Thị trường ngày 10/3: Dầu lao dốc mất 1/3 giá trị, vàng rời khỏi mức 1.700 USD/ounce

10/03/2020 08:41 AM | Xã hội

Thị trường hàng hóa nguyên liệu vừa trải qua một phiên giao dịch đầy biến động khi nhà đầu tư hoảng loạn vì dịch virus corona lan nhanh trên toàn cầu và liên minh OPEC+ tan rã. Chỉ số giá hàng hóa nguyên liệu CRB Index giảm 7,07% trong phiên vừa qua xuống 153,71 điểm, so với một tuần trước đã mất 11,41%.

Dầu giảm 1/3

Giá dầu lao dốc mất 1/3 giá trị trong phiên vừa qua sau khi Saudi Arabia "tuyên chiến" với Nga về ‘cuộc chiến giá dầu’, giữa bối cảnh các nhà đầu tư vốn đã hoang mang tột độ bởi sự lây lan nhanh chóng của virus corona nên đổ xô tới những tài sản an toàn như trái phiếu hay đồng yen Nhật.

Chỉ số chứng khoán Châu Âu lao dốc; chỉ số S&P500 giảm 7% ngay khi vừa mở cửa buộc Phố Wall phải tạm dừng giao dịch 15 phút giống như 10 năm trước khi khủng hoảng tài chính; lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống chỉ 0,318%; lợi suất trái phiếu chính phủ Đức xuống tháp kỷ lục; còn vàng lao vọt lên 1.700 USD/ounce lần đầu tiên kể từ 2012 và tăng tổng cộng hơn 10% kể từ đầu năm đến nay.

Chừng ấy lý do đã khiến cho giá dầu Brent và dầu Mỹ sáng qua đều giảm 14 USD/thùng xuống lần lượt 31,02 USD/thùng và 27,34 USD/thùng. Cả hai loại dầu đã hồi phục sau đó, nhưng vẫn mất 25% vào lúc đóng cửa so với cùng thời điểm của hôm trước sau một phiên giao dịch đầy biến động. Đây là mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ 1999 – khi bắt đầu Cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 10,91 USD xuống 34,36 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 10,15 USD xuống 31,13 USD/thùng.

 Thị trường ngày 10/3: Dầu lao dốc mất 1/3 giá trị, vàng rời khỏi mức 1.700 USD/ounce  - Ảnh 1.

Vàng giảm khỏi mốc 1.700 USD do bán tháo

Giá vàng vào cuối phiên giao dịch đã giảm khỏi mức 1.700 USD/ounce của lúc đầu phiên khi nhà đầu tư bán tháo giữa bối cảnh các thị trường chứng khoán và năng lượng sụt giảm. Giá palađi để mất 8% ngay đầu phiên vừa qua khi thị trường hàng hóa nguyên liệu toàn cầu hoảng loạn.

Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.672,32 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4/2020 tăng 0,2% lên 1.675,7 USD/ounce.

Lúc đầu phiên giao dịch, vàng đã tăng tới 1,7% và đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2012 là 1.702,56 USD/ounce. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã nhanh chóng bán ra ngay sau đó, có thể để tránh mất mát giữa bối cảnh thị trường đang biến động quá mạnh.

Trong nhóm kim loại quý, palađi giảm mạnh 2,9% trong phiên vừa qua, xuống 2.491,15 USD/ounce, đầu phiên có lúc giảm xuống chỉ 2.352 USD do "đồn doán nhu cầu đối với toàn bộ các kim loại công nghiệp sẽ bị điều chỉnh do virus corona" theo như lời chuyên gia phân tích Jonathan Butler của Mitsubishi. Trung Quốc là thị trường palađi lớn nhất thế giới.

Đồng thấp nhất 3 năm

Giá kim loại đồng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm sau khi giá dầu giảm mạnh, nhưng được hỗ trợ phần nào bởi nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích kinh tế.

Đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London có lúc giảm 3,1% xuống 5.433 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 12/2016, nhưng đã hồi phục sau đó và kết thúc phiên giao dịch chỉ còn giảm 1,3% xuống 5.535 USD/tấn.

Kim loại đen sụt giảm

Giá kim loại đen tại Trung Quốc giảm mạnh do thị trường hoảng loạn sau các thông tin về sự lây lan của dịch Covid-19, giá dầu thô lao dốc và các thị trường tài chính hoang mang.

Quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 2,7% xuống 640 CNY (92,13 USD)/tấn vào lúc đóng cửa giao dịch, sau khi đầu phiên giảm 5,8%; quặng sắt trên sàn Singapore buổi sáng cùng ngày cũng giảm 4,4%, nhưng kết thúc ngày ở mức giảm 1,7%.

