Thế giới những ngày mua sắm cuối năm: Khi người ta chẳng còn mặn mà săn sale, là do "cháy túi" vì lạm phát hay thói quen đã đổi khác?

30/11/2023 19:40 PM | Sống

Thực tế là người tiêu dùng đã quen với việc thắt lưng buộc bụng, ngay cả trong lễ hội mua sắm lớn nhất năm.

Có bao nhiêu thứ trong danh sách cần mua sắm cho kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới sắp tới của bạn? Bạn định vung tiền mua những thứ đắt đỏ hay săn hàng giá hời? Bạn sẽ chi tiêu trong khả năng của mình hay gánh nợ?

Thế giới những ngày mua sắm cuối năm: Khi người ta chẳng còn mặn mà săn sale, là do "cháy túi" vì lạm phát hay thói quen đã đổi khác? - Ảnh 1.

Người mua sắm đi dạo quanh Trung tâm thương mại Twelve Oaks vào ngày 24 tháng 11 năm 2023 ở Novi, bang Michigan (Mỹ).

Hiện có rất nhiều sự chú ý dành cho những câu hỏi kiểu này, vì chúng có thể cung cấp cho các nhà kinh tế và nhà phân tích những thông tin về số tiền mà người tiêu dùng có thể chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ và ý nghĩa của nó đối với triển vọng kinh tế thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Người tiêu dùng đã quen với việc thắt lưng buộc bụng

"Thực tế thì, lượng tiền mua sắm trong kỳ nghỉ của người dân chỉ chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong nền kinh tế nhưng dẫu sao đi nữa, chúng vẫn đóng góp vào tổng chi tiêu của người tiêu dùng", bà Mickey Chadha, phó chủ tịch tài chính doanh nghiệp tại Moody's Investor Services (viết tắt MIS - một công ty xếp hạng rủi ro tín dụng uy tín hàng đầu trên thế giới), đề cập đến dữ liệu chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ.

Ông nói thêm: "Đó cũng là một dấu hiệu báo trước về 'sức khỏe của ngành bán lẻ' vì hầu hết các nhà bán lẻ đều kiếm được phần lớn lợi nhuận trong năm vào mùa mua sắm trước kỳ nghỉ lễ".

Thời điểm thuận lợi, khi nhiều người tiêu dùng có việc làm, người mua hàng dễ dàng bị dụ dỗ chi tiêu hào phóng vào các món quà tặng ngày lễ. Tuy nhiên, trong những thời điểm khó khăn như hiện tại, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người tiêu dùng có nhiều khả năng cắt giảm chi tiêu nói chung và đặc biệt là quà tặng dịp lễ.

Cho đến nay, những dữ liệu về con số chi tiêu trong 2 ngày Black Friday (Thứ Sáu đen tối) và Cyber Monday (Thứ Hai điện tử) cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang rất "mạnh tay".

Thế giới những ngày mua sắm cuối năm: Khi người ta chẳng còn mặn mà săn sale, là do "cháy túi" vì lạm phát hay thói quen đã đổi khác? - Ảnh 2.

Đồ điện tử là một trong những mặt hàng người dân quan tâm trong dịp giảm giá cuối năm.

Adobe Analytics đã báo cáo doanh số bán hàng trực tuyến vào Black Friday đạt kỷ lục 9,8 tỷ USD (gần 238 nghìn tỷ VNĐ), tăng 7,5% so với năm 2022, chưa tính đến lạm phát.

Và đối với Cyber Monday, con số thậm chí còn mạnh hơn cả Black Friday. Cụ thể, người tiêu dùng đã chi 12,4 tỷ USD (hơn 300 nghìn tỷ VNĐ), một con số khổng lồ tăng 9,6% so với năm 2022.

Adobe Analytics cho biết, trong giờ cao điểm, người mua sắm chi 15,7 triệu USD (380 tỷ VNĐ) mỗi phút.

Tuy vậy, năm nay, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng bằng đồng USD trong dịp nghỉ lễ ở Mỹ được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,3% so với mức 6% của năm ngoái. Theo một phân tích từ S&P Global Market Intelligence, tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình 3,9% trước đại dịch Covid-19 và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ được thấy trong những năm gần đây.

Aditya Bhave, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Bank of America, cho biết có lý do chính đáng đằng sau việc tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại. Ông nói, nó chủ yếu nhằm hạ nhiệt lạm phát và giảm phát, điều này đặc biệt rõ ràng ở một số danh mục hàng hóa phổ biến nhất bao gồm đồ chơi, đồ điện tử và may mặc.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Mỹ, được đo bằng Chỉ số giá tiêu dùng, đã giảm xuống 3,2% trong tháng 10 so với 7,7% vào tháng 10 năm ngoái, nhưng thực tế là người tiêu dùng đã quen với việc thắt lưng buộc bụng .

