Thế giới đang đối mặt với một quả bom hẹn giờ phá sản

21/07/2020 20:07 PM | Kinh doanh

Mỹ sẽ là nơi có tỷ lệ phá sản cao nhất thế giới, tăng 57% so với năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, theo nghiên cứu của công ty bảo hiểm thương mại Euler Hermes.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang trong cuộc chạy đua bơm tiền trợ giúp các công ty phục hồi sau đại dịch. Nhưng chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến một làn sóng các công ty bên bờ vực phá sản như hiện nay. Theo nghiên cứu của công ty bảo hiểm thương mại Euler Hermes của Mỹ, số lượng công ty nộp đơn phá sản trên thế sẽ tăng tới hơn 30%.

Báo cáo của Euler Hermes nhận định “Covid-19 đang tạo ra một quả bom hẹn giờ với các doanh nghiệp toàn cầu bởi nhiều trong số đó đang tiến dần mất khả năng thanh toán”. Công ty này dự báo số doanh nghiệp phá sản trong năm 2020 trên thế giới sẽ tăng 35% so với năm 2019.

Euler Hermes (EH) là công ty chuyên cung cấp bảo hiểm cho các giao dịch tài chính. EH nhận định thế giới sẽ chứng kiến kỷ lục về tỷ lệ doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, hơn nửa số quốc gia trên thế giới ghi nhận tỷ lệ mất thanh toán cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009.

Mỹ sẽ là nơi có tỷ lệ phá sản cao nhất thế giới, tăng 57% so với năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Con số này ở Brazil, Anh, Tây Ban Nha và Trung Quốc lần lượt là 45%, 43%, 41% và 20%.

Tại Mỹ, làn sóng Covid-19 lây lan nhanh chóng tác động mạnh tới các hoạt động của nhiều công ty, khiến các công ty rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia nhận định kinh tế Mỹ khó có thể phục hồi theo hình chữ U và cũng không thể ngăn được tình trạng nợ doanh nghiệp gia tăng trong năm 2021.

Tình trạng mất khả năng thanh toán của một công ty có thể kéo theo rất nhiều công ty khác do mất khách hàng, không được thanh toán hay buộc phải tìm nhà cung cấp khác với giá cao hơn. Bởi vậy, EH nhận định “quy mô kinh doanh của công ty nộp đơn xin phá sản càng lớn thì khả năng gây ra tình trạng domino càng cao”.

Và nếu như chính phủ các nước sớm chấm dứt chính sách hỗ trợ kinh tế thì tỷ lệ phá sản có thể tăng tới 40-45%. Còn trong trường hợp kinh tế toàn cầu mất nhiều thời gian hơn để hồi phục, tỷ lệ này thậm chí còn lên tới 85-95%.

Ngọc Trang

Cùng chuyên mục
XEM