Thị trường kim loại đen có thêm mối lo khi công ty Baosteel thuộc tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc là Baowu Steel Group thông báo đã xảy ra một vụ hỏa hoạn ở một lò cao. Tuy nhiên, Baosteel đã trấn an dư luận rằng sự cố xảy ra vào ngày 8/3 sẽ chỉ tác động ở mức hạn chế đối với việc nung sắt nóng chảy trong năm nay.

Đường thô thấp nhất 4 tháng

Là mặt hàng có mối liên quan mật thiết với dầu mỏ vì mía có thể linh hoạt trong sử dụng đường hoặc ethanol nên việc giá dầu giảm mạnh đã khiến giá đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 41 US cent, tương đương 3,1%, xuống 12,61 US cent/lb vào cuối phiên, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 4 tháng là 12,18 US cent/lb. Đường trắng lúc cuối phiên cũng giảm 14,7 USD (4,0%) xuống 355,6 USD/tấn, nhưng mức đó đã là hồi phục nhẹ so với thời điểm chạm mức thấp nhất 3 tháng là 348,10 USD/tấn.

Cao su giảm trên 6%

Giá cao su trên sàn Tokyo đã giảm trên 6% trong phiên vừa qua, là ngày giảm nhiều nhất trong vòng hơn 2 năm, do lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, và giá dầu lao dốc gây hoảng loạn các thị trường tài chính toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn TOCOM giảm 10,5 JPY (6,2%) xuống 157,8 JPY (1,55 USD)kg, trong phiên có lúc xuống thấp nhất kể từ 8/10/2019 là 156,5 JPY. Đây là phiên giá mất nhiều nhất kể từ 23/3/2018.

Trên sàn Thượng Hải, cao su cũng giảm giá mạnh, với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 645 CNY xuống 10.290 CNY (1.482 USD)/tấn vào cuối phiên, trước đó lúc đầu phiên có lúc chỉ 10.165 CNY, thấp nhất kể từ 3/8/2018.

Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật đã trượt xuống mức thấp nhất 14 tháng do lo ngại dịch bệnh lan rộng có thể làm gián đoạn tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 1,8 US cent (1,7%) trong phiên vừa qua, lên 1,092 USD/lb, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất hơn 1 tháng là 1,0255 USD/lb; robusta cũng tăng 2 USD (0,2%) lên 1.247 USD/tấn. Các nhà đầu tư đang có xu hướng bán các hợp đồng kỳ hạn gần để mua hợp đồng kỳ hạn xa hơn.

Xuất khẩu hành và tỏi của Trung Quốc khó khăn do Covid-19

Xuất khẩu gừng của Trung Quốc mấy tháng qua bị gián đoạn do dịch Covid-19. Hiện dịch bệnh ở Trung Quốc đã giảm dần, song tại Châu Âu – thị trường xuất khẩu tỏi chính của Trung Quốc – dịch bệnh lại đang bùng phát mạnh nên phải mất một thời gian nữa xuất khẩu sang thị trường này mới hồi phục trở lại. Hiện nguồn cung gừng ở Trung Quốc khá dồi dào.

Đối với mặt hàng tỏi, kể từ 15/2, hầu hết các công ty tỏi đã hoạt động trở lại, công nhân đã đến làm việc thường xuyên hơn. Tuy nhiên, giá tỏi Trung Quốc hiện vẫn ở mức thấp vì thiếu vắng khách hàng. Các thị trường nhập khẩu tỏi chủ chốt của Trung Quốc là Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ; ngoài ra còn có các khách hàng Châu Á như Indonesia.

Năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu 1,67 triệu tấn tỏi tươi hoặc đông lạnh, giảm 6,8% so với năm 2018. Trị giá xuất khẩu tỏi năm 2019 đạt 1,83 tỷ USD, tăng 43,4% so với năm trước đó.

Giá hành tây Trung Quốc dự báo sắp giảm

Tại Trung Quốc, giá thu mua hành tây đỏ ở Vân Nam hiện cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái do dịch Covid-19 khiến nhiều nông dân tăng giá bán hành, thậm chí không muốn bánh hành, trong bối cảnh việc thu hoạch cũng bị chậm so với mọi năm. Năm nay, tỉnh Vân Nam bắt đầu vào mùa sản xuất hành tây đỏ chính vụ từ cuối tháng 2. Tứ Xuyên cũng sẽ bắt đầu thu hoạch hành vào cuối tháng 3. Giá hành tây đỏ do vậy dự kiến sẽ giảm trong vài tuần tới. Được biết, Vân Nam là khu vực trồng hành tây đỏ chính của Trung Quốc, và diện tích trồng năm nay tăng khá nhiều so với năm ngoái (thêm khoảng 30%). Các khách hàng nhập khẩu hành tây đỏ chủ chốt của Trung Quốc là Pakistan và Ấn Độ.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 10/3

 Thị trường ngày 10/3: Dầu lao dốc mất 1/3 giá trị, vàng rời khỏi mức 1.700 USD/ounce  - Ảnh 2.

Theo Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM