Thế giới ‘méo mặt’ vì dầu diesel

16/10/2022 09:26 AM | Xã hội

Cơn khát dầu diesel của Châu Âu đã khiến giá nhiên liệu này tăng vọt từ 24 USD/tấn lên 160 USD/tấn tại một số thời điểm.

Cuộc khủng hoảng dầu diesel còn nghiêm trọng hơn cả nhiên liệu xăng khi chúng làm đình trệ hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng kinh tế.

Theo hãng tin Bloomberg, dầu diesel đang tăng giá chóng mặt trong bối cảnh lạm phát cùng cuộc khủng hoảng nhiên liệu trên thế giới, qua đó ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu.

Như chúng ta đã biết, dầu diesel là nguyên liệu chính cho các xe tải chở hàng, tàu hỏa cũng như thuyền bè phục vụ chuỗi cung ứng trên thế giới. Thế nhưng nguồn cung nhiên liệu này lại đang thiếu hụt trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.

Thế giới ‘méo mặt’ vì dầu diesel - Ảnh 1.

Tại Pháp, cuộc đình công của những lao động ngành lọc dầu trong hơn 3 tuần đòi tăng tăng đã ảnh hưởng nặng đến nguồn cung dầu diesel.

Trên thực tế, toàn bộ khu vực Châu Âu đang gặp khó khăn vì quyết định cấm nhập khẩu xăng dầu từ Nga sắp tới trong khi mùa đông đến gần, còn lạm phát thì khiến cả người dân lẫn các hãng vận tải khốn đốn khi giá nhiên liệu tăng cao.

Tại Mỹ, lượng dự trữ dầu diesel đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982 trước khi mùa đông bắt đầu.

Cung thấp nhưng cầu cao đã khiến Mỹ gây áp lực buộc các hãng xăng dầu hạn chế xuất khẩu nhiên liệu và tăng cường dự trữ, qua đó có thể đẩy giá năng lượng lên cao nữa, một tin chẳng mấy vui vẻ gì với Châu Âu.

“Thị trường đang rất khan hiếm hàng, mức dự trữ dầu diesel của khách hàng đang ở mức cực kỳ thấp. Tôi cũng không biết bây giờ thì kiếm đâu ra thêm nguồn cung được nữa. Dầu diesel là động lực cho các ngành sản xuất và vận tải nên sự thiếu hụt này sẽ làm suy yếu nền kinh tế”, chuyên gia Gary Ross của hãng tư Black Gold Investors nhận định.

Giá trên trời

Hãng tin Bloomberg cho biết đã có thời điểm giá dầu diesel lên cao đến mức 160 USD/tấn. Con số này gây sửng sốt cho nhiều người bởi chúng cao hơn nhiều so với mức chỉ 24 USD/tấn cách đây 1 tháng, qua đó cho thấy cuộc khủng hoảng nghiêm trọng thế nào ở Châu Âu.

Tương tự, thị trường dầu diesel cũng náo nhiệt không kém kể từ cuối tháng 8/2022 khi giá lên cao do nguồn dự trữ tại Mỹ đang xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982 trong bối cảnh mùa đông đang đến.

Thông thường các nguồn cung sẽ dự trữ hàng hóa vào mùa hè để bán ra trong dịp này, nhưng mức giá hấp dẫn tại Châu Âu khiến nhiều hãng chấp nhận xuất khẩu thay vì tích trữ để thu lợi nhuận.

Chính điều này đã buộc chính phủ Mỹ phải vào cuộc khi gây sức ép lên các hãng xăng dầu, yêu cầu họ dự trữ năng lượng và hạn chế xuất khẩu trong tình hình hiện nay.

Thế giới ‘méo mặt’ vì dầu diesel - Ảnh 2.

Tỷ lệ % dầu diesel của Nga được xuất sang Châu Âu (đen) và tỷ lệ dầu diesel mà Châu Âu nhập từ Nga (vàng). Tỷ lệ dầu diesel mà Châu Âu nhập từ Nga đã giảm 41% trong tháng 9/2022

Xin được nhắc lại dầu diesel là động lực cho nền kinh tế toàn cầu. Chúng được dùng cho vận tải, sưởi ấm hoặc nhiên liệu cho sản xuất. Bởi vậy việc dầu diesel tăng giá chóng mặt sẽ khiến mọi thứ từ nhiên liệu sưởi ấm cho đến hàng hóa, dịch vụ thông thường tăng theo.

“Ở tầm kinh tế vĩ mô, giá dầu cao sẽ thúc đẩy lạm phát và làm xói mòn tăng trưởng. Bởi vậy giá dầu diesel đi lên sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người”, chuyên gia Mark Williams của WoodMackenzie nhận định.

Báo động

Theo Bloomberg, tình hình trên là một tín hiệu đáng báo động cho các nền kinh tế lớn tại Châu Âu như Đức, Pháp. Trong tháng trước, lượng dầu diesel mà Châu Âu nhập khẩu từ Nga đã giảm 41% và với những lệnh cấm sắp được áp dụng, nhiều chuyên gia nghi ngại thị trường Châu Âu sẽ kiếm đâu ra nguồn cung mới trong bối cảnh này.

Vào mùa đông, những chiếc thuyền chở dầu từ biển Baltic của Nga sẽ khó xuất cảng nhiều hơn do vướng những khối băng lớn, qua đó cần loại thuyền chuyên chở đặc biệt được gia cố.

Tình hình trở nên tồi tệ đến mức vào cuối tháng 9/2022, Pháp đã phải ngồi xuống đàm phán với công nhân đình công ngành lọc dầu để họ mau chóng trở lại làm việc. Hiện gần 1/3 số trạm đổ xăng tại Pháp đã lâm vào cảnh thiếu nhiên liệu tại một số thời điểm nhất định trong tuần.

Thêm vào đó, ngành điện hạt nhân cũng được Pháp xem xét phát triển trở lại bất chấp những lời cam kết về năng lượng tái tạo hay bảo vệ môi trường trước đây.

Quay trở lại với cuộc đình công tại Pháp, những lời cam kết của chính phủ đã khiến các công nhân nhà máy lọc dầu của Exxon Mobil tại Pháp tạm dừng hoạt động phản đối.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng tình hình thiếu hụt dầu diesel sẽ khó lòng bình ổn nhanh chóng trở lại bởi cần thời gian cho việc vận chuyển, lọc dầu và đưa ra thị trường.

“Thị trường đang rất thiếu dầu diesel. Chúng ta đang có nguy cơ chết cóng khi mùa đông tới gần”, chuyên gia phân tích Helge Andre Martinsen của DNB Bank lo lắng nói.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM