Thị trường gọi xe khốc liệt chuẩn bị chào đón một tân binh Việt trong tháng 7 tới
Dự kiến mức chiết khấu ứng dụng này thu từ tài xế sẽ vào khoảng 20%.
Chiều ngày 29/6, ứng dụng gọi xe Việt Nam với tên gọi GV Taxi đã tổ chức họp báo công bố ra mắt.
Theo kế hoạch, đầu tháng 7 tới, GV sẽ khởi chạy chính thức với 3 dịch vụ ban đầu là: Gọi xe máy (GV Bike), gọi xe ô tô (GV Car) và đặt trước chuyến đi xa. Sau đó công ty sẽ dành ra 6 tháng để thử nghiệm, phân tích, đánh giá phản hồi người dùng và tiếp tục hoàn thiện dịch vụ.
Sang tới 2021, GV sẽ ra mắt dịch vụ khác như giao hàng, giao đồ ăn, vận chuyển hàng bằng xe tải,...
CEO Hoàng Quang Mạnh của GV Taxi chia sẻ lý do ra mắt ứng dụng trong thời điểm này: "Chúng tôi luôn nghĩ có cơ hội cho ứng dụng gọi xe Việt khi top đầu mới chỉ có 2 hãng gọi xe ngoại. Chúng tôi tìm hiểu và được biết các đối tác tài xế sẵn sàng chạy nhiều ứng dụng chứ không trung thành với một bên nào, trong khi các ứng dụng ngoại đang thu chiết khấu của họ rất cao. Chúng tôi xác định xây dựng dựng ứng dụng của mình trên chiến lược hài hòa giữa thu nhập của tài xế và chi phí của khách hàng".
Không chỉ rõ thế mạnh của GV so với các ứng dụng hiện nay nhưng CEO Mạnh cho rằng sự am hiểu văn hoá, con người Việt Nam chính là lợi thế của họ. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cũng là một dấu hỏi lớn khi thị trường gọi xe vốn là cuộc chơi "đốt tiền". Tuy nhiên phía GV khẳng định họ đủ sức để phát triển trong dài hạn.
CEO Mạnh tiết lộ ứng dụng dự kiến sẽ thu chiết khấu tài xế ở mức 20%. Bảng giá các dịch vụ cơ bản được công khai trên website GV như dưới đây.
Theo thông báo từ Công ty cổ Phần GV Asia, GV sẽ tặng ngay 200.000 đồng vào ví cá nhân khi khách hàng đăng kí sử dụng dịch vụ thông qua app GV. Nếu khách hàng dùng mã giới thiệu của mình giới thiệu thêm một người dùng mới, sẽ được tặng thêm 50.000 đồng.
Trong tương lai, GV xác định sẽ trở thành siêu ứng dụng phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân Việt Nam.
Hiện thị phần gọi xe công nghệ ở Việt Nam đang là cuộc đua tam mã giữa Grab, Be và Goviet. Ở một ngách khác là giao đồ ăn, cuộc canh tranh cũng không kém phần bỏng rát giữa những cái tên như Grab, Goviet, Now và Beamin.
Xét trên toàn bộ cục diện, Grab có phần áp đảo các đối thủ còn lại khi họ có thế mạnh về tài chính, đã tham gia cuộc chơi đủ lâu để dần bước qua giai đoạn "đốt tiền" giành thị phần, không gặp vấn đề nhân sự như Be hay Goviet (hiện vẫn đang trống ghế CEO) và cũng không vào thị trường muộn như Beamin.
Liệu rằng sự xuất hiện của GV ngay thời điểm này có thể định hình lại toàn bộ thị trường xe ôm công nghệ tại Việt Nam, đủ sức để đua top với các ứng dụng ngoại hay không? Đây sẽ là một câu hỏi khó trả lời trong thời gian tới.