Thêm một cơ sở gia công quần áo gắn mác Adidas, Chanel, Gucci bị bắt quả tang
124.101 chiếc quần áo, thành phẩm, bán thành phẩm, tem nhãn mang nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci… tại một cơ sở sản xuất, gia công quần áo ở Khu công nghiệp Ninh Hiệp vừa bị lực lượng chức năng tạm giữ.
Theo tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, ngày 3/11, trong quá trình đột xuất kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang – Khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội do ông Nguyễn Anh Quyết (sinh năm 1991) làm chủ, lực lượng QLTT đã phát hiện cơ sở này đang "hô biến" nhiều sản phẩm tự may thành hàng hiệu .
Tại thời điểm kiểm tra, lục lượng chức năng bắt quả tang cơ sở đang sử dụng máy may, máy vắt sổ để may sản xuất quần áo có gắn các dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci… (thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức tại châu Âu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam).
Ông Nguyễn Anh Quyết, chủ cơ sở xuất trình được đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính Kế hoạch – UBND huyện Gia Lâm cấp ngày 24/9/2020. Tuy nhiên, ông Quyết thừa nhận việc may sản xuất quần áo có dấu hiệu giả mạo trên không được sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu trên và do các đối tượng kinh doanh quần áo tại khu vực Ninh Hiệp đặt may sản xuất.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 124.101 chiếc quần áo, thành phẩm, bán thành phẩm, tem nhãn vật mang nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci… cùng 35kg vải và các máy may, máy vắt sổ đang dùng để may hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên.
Toàn bộ số hàng trên đã được niêm phong, tạm giữ. Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP.Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đấu tranh, làm rõ số lượng hàng giả và hành vi kinh doanh vi phạm của cơ sở trên cũng như xác minh, làm rõ nguồn gốc của vật tư, nhãn mác và số hàng hóa đã tiêu thụ… để đảm bảo xử lý triệt để, nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 3/11, lực lượng chức năng TP.Hà Nội khi đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo Trần Thị Thắm tại xóm Gốc gạo, Cụm 7, Mỹ Giang, Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 4.336 chiếc quần, áo có dấu hiệu xâm phạm quyền của Công ty TNHH May mặc Hoàng Nga; 35.700 chiếc nhãn giấy có dấu hiệu xâm phạm quyền của Công ty TNHH May mặc Hoàng Nga.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện cơ sở đang bầy bán 600 chiếc quần nhãn hiệu LV có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của các sản phẩm. Do đó, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa tại cơ sở để tiếp tục điều tra, làm rõ từ đó xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào cuối tháng 10, khi đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh thời trang tại phòng 301 nhà 20 phố Chùa Quỳnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội mới đây, do ông Nguyễn Văn Vũ làm chủ lực lượng QLTT TP.Hà Nội cũng bắt quả tang chủ cơ sở đang thực hiện hành vi đính nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu Dior, Chanel lên hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện và thu giữ 79 sản phẩm quần, áo, váy các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 166 quần, áo, váy các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ; 725 vỏ hộp bằng giấy mang nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 107 nhãn bằng vải mang nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 3.156 nhãn bằng giấy mang nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 1.800 vật phẩm bằng nhựa mang nhãn hiệu Dior, Gucci.
Điều 12 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/ 2020 quy định với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt.
Theo đó, phạt từ 2-5 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5 triệu đồng;
Phạt từ 5-8 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng;
Phạt từ 8-15 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng;
Phạt từ 15-25 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng;
Phạt từ 25-40 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
Phạt từ 40-50 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, điều 11 của Nghị định 98 cũng quy định xử phạt từ 1-50 triệu đồng với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.