Thế Giới Di Động: Nhận được sự hỗ trợ thiện chí của hầu hết chủ mặt bằng, "ngoại trừ một số rất ít chủ nhà"
Bên cạnh việc đàm phán giảm chi phí mặt bằng, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh còn điều chỉnh giảm thu nhập của nhân viên để giảm thiểu thiệt hại cho cổ đông.
Thế Giới Di Động vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9/2021. Theo đó, doanh thu thuần đạt 8.325 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 333 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu giảm nhẹ còn lợi nhuận tăng 11%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 86.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3.338 tỷ đồng, tăng tương ứng 7% và 12% so với cùng kỳ. Như vậy, Thế Giới Di Động đã hoàn thành 69-70% kế hoạch cả năm.
Thế Giới Di Động cho biết, trong bối cảnh khoảng 60% tổng số điểm bán trên toàn quốc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong tháng 9, hai chuỗi điện thoại điện máy đem về 6.300 tỷ đồng doanh thu, tương đương khôi phục gần 80% doanh số trung bình thời điểm trước dịch.
Doanh thu Thế Giới Di Động hồi phục trong tháng 9, nhưng vẫn ở mức thấp
Về lùm xùm xoay quanh chuyện mặt bằng, theo Thế Giới Di Động, tại những địa phương siết chặt giãn cách xã hội, hầu hết các cửa hàng phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng đều ghi nhận lỗ và chi phí vận hành của hệ thống được gánh vác bởi các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. "Để giảm thiểu thiệt hại cho cổ đông, ngoài việc điều chỉnh giảm thu nhập của nhân viên, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã trao đổi và nhận được sự hỗ trợ thiện chí của hầu hết chủ mặt bằng, ngoại trừ một số rất ít chủ nhà", Thế Giới Di Động cho biết.
Máy tính xách tay (laptop) tăng trưởng vượt bậc do hưởng lợi từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch. Trong tháng 9, ngành hàng này ghi nhận sản lượng bán ra hơn 50 nghìn sản phẩm và doanh thu gần 1.000 tỷ đồng (tăng 128% so với tháng 9/2020). Lũy kế 9 tháng, Thế Giới Di Động ước tính chiếm khoảng 40% thị phần bán lẻ laptop, với doanh số gần 3.300 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Với 601 cửa hàng tại thời điểm 30/9/2021, chuỗi Điện Máy Xanh Supermini đóng góp hơn 4.400 tỷ đồng doanh thu lũy kế và chiếm gần 12% doanh thu của chuỗi Điện Máy Xanh. Công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ mở mới trong quý 4 để đạt mốc 800 cửa hàng vào cuối năm.
Từ 2 điểm bán thử nghiệm vào tháng 4/2021 tại TPHCM, Công ty đã có 43 cửa hàng Điện Máy Xanh kinh doanh xe đạp cuối tháng 9 và dự kiến nâng lên 150 điểm bán trên toàn quốc vào cuối năm. Việc các cửa hàng Điện Máy Xanh tận dụng phần diện tích sân trước để kinh doanh xe đạp dự kiến giúp mỗi cửa hàng tăng thêm 800 triệu – 1 tỷ đồng doanh thu/ tháng khi đi vào hoạt động ổn định mà không phát sinh thêm chi phí vận hành đáng kể. Quy mô thị trường này ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm và đang có xu hướng tăng lên khi nhu cầu vận động nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng lớn sau đại dịch.
Mới đây, Thế Giới Di Động đã cho ra đời chuỗi Topzone, là chuỗi cửa hàng ủy quyền chuyên bán sản phẩm Apple cao cấp tại Việt Nam, bao gồm đầy đủ và đa dạng các sản phẩm trong hệ sinh thái Apple như iPhone, iPad, Apple Watch, Macbook và các phụ kiện chính hãng.
Topzone có 2 mô hình cửa hàng là Apple Authorized Reseller - AAR với diện tích từ 100-120m2 tích hợp bên cạnh cửa hàng Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (khai trương trong tháng 10/2021) và Apple Premium Reseller – APR là các cửa hàng độc lập với quy mô lớn hơn từ 180-220m2 (dự kiến khai trương trong tháng 12/2021).
Doanh thu dự kiến cho mỗi cửa hàng AAR là 2-3 tỷ đồng/tháng và mỗi cửa hàng APR là 8-10 tỷ đồng/tháng. Các cửa hàng được đầu tư và vận hành theo tiêu chuẩn cao cấp của Apple, từ thiết kế, sản phẩm kinh doanh đến nhân sự được trang bị kiến thức sản phẩm và kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp như mô hình Apple store trên toàn cầu.
Thế Giới Di Động đặt kế hoạch mở 50-60 cửa hàng Topzone từ nay đến hết quý 1/2022 để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ sản phẩm Apple và tiếp tục gia tăng thị phần bán lẻ điện thoại nói chung tại Việt Nam.
Doanh thu Bách Hóa Xanh giảm sâu, xuống thấp hơn cả chuỗi điện thoại
Tại chuỗi Bách Hóa Xanh, công ty ghi nhận doanh thu lũy kế hơn 22.600 tỷ đồng, tăng 50% so với 9 tháng 2020. Trong suốt tháng 9, dưới tác động của việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" tại một số tỉnh thành, hơn 40% trên tổng số 1.934 điểm bán của Bách Hóa Xanh không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp tại cửa hàng và 42 điểm bán phải đóng cửa do nằm trong khu vực phong tỏa.
Thực phẩm được cung ứng cho người dân qua phương thức "đi chợ hộ" hoặc đội ngũ giao hàng. Mặc dù đã nhanh chóng ứng dụng giải pháp công nghệ, BHX chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng tại những khu vực bị hạn chế này.
Do đó, doanh thu Bach Hóa Xanh trong tháng 9 chỉ đạt dưới 2.000 tỷ đồng, giảm sâu so với tháng 7 và tháng 8, thấp nhất kể từ tháng Tết đầu năm.
Sau khi Tp.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều cuộc di chuyển lớn của người dân từ các "thủ phủ công nghiệp" về quê sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Công ty trong thời gian tới do đây là những thị trường trọng yếu và đang đóng góp gần 50% doanh thu của chuỗi Bách Hóa Xanh. Tuy vậy, sức mua dự kiến sẽ dần hồi phục khi các địa phương này kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất – kinh doanh và người lao động yên tâm quay lại làm việc trong thời kỳ "bình thường mới".
Tại ngày 30/09/2021, An Khang có 119 nhà thuốc đang hoạt động. Doanh thu lũy kế của An Khang gấp 5 lần so với 9 tháng đầu năm 2020.