The Wall Street Journal: Việt Nam hành động rất sớm và quyết liệt vì hiểu rõ cách vận động toàn hệ thống chính trị và sớm nghi ngờ rằng dịch Covid-19 có thể nghiêm trọng
Vào tháng 1, khi thế giới mới chỉ đang bắt đầu tìm hiểu về coronavirus mới, các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã ví nó như một kẻ thù cần phải chiến đấu.
Hàng chục ngàn người sau đó đã thực hiện cách ly trong các cơ sở cách ly tập trung. Tiếp đến là nhiều khu phố được cách ly chặt chẽ để quản lý từ cụm nhỏ có các ca dương tính. 3 tháng sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện, Việt Nam dường như đã đánh bại virus, ít nhất là cho đến nay.
Việt Nam chỉ báo cáo hai ca nhiễm mới trong 10 ngày qua, cả 2 đều là du học sinh trở về từ Nhật Bản tuần trước. Đất nước với hơn 95 triệu người chưa có một trường hợp tử vong do Covid-19 nào. Hầu hết trong số 270 trường hợp được xác nhận dương tính đã phục hồi.
Các cửa hàng và nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại vào ngày 23/4 sau khi Chính phủ nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội và hạn chế đối với việc di chuyển. Các quán cà phê ở thủ đô Hà Nội đã đón khách trở lại. Các dịch vụ gọi xe tiếp tục hoạt động, trong khi hầu hết các trường học hay quán karaoke nổi tiếng với người dân địa phương vẫn đóng cửa.
"Nếu chống dịch COVID-19 như một cuộc chiến thì chúng ta đã thắng trận mở màn nhưng chưa thắng cả cuộc chiến vì tình hình thay đổi rất khó lường. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có niềm tin và bám sát vào những nguyên tắc đã chỉ đạo, kiên định, kiên trì, không vì điều gì từ bỏ nguyên tắc chống dịch, đề cao cảnh giác, không phút nào được lơi lỏng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói ngày 24/4 khi một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Singapore, đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới sau những thành công ban đầu.
Julien Brun, Đối tác quản lý tại thành phố Hồ Chí Minh của CEL, cho biết, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu cho các nhà sản xuất toàn cầu muốn đa dạng hóa Trung Quốc. Cho đến nay, phản ứng của Việt Nam có thể sẽ làm tăng thêm uy tín. Mặc dù các nhà máy xuất khẩu quần áo và giày dép Việt Nam hiện đang quay cuồng vì vấn đề hủy đơn hàng lớn, nhưng việc sản xuất nhiều ngành khác nhau có thể chuyển sang Việt Nam trong dài hạn, ông nói.
Yếu tố quan trọng để ngăn chặn việc trở thành một ổ dịch lớn ở Việt Nam là một chế độ kiểm dịch cách ly mạnh mẽ lên đến hàng chục ngàn người trong những khu cách ly tập trung vốn là doanh trại quân đội, ký túc xá đại học và các nơi khác. Khi một người được xác nhận bị nhiễm bệnh, nhiều người có tiếp xúc gần gũi với họ, bao gồm cả những người không có triệu chứng, cũng sẽ phải thực hiện cách ly tại các cơ sở hoặc bệnh viện của nhà nước thay vì cách ly tại nhà - nơi họ có thể lây bệnh cho các thành viên gia đình lớn tuổi. Tất cả những người trở về nước từ nước ngoài trong tháng trước cũng được yêu cầu cách ly bắt buộc trong 14 ngày.
Đầu tháng 4, khi báo cáo chưa tới 250 trường hợp, gần 45.000 người đã thực hiện cách ly trong các cơ sở của Chính phủ. Con số đó hiện giảm xuống còn khoảng 11.000, trong khi chỉ có hơn 40.000 người đang cách ly tại nhà, bao gồm phần lớn là những người có liên hệ gần gũi với bệnh nhân được xác nhận mắc Covid-19.
Hệ thống dựa vào việc theo dõi liên lạc để xác định tất cả những người có thể đã tiếp xúc với người bệnh. Các cơ quan y tế công bố đọc chi tiết các hoạt động của người này trên các trang web chính phủ, báo chí và phương tiện truyền thông xã hội, ví dụ như nhà hàng họ đã ghé thăm và họ dành bao nhiêu thời gian ở chợ, kêu gọi mọi người chủ động thực hiện cách ly và tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh để xét nghiệm nếu họ nghĩ rằng họ có thể đã tiếp xúc.
"Việt Nam đã hành động rất sớm và quyết liệt", ông Lê Hồng Hiệp, một thành viên của Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore cho biết. Lý do, theo ông, là "vì Việt Nam là một quốc gia thống nhất, hiểu rõ cách vận động toàn hệ thống chính trị và sớm nghi ngờ rằng dịch Covid-19 có thể nghiêm trọng".
Ảnh: Reuters
Tháng trước, sau khi có một số trường hợp dương tính liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, cơ sở khám chữa bệnh này đã bị cách ly hoàn toàn trong 2 tuần. Khoảng 5.000 nhân viên và bệnh nhân đã được xét nghiệm, cũng như hàng ngàn người khác đã đến bệnh viện. Cuối tháng 3, Việt Nam đã nhập 200.000 bộ dụng cụ kiểm tra nhanh từ Hàn Quốc để tăng năng lực xét nghiệp.
Ở một số thành phố lớn, các cuộc tụ tập xã hội từ 20 người trở lên vẫn bị cấm.
Một trung tâm mua sắm ở phía Nam Hà Nội đã mở cửa trở lại vào thứ ngày 25/4, với cửa hàng Uniqlo mới khai trương gần đây. Nguyễn Huyền Trang, 25 tuổi, sống gần Hà Nội, đã ghé qua đều mua sắm và sau đó mua một ly trà sữa trân châu gần đó. Với việc lệnh hạn chế nhập cảnh vào Thủ đô được nới lỏng, cô ấy đã đi kiểm tra y tế tổng quát, tuy không phải là xét nghiệm Covid-19, nhưng mỗi lo về virus vẫn tồn tại trong cô.
"Tôi không muốn đi ra đường nhiều vào khoảng thời gian này vì tôi nghĩ vẫn nguy hiểm", cô nói. "Nếu tôi mất cảnh giác, dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào".