Bi hài nghề môi giới chứng khoán

08/06/2010 18:24 PM |

Vài tuần trước, Tuấn còn là ngôi sao của dân môi giới chứng khoán với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng, tài khoản có gần chục tỷ đồng nhưng giờ trở thành một con nợ đầm đìa.

Kể từ đầu năm 2010 cho tới giữa tháng 5, Tuấn vẫn là môi giới VIP rất thành công tại một công ty chứng khoán lớn. Ngoài thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng, anh này còn thu về những khoản tiền lớn hơn từ việc cùng khách hàng VIP đánh lên một số mã penny.

Thế nhưng, khi thị trường đảo chiều thì Tuấn cùng nhóm “đội lái” (những nhà đầu tư lớn chuyên làm giá cổ phiếu) vẫn còn say máu với cơn điên penny. Rút ra không kịp, Tuấn bị kẹp hàng cùng khoản nợ nhiều tỷ đồng do chơi đòn bẩy.

Hằng là một môi giới chứng khoán VIP tại Hà Nội có tình cảnh tương tự. Phí môi giới được hưởng từ giá trị giao dịch của khách hàng lên tới gần 50 triệu đồng mỗi tháng nhưng nữ nhân viên này vẫn bị công ty trừ gần hết lương cứng bởi đã mất sạch tiền, cộng thêm nợ nần lớn trong đợt sụt giảm cuối tháng 5. “Làm cả năm, đốt một tuần”, Hằng than thở.

Long một môi giới chứng khoán mới vào nghề được vài tháng tâm sự: “Ban đầu vào thấy các anh chị cũng chỉ hơn mình một hai tuổi mà đánh mấy trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng thì khiếp quá. Đây là chưa kể đến việc họ lỗ cả đống tiền, nợ đầm đìa mà vẫn cười nhăn nhở suốt ngày. Nhưng chỉ hơn một tháng là quen hết”.

Nếu như trước đây Long chưa bao giờ nghĩ mình có thể vay ai được 20 triệu đồng thì sau 2 tháng làm chứng khoán môi giới này đã vay được tới 50 triệu của người thân để chơi “trứng” (cổ phiếu). Tuy nhiên, số tiền mà Long dùng để mua cổ phiếu thì lên tới vài trăm triệu đồng nhờ đòn bẩy tài chính mà công ty chứng khoán ưu đãi cho nhân viên.

“Chơi “trứng” mà chưa từng lâm vào cảnh nợ nần hoặc có đêm mất ngủ vì giá giảm thì chỉ có ở rất ít môi giới chứng khoán. Còn nếu yếu tim thì không nên làm nghề này”, Long đưa ra nhận xét như vậy sau vài tháng làm việc tại bộ phận giao dịch. Bản thân môi giới này cũng nếm trải những kinh nghiệm đầu tư thót tim khi giá cổ phiếu giảm suýt vượt ngưỡng “cháy” tài khoản (bị công ty bán chứng khoán để xiết nợ).

Trong số các môi giới của một công ty chứng khoán cỡ vừa tại Hà Nội, Lan là trường hợp ngoại lệ bởi đầu tư nhưng gần như không dùng đòn bẩy tài chính. Khi các bạn đồng nghiệp lãi vài trăm triệu, thậm chỉ cả tỷ đồng thì với cùng số tiền đầu tư ban đầu, Lan chỉ lãi gần trăm triệu.

“Đầu tư bằng tiền của mình thì đỡ bị đau tim nhưng lãi ít. Nếu chấp nhận như vậy thì sẽ vui vẻ hơn chứ không sôi sùng sục khi các đồng nghiệp của mình lãi lớn nhờ dùng đòn bẩy”, Lan tâm sự. Nhưng cũng nhờ ít dùng đòn bẩy, khi thị trường tụt dốc, môi giới này kịp thời rút lui và vẫn giữ được vài chục triệu tiền lãi trong khi nhiều đồng nghiệp bị lỗ nặng, có người còn nợ tiền công ty.

“Làm nghề này chẳng nói trước được điều gì. Hôm nay thì mình vui vì vừa thoát kịp và vẫn lãi khi thị trường tụt dốc, nhưng có thể chỉ vài ngày nữa lại mất sạch tiền”, môi giới này tâm sự. Chỉ khi nào bán hết, thu tiền về và không mua cổ phiếu nữa thì mới có thể nói chắc là mình thắng hay thua.

Một môi giới từng rất thành công với vai trò hỗ trợ đánh lên vài mã penny tại HNX tâm sự, kiếm tiền trên thị trường chứng khoán đã khó nhưng giữ được tiền còn khó hơn nhiều lần. Anh này nói thêm: “Càng thắng lớn thì càng tham và đánh gấp thếp cộng thêm đòn bẩy càng mạnh. Vì thế, rất nhiều nhà đầu tư trong đó có tôi, làm cả năm nhưng đốt hết trong một tuần”.

Những người đầu tư chứng khoán có kinh nghiệm đều biết nguyên tắc đầu tư quan trọng bậc nhất của huyền thoại Warren Buffet là “Không được để mất tiền” (Never lose money). Thế nhưng, không ít nhân viên môi giới - những người lẽ ra phải luôn cảnh báo nhà đầu tư về tác hại của lòng tham, thỉnh thoảng lại quên đi nguyên tắc này trong những thời điểm quyết định của chính mình, môi giới chứng khoán nói trên tâm sự.


Theo Hoàng Ly
VnExpress


ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM