Thể thao Việt Nam tại Olympics Rio 2016: Tượng đài và khoảng trống
Với 1 HCV - 1 HCB, đoàn Thể thao Việt Nam đã có được thành tích tốt nhất trong lịch sử dài 64 năm tham dự Thế vận hội mùa Hè. Và cũng tại Olympic Rio 2016, cái tên Hoàng Xuân Vinh đi vào lịch sử khi là chủ nhân của cả 2 tấm huy chương danh giá ấy để trở thành tượng đài mới cả nền thể thao, nhưng...
1. Về mục tiêu cũng như cơ hội tranh chấp của đoàn Việt Nam tại Olympic Rio 2016 - đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh. Mục tiêu đương nhiên là huy chương, bất kể màu gì để lần thứ ba ghi tên lên bảng vàng chiến thắng. Còn cơ hội là có thật khi được đặt vào những cái tên, những nội dung cụ thể là: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng); Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền (cử tạ); Phan Thị Hà Thanh (Thể dục dụng cụ). Tất nhiên, để biến cơ hội này thành hiện thực thì điều quan trọng nhất là từng tuyển thủ phải vượt qua chính mình.
Và cũng đúng như nhận định này, Thể thao Việt Nam đã biến được giấc mơ thành hiện thực khi mà Olympic Rio mới chỉ qua 1/3 chặng đường. Chỉ có điều khi cái hiện thực ấy đến, nó còn vượt quá cả giấc mơ, tới mức như không tưởng.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chính là chủ nhân của cái điều không tưởng ấy khi anh mang về chức vô địch nội dung 10m súng ngắn hơi nam cùng kỷ lục Olympic mới. Chưa hết, viên Đại tá Quân đội này còn có thêm ngôi á quân nội dung thứ hai mà mình tham dự là 50m súng ngắn tự chọn, nội dung để lại tiếc nuối cho hàng triệu người hâm mộ khi xạ thủ Việt Nam đánh mất tấm ngôi Vương trong những giây cuối quyết định.
Tuy nhiên, với 1 HCV - 1 HCB cùng 1 kỷ lục Olympic, Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử khi trở thành vận động viên Việt Nam giàu thành tích nhất, anh xứng đáng là một tượng đài bằng không chỉ tài năng, ý chí sắt thép mà bằng cả sự tự tin đến bình dị. Quan trọng hơn, thành tích cá nhân xuất sắc này cũng giúp Thể thao Việt Nam mở ra một chương mới trong lịch sử tham dự các đấu trường quốc tế, mở ra những cơ hội tranh chấp cao hơn.
2. Nhưng Xuân Vinh không đến Rio một mình mà còn 22 đại diện xuất sắc khác của cả nền thể thao quốc gia và không khó để nhận ra, sau cái tượng đài lớn mang tên Xuân Vinh là cả một khoảng trống mênh mông.
Tất nhiên, không ai, từ giới chuyên môn đến người hâm mộ thể thao nước nhà "yêu cầu" tất cả các tuyển thủ đều phải... giành huy chương Olympic. Đơn giản, ai cũng cũng hiểu, còn đó một khoảng cách lớn về chuyên môn không dễ san lấp. Nhưng tất cả đều có quyền yêu cầu, các tuyển thủ phải nỗ lực hết sức để trước hết là vượt qua chính mình, trước khi nghĩ đến chuyện chiến thắng các đối thủ. Hoàng Xuân Vinh đã làm được điều đó, nhưng số đông còn lại thì không và trong số đông ấy, không thiếu những thế mạnh, những kỳ vọng huy chương.
Đó là cử tạ khi Vương Thị Huyền với cú run tay ở hạng 48kg nữ, là Thạch Kim Tuấn không thể chạm tới khả năng của chính mình khi chấn thương chưa hồi phục. Đó còn là một Phan Thị Hà Thanh "lặng lẽ" kết thúc phần thi đơn môn Thể dục dụng cụ và kể cả Ánh Viên, nữ kình ngư tài năng với đầy kỳ vọng cũng đánh mất chính mình. Những lời xin lỗi được đưa ra nhanh chóng cùng không ít lý do khách quan lẫn chủ quan, nhưng đều khó chấp nhận bởi Olympic Rio có một quá trình chuẩn bị rất dài và tập trung những nguồn lực quan trọng nhất của cả ngành Thể dục thể thao.
Có kỳ tích, có cả thất bại - Đó chính là thể thao. Olympic Rio 2016 vẫn còn tiếp diễn, nhưng tới lúc này, Thể thao Việt Nam đã có được những bài học quý từ cả thành công lẫn thất bại. Vấn đề là thu được gì qua những bài học ấy mà thôi.