Bằng chứng là, nhiều người có thể trì hoãn việc mua sắm những thứ không cần thiết để có đủ tiền cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và gas, hoặc tìm kiếm những món hàng giảm giá sâu để tiết kiệm tiền.

Bà Mickey Chadha gọi hiệu ứng này là "sự mệt mỏi của lạm phát" và cho biết nó có thể giúp giải thích tại sao tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ năm nay có thể chậm hơn.

Thế giới những ngày mua sắm cuối năm: Khi người ta chẳng còn mặn mà săn sale, là do "cháy túi" vì lạm phát hay thói quen đã đổi khác? - Ảnh 3.

Người tiêu dùng đã quen với việc thắt lưng buộc bụng.

Theo thông tin chi tiết về chi tiêu mà Mastercard, người tiêu dùng đã chi tiêu nhiều hơn 2,5%, chưa điều chỉnh theo lạm phát, khi mua hàng trực tuyến và tại cửa hàng vào Black Friday so với năm ngoái. Nhưng điều đó lại thể hiện sự giảm tốc mạnh so với Black Friday năm 2022 khi mà doanh số bán hàng cao hơn 12% so với Black Friday năm 2021.

Tamara Charm, làm việc tại công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, người đứng đầu trung tâm hiểu biết về người tiêu dùng của công ty, cho biết đó là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế rẻ hơn.

Tại Vương quốc Anh , tờ The Guardian có bài viết nhận định, Black Friday không còn thu hút được người mua sắm ở nước này khi doanh số bán hàng có vẻ "chậm chạp".

Theo phân tích của GlobalData cho Vouchercodes.co.uk, bằng chứng cho thấy doanh số bán hàng chỉ tăng 0,4% so với năm ngoái, đạt 8,7 tỷ bảng Anh (hơn 267 nghìn tỷ VNĐ) từ sáng thứ Sáu đến tối thứ Hai.

Thế giới những ngày mua sắm cuối năm: Khi người ta chẳng còn mặn mà săn sale, là do "cháy túi" vì lạm phát hay thói quen đã đổi khác? - Ảnh 4.

Biển quảng cáo bán hàng vào Black Friday trên Phố Oxford, thủ đô London, Anh.

Không còn là sự kiện diễn ra trong một ngày nữa, đợt giảm giá Black Friday đã bắt đầu từ đầu tháng 11 và kéo dài trong vài tuần, làm dịu đi cảnh chen chúc mua sắm. Việc mua hàng trực tuyến cũng góp phần làm giảm sự phấn khích xung quanh sự kiện này. Ngoài ra, những hạn chế trong việc tiêu tiền giữa bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng là lý do khiến người dân chẳng còn "mặn mà" với Black Friday.

Tạp chí retailtimes.co.uk nhận định, việc nhiều khách hàng lựa chọn phương thức mua ngay, trả tiền sau là một dấu hiệu nữa cho thấy người tiêu dùng đang căng thẳng.

Việc sử dụng phương thức mua trả góp phổ biến - hay còn gọi là mua ngay, trả sau - đã tăng 3% ở châu Âu so với Black Friday của năm 2022. Điều đáng chú ý là giá trị của các đơn đặt hàng đó giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, ngay cả khi người mua sắm thêm nhiều mặt hàng hơn vào các đơn đặt hàng. Kích thước giỏ hàng trung bình - hoặc số lượng mặt hàng trong mỗi đơn hàng - tăng 24%.

Việc khách hàng muốn kết hợp mua cùng lúc nhiều mặt hàng cho mỗi đơn hàng và giá trị của mỗi đơn hàng thấp hơn là dấu hiệu cho thấy khách hàng đang phải chịu áp lực thanh toán trả góp và chấp nhận mua ít hơn. Họ cũng chọn những mặt hàng rẻ hơn khi mua sắm trong kỳ nghỉ.

Úc , các chuyên gia nhận thấy doanh số bán lẻ của nước này bất ngờ sụt giảm trong tháng 10 khi người tiêu dùng cắt giảm mọi thứ trừ thực phẩm. Điều này được cho là do nhiều người đã cố gắng tiết kiệm tiền để tiêu vào đợt giảm giá Black Friday diễn ra trong tháng 11 này.

