Thế giới đang ra sao trong mắt Gen Z và Millennial?
Kết quả khảo sát hơn 23.000 người thuộc thế hệ Z và Y từ 46 quốc gia của Deloitte đã phần nào phản ánh những góc nhìn của giới trẻ về thời đại.
Vật lộn với chi phí sinh hoạt và tài chính
Những lo lắng không ngừng về chi phí sinh hoạt trong giới trẻ có thể là “một triệu chứng của thời đại”, theo khảo sát mới đây của Deloitte. Đồng thời, thực trạng này cũng nói lên một vấn đề sâu xa hơn: giới trẻ không còn cảm thấy an toàn về mặt tài chính, và đặc biệt lo ngại về bất bình đẳng giàu nghèo.
Cụ thể, 29% Gen Z và 36% Millennials cho rằng chi phí sinh hoạt (nhà ở, phương tiện đi lại, các hóa đơn…) là mối bận tâm lớn nhất. Gần một nửa bạn trẻ Gen Z và Gen Y đang phải sống thiếu trước hụt sau và thắt lưng buộc bụng để trang trải các khoản chi phí. Một phần tư trong số họ không chắc sẽ có một cuộc sống hưu trí thoải mái.
Để tăng thêm thu nhập, ngày càng nhiều Gen Z và Millennial đi làm thêm, hoặc làm hai công việc một lúc. Khảo sát chỉ ra có tới 43% Gen Z và 33% Millennial có công việc bán thời gian hoặc toàn thời gian thứ hai, bên cạnh công việc chính.
Đáng nói, công việc phụ đang đem lại nhiều giá trị hơn chỉ đơn thuần là tăng thu nhập, như được trau dồi các kỹ năng mới hoặc nuôi dưỡng những ý tưởng kinh doanh. Bán hàng/cung cấp dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến, tư vấn, điều hành kinh doanh riêng, hoặc làm KOL là những công việc bán thời gian được ưa thích nhất.
Sức khỏe tinh thần ngày càng xuống cấp
Căng thẳng và lo lắng đang trở thành vấn đề sức khỏe dai dẳng của thế hệ trẻ. Gần một nửa số người nói rằng họ luôn cảm thấy căng thẳng. Mặc dù có giảm nhẹ so với năm ngoái, mức độ căng thẳng hàng năm của nhóm này vẫn cao.
Điều đáng báo động là tình trạng kiệt sức đang ở mức rất cao ở cả hai thế hệ. Có tới 46% Gen Z và 45% Gen Y cảm thấy kiệt sức do cường độ và nhu cầu của môi trường làm việc. Gần một nửa số họ đã phải rời bỏ công ty do khối lượng công việc quá áp lực.
Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng quan tâm đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của nhân viên ở nơi làm việc. Hơn một nửa đồng ý rằng họ hạnh phúc tại nơi làm việc và sức khỏe tinh thần đã được quan tâm hơn kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Trào lưu bỏ việc (The Great Resignation)
Theo nghiên cứu, xu hướng nhảy việc trong giới trẻ đang và sẽ tiếp diễn trong tương lai. Cứ 10 người thì 4 người thuộc thế hệ Gen Z muốn bỏ công việc hiện tại trong vòng 2 năm , thậm chí có tới 30% sẽ bỏ việc trước khi có công việc mới. Con số này ở thế hệ Millennial là khoảng 25%.
Lương là lý do số một khiến thế hệ Z và Millennials rời bỏ công việc trong hai năm qua. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của họ khi lựa chọn các nhà tuyển dụng lại là sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống - cơ hội học tập/phát triển.
Tiêu chí “phù hợp với giá trị bản thân” cũng trở thành yếu tố quan trọng khi tìm việc của Gen Z và Millennial. 40% trong số họ cho biết đã từ chối công việc hoặc nhiệm vụ vì nó “không phù hợp với giá trị”. Những công ty có tác động xã hội tích cực, môi trường văn hóa đa dạng và gắn kết có thể khiến các bạn trẻ gắn bó lâu hơn 5 năm.
Bên cạnh đó, nhu cầu làm việc linh hoạt của thế hệ này cũng trở nên rõ ràng hơn. 49% thế hệ Z và 45% thế hệ Millennial muốn được làm việc từ xa vài lần trong tuần, trong khi 3/4 cho rằng đây sẽ là phương thức làm việc ưa thích của họ. Lời giải thích cho xu hướng này là: tiết kiệm tiền, dành thời gian làm những việc ưa thích, hoặc dành thời gian cho gia đình.
“Cuộc sống quá ngắn ngủi để phải làm những việc mà bạn không thích. Tôi muốn một việc gì đó có thể tạo ra khác biệt cho cuộc sống của mọi người, không phải chỉ là một quản trị viên hay công việc mang tính lý thuyết…” Matt, đại sứ diễn đàn Một Thế giới Trẻ (OYW) cho biết.
Ưu thích các lựa chọn bền vững và hành động vì môi trường
Bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu của Gen Z và Millennial. Khoảng 3/4 số người được hỏi tin rằng thế giới đang ở thời khắc quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng đa số vẫn không tin rằng các nỗ lực hiện tại có thể thành công.
Tuy vậy, 90% số người được hỏi cho biết đang làm điều gì đó để giảm tác động của chính họ đối với môi trường. Ví dụ như việc 64% số người được hỏi sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có những lựa chọn bền vững.
Chỉ 18% Gen Z và 16% Gen Y tin rằng các công ty của họ cam kết mạnh mẽ trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Họ mong muốn các doanh nghiệp và công ty thực hiện các hành động thiết thực hơn, như cấm đồ nhựa sử dụng một lần, hay đào tạo để giúp mọi người đưa ra các quyết định tốt hơn về môi trường.