vào 31/1/2021, Funtap Corp vừa ra mắt Quỹ đầu tư Funverse Capital quy mô 10 triệu USD dành cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain.

Quỹ đầu tư Funverse Capital sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp làm việc trên các ứng dụng hỗ trợ blockchain trong GameFi, DeFi (tài chính phi tập trung) và các dự án tiềm năng khác. Quỹ Funverse Capital sẽ đầu tư số tiền lên tới 1 triệu USD đồng thời cung cấp các chương trình cố vấn và tăng tốc.

CÁC TẬP ĐOÀN ĐẦU NGÀNH CŨNG NHẢY VÀO ‘SÂN CHƠI’ ĐẦU TƯ CHO CÁC STARTUP

Trong tất cả cả, người tích cực nhất với mảng miếng mới này là NovaGroup - Novaland. Sau khi quyết định phát triển theo hướng đa ngành, họ đang đầu tư cấp tập vào rất nhiều startup ở rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, phương cách đầu tư của NovaGroup khá khác so với các quỹ, khi họ luôn muốn đầu tư chi phối để mình có tiếng nói trọng lượng nhất trong các quyết định cuối cùng, song sự vụ hằng ngày vẫn do các founder/CEO điều hành.

Theo ông Nguyễn Thái Phiên - Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Tài chính của NovaGroup, hành trình tìm kiếm đối tác phù hợp và thành công M&A giống như hành trình tìm kiếm chân ái của cuộc đời mình, rất dễ mắc sai lầm nên cực kỳ khó khăn. Trong thời gian qua, Ban lãnh đạo đã có rất nhiều quyết định đầu - có cái thành công có cái thất bại, kiểu như ‘gieo hạt nhưng không thể nảy mầm’; song mọi người vẫn không từ bỏ chiến lược này.

Một trong những thương vụ đầu tư mà ông Nguyễn Thái Phiên tâm đắc nhất chính là vào một công ty làm cây xanh – cảnh quan tên Đại Phú Mỹ. Trước đó, công ty này chuyên làm cảnh quan cho các dự án bất động sản của các doanh nghiệp đầu ngành tại TP.HCM, như Phú Mỹ Hưng, Hưng Thịnh, Đại Quang Minh… và tất nhiên có cả Novaland.

Thị trường vốn cho startup trong năm 2021: Các Tập đoàn đầu ngành là đối chủ đáng gờm nhất của các quỹ - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thái Phiên - Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Tài chính của NovaGroup

"Cách đây 3 năm, lúc họ mới gia nhập hệ sinh thái Novaland, lợi nhuận của họ vào khoảng 20 tỷ đồng/năm, bây giờ lợi nhuận của họ đã tăng vọt lên 250 tỷ đồng/năm.

Trước đó họ đơn thuần là công ty gia đình, sau khi Novaland mua 51% cổ phần và cùng nhau hợp tác phát triển, đã ra phép cộng nhiều lần cho giá trị doanh nghiệp, giúp họ lớn lên nhanh chóng.

Theo tôi, chính lợi thế được NovaGroup bao nhiêu sản phẩm, đã giúp chủ doanh nghiệp mạnh dạng đầu tư nhiều hơn cho công ty của mình, thành quả là họ đã tận dụng các cơ hội mà hệ sinh thái mang đến tốt hơn", ông Nguyễn Thái Phiên phân tích.

Ngoài ra, chúng ta có thể kể đến những cái tên startup đình đám khác – nhất là trong mảng F&B đã gia nhập Novaland F&B: Phin Deli, Yen Sushi Sake Pub, Cầu Đất Farm….

Vậy một SMEs như thế nào thì mới lọt vào mắt xanh của NovaGroup và Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Tài chính này?

Đầu tiên, các SMEs phải hoạt động trong các lĩnh vực xoay quanh chuỗi giá trị của NovaGroup. Hiện mảng thức ăn chăn nuôi – vaccine thú y của họ đã có sẵn, nên sẽ không cần thêm M&A; song mảng thương mại – dịch vụ và hàng tiêu dùng của họ vẫn còn thiếu nhiều mảnh ghép trong các ngành như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, F&B…

Ngoài ra, NovaGroup cũng đã xác định công nghệ là lĩnh vực mấu chốt cho sự phát triển của họ trong tương lai. Theo quan điểm của ông Phiên, thì doanh nghiệp càng lớn thì ‘cơ thể’ càng nặng nề và việc áp dụng công nghệ chính giúp ‘cơ thể’ nhẹ bớt đi, tăng tính linh hoạt và chuyển đổi nhanh. Hiện tại, NovaGroup vẫn đang tìm hiểu các công nghệ để học theo.

Thứ hai, các SMEs phải có cùng mục tiêu – tầm nhìn, văn hóa trong kinh doanh với NovaGroup.

Cuối cùng, các SMEs phải biết chia sẻ các giá trị để cùng khôn lớn. Thực tế, không ít đối tác tìm đến với họ để kêu gọi đầu tư, song vẫn muốn giữ 100% cổ phần – tức kiên quyết không chia sẻ cho ai cả, do muốn tự quyết định mọi thứ. Chỉ khi chúng ta hy sinh một chút - chia sẻ cổ phần với các cổ đông lớn, chúng ta có thể đi nhanh hơn. Và như mọi người nói, miếng bánh nhỏ trong 1 cái bánh to có khi còn nhiều hơn 1 cái bánh nhỏ.

Thị trường vốn cho startup trong năm 2021: Các Tập đoàn đầu ngành là đối chủ đáng gờm nhất của các quỹ - Ảnh 5.

Phin Deli đang được NovaGroup 'đẩy thuyền' dữ dội.

"Dù chúng tôi hay mua 51% cổ phần song vẫn để các ông bà chủ tiếp tục dẫn dắt doanh nghiệp, chỉ can thiệp khi cần thiết. Hơn nữa, NovaGroup cũng không phải là người thích đi thâu tóm hay thôn tính các doanh nghiệp nhỏ hơn; chúng tôi chỉ muốn cùng nhau gầy dựng và phát triển, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho các công ty khi họ tham gia vào hệ sinh thái.

Vậy nên, SMEs nào cảm thấy thỏa tất cả các điều kiện trên, có thể tìm đến với chúng tôi, cửa của NovaGroup luôn mở và chúng tôi sẵn sàng trao đổi với các bạn bất cứ thời điểm nào", ông Nguyễn Thái Phiên mời chào.

Phần mình, ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long cũng đang rất chào mừng các startup đến với hệ sinh thái của mình.

"Tôi sẽ nói những thứ không phải khẩu vị trước. Thiên Long không phải một quỹ đầu tư chuyên nghiệp, mặc dù bọn tôi có quỹ khá lớn để đi đầu tư. Do đó, hiệu số tài chính, tiềm năng thị trường và cơ hội phát triển, vốn rất quan trọng, nhưng với quỹ của Thiên Long lại không phải quan trọng hàng đầu.

Thiên Long Group không đơn thuần định giá thị trường một doanh nghiệp qua tài sản, doanh thu, lợi nhuận… ; mà Thiên Long Group nhìn một doanh nghiệp startup hoặc doanh nghiệp gọi vốn bằng chính giá trị của họ với cộng đồng và giá trị tương hợp vào hệ sinh thái Thiên Long Group. Hệ sinh thái của Thiên Long Group hết sức đơn giản: Khoa Học Đào Tạo và Phát Triển Nhân Tài Từ Nhỏ", ông Cô Gia Thọ nên cụ thể.

Vậy nên, với hệ sinh thái Thiên Long Group nói riêng và các startup nói chung, thì đừng để những chiếc mũ mang tên "ngành hàng", "lĩnh vực" hạn chế chúng ta ngay từ đầu. Bất kỳ một startup, doanh nghiệp trẻ nào có những ý tưởng - sản phẩm đột phá với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cộng đồng tương hợp với hệ sinh thái đầu tư của TLG, hãy cứ tìm đến họ.

Thiên Long Group sẽ làm từ đầu tư, góp vốn cho đến việc hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, năng lực thương mại hoặc trở thành khách hàng lớn của bạn… tất cả đều là cơ hội mở.

Đó là chưa kể đến việc FPT mua lại Base hay MoMo mua lại NextSmarty (Pique).

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM