Thị trường đầu tư vốn cổ phần tư nhân châu Á lập kỷ lục năm 2017
Giá trị các thương vụ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân tại châu Á năm qua đạt mức kỷ lục 159 tỷ USD, cao hơn 19% so với kỷ lục thiết lập vào năm 2015...
Chủ sở hữu các công ty tại châu Á ngày càng cởi mở hơn với các nhà đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân, sẵn sàng nhượng bớt quyền kiểm soát tại doanh nghiệp của mình để đổi lấy vốn và nhân lực, tờ South China Morning Post dẫn báo cáo mới nhất của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Mỹ Bain & Co. cho biết.
Trong báo cáo có tên "Báo cáo vốn cổ phần tư nhân châu Á - Thái Bình Dương" công bố ngày 15/3 của Bain & Company, năm 2017, giá trị các thương vụ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân tại khu vực này đạt mức kỷ lục 159 tỷ USD, tăng 44% so với năm 2016 và cao hơn 19% so với kỷ lục 133 tỷ USD thiết lập vào năm 2015.
Tuy số lượng các thương vụ giảm nhẹ, giá trị trung bình đạt 521 triệu USD - gần gấp đôi so với mức trung bình của giai đoạn 2012 - 2016.
Nhiều tài phiệt châu Á ở tuổi 80 - 90 hoặc thậm chí trẻ hơn, đang phải đối mặt với một thực tế rằng con cái họ ít quan tâm tới việc kế nhiệm. Tại các thị trường như Nhật và Hàn Quốc, ngày càng nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sàng nhượng bớt quyền kiểm soát để đổi lấy nguồn vốn và nhân lực tài năng trong bối cảnh lãnh đạo thế hệ đầu tiên đã nghỉ hưu hoặc có kế hoạch chuyển giao quyền lực. Nhiều công ty cũng nhận ra rằng sự tiếp vốn của các quỹ đầu tư là cần thiết để mở rộng nhanh chóng hơn.
Ở Việt Nam, chính phủ đang hết sức mở cửa đối với các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Mới đây, công ty quản lý quỹ Mỹ Warburg Pincus đạt thỏa thuận rót hơn 370 triệu USD vào ngân hàng Techcombank của Việt Nam.
Năm qua, nhiều thương vụ được thực hiện bởi nhóm quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân hoặc nhóm hợp tác với các công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, báo cáo của Bain & Co. cho biết.
Điển hình là thương vụ trị giá 2 nghìn tỷ Yên (18 tỷ USD) thâu tóm mảng chip nhớ của Toshiba Corp. của nhóm đầu tư dẫn đầu là Bain Capital và theo sau là các công ty gồm Apple, Dell, SK Hynix và Hoya.
Tỷ phú Masayoshi Son của tập đoàn Nhật SoftBank Group thông qua quỹ Vision Fund cũng liên tục rót tiền thấu tóm cổ phần của loạt startup gọi xe như Grab của Singapore hay trang thương mại điện tử Flipkart của Ấn Độ.
Theo dữ liệu của Bain & Co. tính tới 1, các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ suất hoàn vốn (IRR) trung bình 11,5%. Trong đó, nhiều thương vụ hàng đầu đang trên đà mang về IRR tới 18%.
Năm 2017, giá trị các vụ thoái vốn cũng tăng 25% so với trung bình 5 năm trước lên 115 tỷ USD. Năm ngoái châu Á có kỷ lục 710 vụ thoái vốn, trong đó vụ lớn nhất là của quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC khi bán số cổ phần trị giá 10,4 tỷ USD tại Global Logistic Properties.