Thị trường nền tảng giải trí Việt: Thú vị cuộc chiến chống ‘người khổng lồ" thế giới Netflix của bộ 3 FPT Play, VieOn và Galaxy Play

20/08/2020 10:40 AM | Kinh doanh

Hiện tại, thị trường OTT hay cụ thể hơn là nền tảng giải trí Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và FPT Play cùng Netflix đang phần nào thắng thế. Tuy nhiên, với những đầu tư nghiêm túc của VieOn - Galaxy Play trong thời gian gần đây, cuộc đua chỉ mới bắt đầu và ai là người cười cuối cùng vẫn là một ẩn số.

Sau rất nhiều năm chìm đắm trong những trang web xem phim miễn phí không bản quyền, trong khoảng vài năm gần đây, với sự xuất hiện của Netflix cùng FPT Play – người Việt Nam đã dần chấp nhận trả tiền cho các nền tảng giải trí để xem phim và chương trình truyền hình có bản quyền với chất lượng cao.

Nhận thấy manh nha nhu cầu của người tiêu dùng cộng với Covid-19 khiến nhu cầu xem phim ảnh và các chương trình giải trí tăng cao, VieOn của Đất Việt VAC và Galaxy Play của Galaxy đã rầm rộ ra mắt. Ngoài ra, FPT Play của Tập đoàn FPT cũng đang truyền thông cấp tập những sản phẩm độc quyền của mình tại thị trường Việt.

Sở dĩ chúng ta không kể đến những tay chơi kỳ cựu như Clip TV, Zing TV, Danet… vì gần đây họ khá im ắng và không có đầu tư mới, hơn nữa nội lực hay thế mạnh của họ xét kỹ vẫn không bằng những cái tên vừa được đề cập.

Thị trường nền tảng giải trí Việt: Thú vị cuộc chiến chống ‘người khổng lồ thế giới Netflix của bộ 3 FPT Play, VieOn và Galaxy Play - Ảnh 1.

Netflix đang bị kèn cựa quyết liệt ở thị trường OTT Việt Nam


Theo Kantar Media Việt Nam, có tới 84% người Việt có độ tuổi từ 15 – 54 sử dụng internet mỗi ngày và trong khảo sát cùng lĩnh vực của Nielsen, có tới 90% người trả lời khảo sát cho rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần. Bên cạnh đó, theo tổ chức nghiên cứu Muvi, doanh thu thị trường OTT Đông Nam Á từ năm sau có thể đạt đến mức 650 triệu USD mỗi năm.

Còn theo một nghiên cứu của Media Asia Partners, ngành công nghiệp video trực tuyến ở Châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) sẽ tăng trưởng khoảng 15%/năm để đạt 23 tỷ USD vào năm 2024.

Dù thị trường OTT ở Việt Nam tiềm năng là thế, nhưng do những đặc thù riêng về kinh tế, văn hóa hay hạ tầng cơ sở; nó chỉ mới ở giai đoạn sơ khai. Trước đây, thị trường này bị những trang web xem phim miễn phí không bản quyền thống trị, sau đó với sự xuất hiện của FPT Play và Netflix, mới đây nhất là VieON và Galaxy Play, thị trường đã được thổi một làn gió mới, quy củ và chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, Netflix đang dần đánh mất vị thế dẫn đầu trên thị trường Việt Nam qua nhiều thống kê khác nhau.

Netflix đã mò mẩm vào Việt Nam từ năm 2016, nhưng phải tới năm ngoái, Netflix mới chính thức có giao diện – phụ đề bằng tiếng Việt cũng như cố gắng đưa lên nền tảng vài bộ phim Việt, nhằm thể hiện sự coi trọng của mình với thị trường 100 triệu dân này. Không ngoa khi nói "ông lớn" của thế giới này đã góp công rất lớn vào việc "educate - giáo dục" thị trường Việt Nam.

Theo một thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử vào giữa năm 2019, tính theo số lượt xem trên thiết bị thì YouTube có số lượng lượt xem cao nhất là 2,6 triệu, Netflix thứ nhì là 1,3 triệu, FPT Play đứng thứ ba với 900.000, ClipTV đạt 350.000, VTVGo đạt 250.000. Như vậy tổng số lượt xem hai dịch vụ OTT nước ngoài cao gấp gần 3 lần tổng số lượt xem của ba dịch vụ OTT trong nước. Lúc này cả VieOn lẫn Galaxy Play còn đang rất mờ nhạt.

