Thêm một doanh nghiệp nhận chuyển nhượng Phở Thìn 13 Lò Đúc: Ông Thìn nói thương hiệu và hình ảnh của ông, nhưng không cung cấp được văn bằng
Hiện doanh nghiệp này đã mở chuỗi nhà hàng gồm 4 chi nhánh có biển hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc.
Liên quan đến lùm xùm xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, mới đây đã có thêm một doanh nghiệp lên tiếng, cho biết từng hợp tác phát triển thương hiệu với ông Nguyễn Trọng Thìn.
Theo đó, trả lời Đài truyền hình Hà Nội, ông Lê Chí Dũng - người đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phở Thìn Hà Nội, tháng 6/2019, công ty có thỏa thuận với ông Nguyễn Trọng Thìn và được đồng ý chuyển nhượng thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc cùng công thức chế biến phở. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phở Thìn Hà Nội đã mở chuỗi nhà hàng gồm 4 chi nhánh có biển hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc.
Chi phí được chuyển và nhận theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi ban lãnh đạo Công ty yêu cầu giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ về thương hiệu, nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc thì không được cung cấp.
"Ông (Nguyễn Trọng Thìn) nói ông đã có văn bằng rồi và đang chờ gửi lại cho chúng tôi. Nhưng thực ra đến bây giờ chưa có. Về thỏa thuận của ông Thìn, lúc nào ông cũng nói đây là thương hiệu của ông, tất cả hình ảnh của ông, chúng tôi hoàn toàn được sử dụng để kinh doanh", ông Chí Dũng nói với Truyền hình Hà Nội.
Trong khi chờ đợi "cha đẻ" Phở Thìn 13 Lò Đúc cung cấp văn bằng chứng minh, ông Chí Dũng đã tự tra cứu, nhận thấy các dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu Phở Thìn đều không do ông Thìn sở hữu.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
"Đó là hình thức mà tôi thấy có sự gian dối, không đúng như hình thức nhượng quyền thông thường" , ông Chí Dũng nói thêm.
Bên cạnh đó, công ty của ông Chí Dũng cũng đã tiến hành mua lại nhãn hiệu hình Bố Già (God Father).
Trong khi đó, theo quy định Pháp luật, điều kiện để chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng đối với nhãn hiệu là người đứng ra chuyển giao phải là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu.
"Khi đã chuyển nhượng, cho thuê thì tùy thuộc vào nội dung, thỏa thuận của hai bên mà phạm vi, đối tượng như lãnh thổ, khu vực cần được quy định rõ ràng. Nhưng vấn đề quan trọng nhất, người ta chỉ có thể chuyện nhượng, cho thuê cái quyền thuộc về người ta. Trong đó nhãn hiệu được xác lập theo nguyên tắc đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, ở đây là Cục sở hữu Trí tuệ", luật sư Lê Xuân Lộc - Giám đốc Công ty Luật T&G nói trong phóng sự.
Trên thực tế, đã có nhiều đơn vị cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "Phở Thìn". Tuy nhiên, Phở Thìn Bờ Hồ hiện là bên duy nhất đã đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu “Phở Thìn”.
Về phía ông chủ Phở Thìn 13 Lò Đúc - Nguyễn Trọng Thìn, mặc dù đã nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc của mình lần đầu vào năm 2009 nhưng đã bị từ chối do có chứa dấu hiệu “phở Thìn” là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho dịch vụ trùng trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn sớm hơn (là Phở Thìn Bờ Hồ) căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 74 Luật SHTT 2005.
Đến năm 2020, Phở Thìn Lò Đúc tiếp tục nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Phở Thìn, đã thêm những dấu hiệu khác như hình ảnh và chữ (1979, 13 Lò Đúc) nhưng vẫn trong tình trạng “đang giải quyết”, chưa được Cục Sở hữu trí tuệ đồng ý cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, yêu cầu của CEO Đoàn Hải Trung đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn với chữ "Thìn" được viết cách điệu, thêm thông tin 1979, 13 Lò Đúc cũng chưa được chấp nhận.