Thế giới những ngày mua sắm cuối năm: Khi người ta chẳng còn mặn mà săn sale, là do "cháy túi" vì lạm phát hay thói quen đã đổi khác? - Ảnh 5.

Phụ nữ mua quần áo tại một cửa hàng ở khu thương mại trung tâm Sydney (CBD) Australia.

Doanh số bán lẻ của tháng 10 giảm 0,2% so với tháng 9 xuống còn 35,77 tỷ đô la Úc (hơn 576 nghìn tỷ VNĐ), dữ liệu từ Cục Thống kê Úc (ABS) cho thấy hôm 28/11.

"Có vẻ như người tiêu dùng đã nhấn nút 'tạm dừng' một số chi tiêu trong tháng 10 để chờ đợi tận dụng đợt giảm giá vào tháng 11", ông Ben Dorber, người đứng đầu bộ phận thống kê bán lẻ của ABS cho biết.

Thói quen mua sắm đã hoàn toàn thay đổi?

Những thập kỷ trước, người ta đã quá quen với cảnh chen chúc, thậm chí cắm trại vào nửa đêm để mua sắm trong ngày Black Friday. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là năm nay, cảnh tượng ấy gần như đã biến mất. Không còn cảnh hàng dài người xếp hàng trước các trung tâm thương mại và tranh giành đồ giảm giá như trước nữa.

Vì sao vậy?

Nguyên nhân cho sự thưa thớt người đến các trung tâm thương mại được cho là do các nhà bán lẻ đã kéo dài ngày Black Friday thành gần một tuần lễ, thậm chí có một vài nhà bán lẻ còn bắt đầu chương trình giảm giá sớm từ đầu tháng 10 để giảm áp lực mua sắm trong ngày Black Friday. Thêm vào đó, áp lực lạm phát cũng đè nặng lên người tiêu dùng. Theo tờ Fortune, lý do còn là bởi sự gia tăng của mua sắm trực tuyến.

Thế giới những ngày mua sắm cuối năm: Khi người ta chẳng còn mặn mà săn sale, là do "cháy túi" vì lạm phát hay thói quen đã đổi khác? - Ảnh 6.

Ảnh minh họa.

Tạp chí retailtimes.co.uk có bài viết nhận định doanh số bán hàng trên thiết bị di động vào ngày Black Friday tăng vọt ở châu Âu.

Trong khi doanh số bán hàng trên thiết bị di động tăng đều đặn trong nhiều năm vào mùa nghỉ lễ, thì số đơn đặt hàng trên thiết bị di động đã vượt mốc 70% vào ngày Black Friday vừa qua, chiếm 73% số đơn đặt hàng. Theo dữ liệu của Signifyd, doanh số bán hàng trên thiết bị di động đã vượt xa mốc chung của cả mùa, hiện ở mức 70,5%.

Nền kinh tế năm 2024 vẫn có thể khởi sắc?

Các chuyên gia trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN đều đồng ý một điều rằng: Dữ liệu chi tiêu trong kỳ nghỉ - dù tốt hay xấu - không đại diện cho tình trạng của toàn bộ nền kinh tế.

Bà Chedly Louis, phó chủ tịch tài chính doanh nghiệp tại Moody's Investor Services, cho biết: "Đó chỉ là một điểm dữ liệu mà thôi".

Thế giới những ngày mua sắm cuối năm: Khi người ta chẳng còn mặn mà săn sale, là do "cháy túi" vì lạm phát hay thói quen đã đổi khác? - Ảnh 7.

Ảnh minh họa.

Một báo cáo mà bà là đồng tác giả với bà Mickey Chadha dự đoán doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng "khá khiêm tốn từ 1% đến 3%" trong năm nay.

"Nó đặt ra dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ hướng tới trong năm tới", Michael Zdinak, giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết.

Mickey Charm cho biết bà coi dữ liệu bán hàng trong kỳ nghỉ lễ này là "dấu hiệu tốt cho thấy liệu người tiêu dùng có tiếp tục chi tiêu tiết kiệm đối với nhiều loại hàng hóa hay không".

Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng giảm tiếp tục kéo dài đến năm 2024, nhiều nhà kinh tế vẫn không dự đoán về một cuộc suy thoái vào năm tới.

Bhave, nhà kinh tế của Bank of America, cho biết: "Một trong những lý do khiến chúng tôi không có từ 'suy thoái' trong dự báo là vì nhìn chung chúng tôi rất ngạc nhiên trước khả năng phục hồi của người tiêu dùng và chúng tôi kỳ vọng điều đó sẽ tiếp tục".

Nguồn: Tổng hợp

Theo Minh Nhật

Cùng chuyên mục
XEM