Thị trường nền tảng giải trí Việt: Thú vị cuộc chiến chống ‘người khổng lồ thế giới Netflix của bộ 3 FPT Play, VieOn và Galaxy Play - Ảnh 2.

Thống kê của Q&Me vào tháng 3/2020

Tuy nhiên, một thống kê khác của Q&Me vào tháng 3/2020 cho thấy, Netflix đã bị trượt xuống vị trí thứ hai, đứng sau FPT Play. Cụ thể: có 39% người được hỏi cho biết mình đang sử dụng dịch vụ của FPT Play, 23% đang dùng dịch vụ của Netflix, 21% dùng VTVcab On, 19% dùng K+ và 18% xài Zing TV.

Thống kê của YouNet Media vào tháng 6/2020, sử dụng dữ liệu Social Listening được thu thập bằng công cụ SocialHeat, giúp đưa ra cách nhìn rõ ràng hơn về các khía cạnh ảnh hưởng và độ phủ của từng nền tảng giải trí; khi xét đến lượng và loại thảo luận trong thời gian cần đánh giá.

Theo đó, Netflix chính là nền tảng được người dùng quan tâm nhất trên các diễn đàn như tinhte.vn, otofun.net, hay các fanpage review phim như "Cuồng Phim". Thoạt đầu nhìn qua, Netflix có lượng thảo luận cao ngất ngưởng so với các thương hiệu bản địa, thế nhưng hầu hết các thảo luận đó xuất phát từ những cuộc "họp chợ", mua bán, cho thuê và chia sẻ tài khoản.

Netflix được nhiều người tiêu dùng Việt khen ngợi về công nghệ và chất lượng, nhưng phàn nàn về thanh toán – duy nhất bằng thẻ quốc tế và giá dịch vụ mắc hơn app Việt.

Thị trường nền tảng giải trí Việt: Thú vị cuộc chiến chống ‘người khổng lồ thế giới Netflix của bộ 3 FPT Play, VieOn và Galaxy Play - Ảnh 3.

Số liệu về sự quan tâm của khách hàng Việt với các ứng dụng giải trí thể hiện trên các mạng xã hội từ YouNet Media

Tiếp theo chính là VieOn – lúc đó đang làm các chiến dịch truyền thông rầm rộ nhằm giới thiệu ứng dụng vừa được nâng cấp. Đứng vị thứ ba chính là FPT Play và cuối cùng chính là Galaxy Play. Hầu hết những thảo luận về 3 app Việt đều liên quan đến thế mạnh của mỗi bên: như VieOn là các show truyền hình thực tế, FPT Play là HBO Go và show "Hành trình lột xác" còn Galaxy Play là các bộ phim chiếu rạp từ Galaxy Cinema.

Thống kê gần nhất trên Top Charts ở mảng giải trí, thì TikTok đang dẫn đầu top 10 app có lượng tải nhiều nhất, tiếp theo là FPT Play, VieOn đứng vị trí thứ 9 – nhờ hiệu ứng của các chương trình truyền hình như "Người ấy là ai" và "Rap Việt" còn Netflix nằm ở vị trí thứ 10.

Xét mô hình kinh doanh, thì FPT Play là đối tác của Netflix, Galaxy Play và VieOn hơn là đối thủ; khi họ chủ yếu đóng vai trò nhà phát hành hơn là nhà sản xuất nội dung. Thế nên, có thể xem cuộc đua đến ngôi vị nhà sản xuất nội dung số 1 Việt Nam sẽ là cuộc chiến giữa Netflix, Galaxy Play và VieOn. Hiện mỗi bên có một thế mạnh riêng và tất cả đều đang ở vạch xuất phát.

VieOn và Galaxy Play rầm rộ ra mắt trong mùa dịch

Vào tháng 6/2020, Đất Việt TAC – tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực giải trí tại Việt Nam đã chính thức ra mắt ứng dụng giải trí phiên bản mới với VieON cùng slogan "Không thể rời mắt". Theo doanh nghiệp này, họ đã phải mất tới 4 năm liên tục nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm cùng đối tác tư vấn chiến lược từ Mỹ - BCG Digital Ventures để cho ra đời phiên bản hoàn chỉnh như ngày hôm nay.

"Về nội dung, ưu điểm nổi bật của VieON là kho nội dung phong phú và toàn diện phù hợp với văn hóa và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam với 100 kênh truyền hình, dự kiến có hơn 100.000 giờ nội dung bom tấn có bản quyền 100%, cho phép cá nhân hóa nội dung và phát trực tiếp (livestreaming).

Đặc biệt, VieON còn được thụ hưởng nhiều tinh hoa đến từ tập đoàn mẹ Đất Việt VAC. Chúng tôi hiện có các công ty con sản xuất nội dung kinh doanh hết sức phong phú, từ TV show, thời trang, remake phim có bản quyền, sản xuất phim truyền hình dài tập như Đông Tây Promotion, M&T Picture, Vie Channel, Vie Channel – HTV2, Vie Giải Trí…", đại diện VieOn cho biết.

Dù mới ra mắt, nhưng tham vọng của nền tảng này khá lớn. VieOn có kế hoạch sẽ tiến vào Đông Nam Á, Mỹ, Úc, Hàn Quốc vào Đài Loan vào năm 2021. Hiện VieOn có 3 gói cước cơ bản: gói VIP 1 tháng giá 66.000 ngàn đồng, gói VIP 3 tháng giá 179.000 đồng và gói VIP 12 tháng 629.000 đồng.

Thị trường nền tảng giải trí Việt: Thú vị cuộc chiến chống ‘người khổng lồ thế giới Netflix của bộ 3 FPT Play, VieOn và Galaxy Play - Ảnh 4.

Các show truyền hình thực tế là thế mạnh của VieOn.

Không "thua chị kém em", vào tháng 8/2020, Tập đoàn Galaxy cũng cấp tập thúc đẩy tên tuổi Galaxy Play với đông đảo khách hàng của mình thông qua các chương trình PR – marketing khác nhau.

"Vào năm 2015, trước làn sóng bùng nổ công nghệ và internet, Galaxy Play (tiền thân Fim+) đã ra đời để cùng đồng hành với Galaxy Cinema trong việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh trên nền tảng trực tuyến của người Việt.

Galaxy Play là dự án đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xem phim có bản quyền theo nhu cầu người xem (VOD - video on demand) với chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt nhất, hỗ trợ phụ đề tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Sau 5 năm, Galaxy Play đã đạt được mục tiêu đề ra khi trở thành ‘Dịch vụ xem phim theo yêu cầu, có bản quyền số 1 tại Việt Nam’", đại diện Galaxy Play chia sẻ.

Thế mạnh của Galaxy Play chính là có đội quân sản xuất nội dung phim ảnh hùng hậu. Ngoài những bộ phim điện ảnh độc quyền được sản xuất bởi Galaxy như "Cua lại vợ bầu’, ‘Mắt biếc’, ‘Gái già lắm chiêu 3’; Galaxy Play còn có ý định tự sản xuất các serie phim truyền hình chỉ chiếu trên Galaxy Play như cách mà Neflix đang làm.

Thị trường nền tảng giải trí Việt: Thú vị cuộc chiến chống ‘người khổng lồ thế giới Netflix của bộ 3 FPT Play, VieOn và Galaxy Play - Ảnh 5.

Phim điện ảnh Việt chiếu rạp chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Galaxy Play.

Galaxy Play còn cho rằng, mình là một trong những app giải trí Việt hiếm hoi có thể xem trên tất cả công cụ như SmartTV, IPTV (truyền hình internet), Smartphone (iOS và Android) và cả máy tính để bàn; cùng kho phim 4K lớn nhất và âm thanh nổi Dolby 5.1.

Ngoài đa dạng hóa nội dung, một trong những chiến lược phát triển của Galaxy Play chính là đa dạng hóa các hình thức thanh toán, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận với nền tảng. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 8/8/2020, thẻ cào dịch vụ xem phim online trên ứng dụng Galaxy Play sẽ được phát hành tại hệ thống rạp phim của Galaxy Cinema. Trước đó, Galaxy Play đã chấp nhận thanh toán qua ví Momo, thẻ tín dụng quốc tế, thẻ ngân hàng nội địa và Apple Store - Google Play.

Hiện Galaxy Play có các gói cước chính như sau: gói cao cấp với lần lượt 60.000 đồng/tháng, 150.000 đồng/3 tháng, 300.000 đồng/6 tháng và 500.000/12 tháng; gói dành cho smartphone giá khởi điểm 20.000 đồng/tháng, 50.000 đồng/ 3 tháng, 100.000 đồng/6 tháng, 180.000 đồng/12 tháng. Galaxy Play còn cung cấp dịch vụ thuê phim điện ảnh mới chiếu rạp (trong 48 giờ) với giá thuê từ 29.000 đến 70.000 đồng, tùy định dạng HD/Full HD/4K.

Khác với VieOn, họ chưa có kế hoạch ‘go global’, mà vẫn tập trung phát triển thị trường trong nước. Có thể nói, ở thời buổi Covid-19 và rạp phim luôn là nơi được lệnh đóng cửa đầu tiên mỗi khi có làn sóng dịch bệnh lên cao, Galaxy Play chính là cứu cánh của Galaxy Cinema và Tập đoàn Galaxy.

Người tiên phong FPT Play

Tuy nhiên, VieOn hay Galaxy Play không phải là những đơn vị OTT đầu tư và phát triển nghiêm túc đầu tiên tại Việt Nam mà là FPT Play. Ra mắt từ năm 2014, sau 6 năm phát triển, vai trò chính hiện tại của FPT Play là phân phối nội dung chứ không phải sản xuất; họ còn ra mắt FPT Play Box cách đây không lâu. Nguyên do là bởi thế mạnh của Tập đoàn FPT là công nghệ chứ không phải sản xuất nội dung.

Về phim quốc tế, FPT Play hợp tác với HBO Go – một trong những đối thủ của Netflix trên trường quốc tế; phim Âu-Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc họ liên thủ cùng Danet (thuộc BHD); truyền hình thì hợp tác cùng K+ cũng như các kênh truyền hình giải trí gia đình trong và ngoài nước… Đặc biệt, họ còn có dịch vụ Edumall - giáo dục trực tuyến về sức khỏe, nuôi dạy con, nấu ăn, yoga…

Nhờ mạng lưới liên kết sâu rộng với nhiều bên sản xuất nội dung, FPT Play có nhiều gói chuyên biệt như gói VIP, gói 4 kênh K+, gói HBO Go+, gói phim đặc sắc, gói kênh gia đình, gói kênh quốc tế, gói Edumall, gói kênh cơ bản… nhằm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng.

Thị trường nền tảng giải trí Việt: Thú vị cuộc chiến chống ‘người khổng lồ thế giới Netflix của bộ 3 FPT Play, VieOn và Galaxy Play - Ảnh 6.

Anh Lê Trọng Đức - Giám đốc dự án FPT Play Box (ngoài cùng bên trái).

"Hiện nay, thị trường OTT Việt Nam vẫn trong giai đoạn ‘giáo dục’, theo tôi nghĩ, sẽ cần thêm thời gian ít nhất 2 năm nữa thì mới đến gia đoạn hái trái ngọt của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ góc độ nội bộ, rõ ràng đã có sự chuyển biến tốt về hành vi xem truyền hình, phim qua OTT. Người dùng đã dần làm quen với việc trải nghiệm và bắt đầu chi trả cho trải nghiệm này.

Thời gian sắp tới thật sự là thời điểm người dùng được hưởng lợi hơn khi thay đổi hành vi, do sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy trải nghiệm và nội dung trên OTT lên, so với truyền hình truyền thống và FPT Play cũng đang nỗ lực tối đa cho việc này.

Nếu nói riêng về Galaxy Play và VieOn, tôi nghĩ phần công nghệ các bạn chưa có gì rõ nét; nên về nội dung, các bạn cần tìm hướng đi Original Content - bản địa theo bản sắc và phát huy tối đa từng lợi thế nội bộ của các bạn.

Phần chúng tôi, sau 6 năm ra mắt ở thị trường Việt Nam, FPT Play đang có vị trí tương đối tốt so với các đơn vị vừa gia nhập. Tuy nhiên, nếu so với bức tranh tổng thể thì còn ‘rất rất nhiều’ đất và việc mà chúng tôi cần làm ở Việt Nam. Trong thời gian này, FPT Play xác định là sẽ làm tốt nhất việc mình đang làm cho người dùng Việt Nam đã, trước khi các kế hoạch mở rộng trong khu vực được xem xét", anh Lê Trọng Đức - Giám đốc dự án FPT Play Box nhận định về thị trường.

Còn You Net Media đề nghị: Các doanh nghiệp Việt nên tìm cách cải thiện chất lượng sản phẩm – dịch vụ hơn nữa. Ví dụ: tối đa sự tiện lợi trong trải nghiệm người dùng, chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế hay ví điện tử...; tối thiểu bug trong sản phẩm trước khi tung ra thị trường nhằm hạn chế các review xấu tạo nên vết sẹo khó xoá; đầu tư các nội dung bản quyền ngách đang có xu hướng như: phim Hàn dài tập, phim cổ trang, chương trình truyền hình thực tế, game show truyền hình, live show, sách nói...

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM