Thế giới chuyển "trạng thái online" vì dịch bệnh Covid-19: Người người "tự cách ly", mua sắm, làm việc đều qua mạng để bảo vệ sức khỏe và thắt chặt tình cảm gia đình
Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến toàn thế giới thay đổi cách sống mới và cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, thay đổi cách con người giao tiếp với nhau. Thế giới đang hoạt động trực tuyến hơn bao giờ hết từ dạy học, làm việc cho tới các hoạt động vui chơi, giải trí...
Hàng triệu người dân trên toàn thế giới đang dần chấp nhận cuộc sống tự cách ly với bốn bức tường hoặc ở trong khu phố suốt nhiều tuần trước bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực chiến đấu để giảm sự lây lan của dịch covid-19.
Do tác động của dịch COVID-19, hầu hết các trường học và trung tâm giáo dục đều đóng cửa. Do vậy, xu hướng dạy học trực tuyến đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Sha Jie, một học sinh tiểu học 10 tuổi, sống tại Thượng Hải với bố mẹ và bà ngoại. Cậu đăng kí tham gia một lớp học tiếng Trung trực tuyến trên màn hình tivi tại bàn bếp của căn hộ rộng 70 mét vuông: "Cháu học bài, vẽ và xem phim tại nhà. Cháu đi ra ngoài nhiều nhất một lần mỗi ngày, và chỉ quanh quẩn trong khu phố gần nhà. Bố mẹ cháu dặn phải đeo khẩu trang nếu ra ngoài và rửa tay cẩn thận sau khi trở về nhà.”
Khi được hỏi cậu bé muốn làm gì nhất khi cuộc sống trở lại bình thường, Sha Jie mong muốn được “đi chơi với bạn bè giống như trước kia.”
Tại Milan, Lavinia Tomassini 14 tuổi cũng đang theo học các lớp trực tuyến tại nhà. "Cháu thức dậy muộn hơn và cũng đi ngủ muộn hơn bình thường. Khả năng tập trung vào bài giảng của cháu cũng kém hơn khi cháu học ở nhà. Cháu hy vọng tất cả những điều này sẽ chấm dứt sớm. Cháu mong muốn có thể ra ngoài chơi mà không lo bị bệnh”.
Thay vì livestream, giáo viên khiêu vũ Alessia Mauri, 34 tuổi, sống ở Milan, đã ghi lại những bài học mà học sinh của cô có thể xem và theo dõi tại nhà. "Tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi hướng dẫn các bài học khiêu vũ cụ thể bằng việc ghi hình lại. Sau đó, học sinh của tôi sẽ có những video để học tại nhà và giúp họ tiếp tục tập luyện."
Tại thủ đô Venezuela, Ana Pereira, 51 tuổi, sống một mình với một chú chó và một chú mèo. Cô thường ngồi trước máy tính để đi dã ngoại ảo với bạn bè, vì họ thực sự không thể gặp nhau như cách họ đã làm hàng tuần. Khi được hỏi điều đầu tiên cô ấy muốn là gì khi cuộc sống trở lại bình thường, cô nói, "một cái ôm".
Tại Hoa Kỳ, cũng như ở các quốc gia khác bị virus tấn công, Tiến sĩ William Jason Sulaka sống tại bang Michigan đã tiến hành các hoạt động khám bệnh và tư vấn trực tuyến để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus: “Mặc dù bị hạn chế việc tự do đi lại nhưng tôi có thể đảm bảo sức khỏe cho những người thân bên cạnh tôi.”
Việc một số công ty đóng cửa và cho phép làm việc tại nhà thông qua các hình thức trực tuyến đã giúp chúng ta dành nhiều thời gian hơn với gia đình điều mà mọi người thường hay bỏ qua trước đây.
Dino Lin, 40 tuổi, làm việc trong một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở miền trung Trung Quốc. Sau khi dịch bệnh lan rộng ở nước này, anh đã quyết định tạm nghỉ việc và dành thời gian ở nhà chăm sóc gia đình nhỏ của mình.
"Chúng tôi quyết định ở nhà mặc dù không bị buộc phải nghỉ việc. Nhưng tôi tin đó là cách tốt nhất để giữ cho gia đình tôi khỏi việc lây nhiễm virus. Chúng tôi ở trong nhà cả nhà, chỉ thỉnh thoảng đi xuống cầu thang để lấy thực phẩm. Tôi có nhiều thời gian dành cho con gái và vợ hơn. Hằng ngày tôi cùng con gái làm bài tập tiếng Anh, đọc sách, xem phim hoạt hình, chơi đàn. Tôi cảm thấy gia đình mình trở nên gắn kết hơn bao giờ hết”.
Đối với các ban nhạc trên thế giới, các chương trình biểu diễn hầu như đều bị hủy bỏ. Không thể biểu diễn trước mặt các fan hâm mộ, giới ca nhạc sĩ đang có xu hướng mang các buổi biểu diễn tới công chúng bằng hình thức phát trực tiếp. Nhóm 2second từ Bắc Kinh, Trung Quốc đã thu âm biểu diễn và phát trực tiếp trên mạng xã hội để phục vụ người hâm mộ.
"Tôi thấy giai đoạn này là con dao hai lưỡi. Mặc dù một số kế hoạch biểu diễn đã bị hoãn lại, nhưng nó đã cho chúng tôi thêm thời gian để bình tâm và suy ngẫm về công việc, giá trị của sức khỏe và việc duy trì các kết nối xã hội, ca sĩ Zhang Cheng, 30 tuổi, nói.
Tại Việt Nam, cuộc sống "trực tuyến" cũng đang trở thành xu hướng khi mà nỗi lo ngại về dịch bệnh đã khiến hầu hết trường học đóng cửa, các hoạt động vui chơi giải trí, tụ tập đông người được hạn chế.
Sau một thời gian tạm nghỉ vì dịch bệnh, nhiều trường học đã nhanh nhạy ứng dụng công nghệ vào việc tổ chức các lớp học trực tuyến, đảm bảo tiến độ học tập cho học sinh. Các chương trình ôn luyện kiến thức cho học sinh cũng đang được đẩy mạnh trên các chương trình truyền hình.
Bên cạnh đó, trong khi nhiều doanh nghiệp chao đảo vì dịch bệnh thì sàn thương mại điện tử đang hoạt động tốt và chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ. Nếu như trước kia các khu mua sắm, các hệ thống siêu thị luôn tiếp nhận một lượng lớn khách hàng, thì hơn một tháng qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi thói quen này. Nhiều người dân đã bắt đầu ưu tiêu hình thức mua sắm trực tuyến thay vì tới các siêu thị hay chợ thông thường.