Thế giới chưa bao giờ sản xuất được Vaccine chống dịch Sars hay Mers, vậy lần này với Covid-19 thì sao?
"Kể cả khi mọi thứ diễn ra hoàn hảo với các nguồn lực tập trung vào đây, tôi vẫn cho rằng chúng ta phải mất vài năm mới cho ra thị trường được Vaccine mới", Giáo sư Allen Cheng của trường đại học Monash-Australia tuyên bố.
Đã 17 năm trôi qua kể từ ngày đại dịch Sars bùng phát và cũng đã 7 năm kể từ ngày dịch cúm Trung Đông (Mers) xuất hiện, các nhà khoa học trên thế giới chưa từng tìm được Vaccine hiệu quả cho 2 loại dịch này dù đã có phác đồ điều trị.
Hiện nay, khi gần 80.000 người trên thế giới nhiễm Corona và hơn 2.000 người thiệt hại vì Covid-19, các nhà khoa học đang chạy đua để tìm ra Vaccine phòng chống bệnh bởi đây là loại virus rất dễ lây lan. Dẫu vậy, câu hỏi đặt ra là liệu họ có thành công khi chưa từng tìm ra Vaccine cho 2 đại dịch trước đây.
Mặc dù tình hình hiện nay khá nghiêm trọng nhưng việc phát triển Vaccine cần thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm trước khi chính thức đưa vào sử dụng. Điều trớ trêu là việc cách ly khiến tình hình kinh tế, giao thông đình trệ ở Trung Quốc khiến nhiều dự án nghiên cứu gặp khó khăn.
Ngoài ra, Giám đốc Michael Osterholm của Trung tâm nghiên cứu chính sách và dịch bệnh truyền nhiễm (CIDRP) cho biết việc phát triển Vaccine rất tốn kém. Con số có thể lên đến 1 tỷ USD với hàng loạt quy trình cấp bản quyền, thí nghiệm trên người cùng những tiêu chuẩn khắt khe khác. Đó là chưa kể tiêu chuẩn về phòng thí nghiệm có thể phát triển Vaccine mới cũng khiến chính phủ phải tốn thêm rất nhiều tiền để đầu tư máy móc, nhân lực.
Vào năm 2003, các nhà khoa học phải mất 4 tháng mới tổng hợp được bộ gen của virus Sars qua đó thử nghiệm Vaccine lên động vật. Trường hợp thí nghiệm lên cơ thể người đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 12/2004, nhưng khi đó đỉnh điểm của đại dịch đã hết và các trung tâm nghiên cứu chuyển hướng sự ưu tiên của mình sang những loại Vaccine khác. Hệ quả là cho đến nay Vaccine phòng Sars vẫn chưa thực sự xuất hiện trên thị trường.
Tình hình hiện nay có vẻ tốt hơn khi các nhà khoa học nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề và tập trung mọi nguồn lực để phát triển Vaccine chống Covid-19. Bộ gen của virus Corona đã được các nhà khoa học nghiên cứu, tổng hợp sơ bộ và lan truyền trong cộng đồng khoa học từ ngày 10/1/2020, trước khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố loại dịch này có thể lây lan từ người sang người vào ngày 21/1/2020.
Với áp lực tăng trưởng cũng như việc trì hoãn toàn bộ nền kinh tế, chính quyền Bắc Kinh đang đầu tư rất lớn cho nghiên cứu Vaccine và sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực cần thiết để các nhà khoa học cho ra được thành quả sớm nhất.
"Kể từ khi đội nghiên cứu đặc biệt được thành lập, việc nghiên cứu Vaccine chống Covid-19 được đặt lên thành ưu tiên hàng đầu và chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực có thể trên cả nước để có những bước đột phá trong việc sản xuất Vaccine", Giám đốc Zhang Xinmin của Trung tâm phát triển sinh học quốc gia Trung Quốc (CNCBD) cho biết vào ngày 15/2/2020.
Ngoài ra, rất nhiều tổ chức và doanh nghiệp trên toàn cầu cũng đang đổ tài nguyên tìm kiếm Vaccine chống Covid-19 khi loại dịch này rất dễ lây lan.
Cần vài năm mới sản xuất hàng loạt được Vaccine
Chỉ chưa đầy 2 tháng kể từ khi bộ gen của Covid-19 được xác nhận vào ngày 7/1/2020, rất nhiều trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu đã bắt đầu việc phát triển Vaccine cũng như thử nghiệm trên động vật.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện đã có 5 trung tâm đạt đến giai đoạn tiền lâm sàng, nghĩa là đã nuôi cấy được các tế bào nhiễm bệnh và bắt đầu thử nghiệm trên động vật để xem chúng có tổng hợp được kháng thể làm Vaccine hay không.
Trung tâm Moderna cho biết họ sẽ bắt đầu thử nghiệm Vaccine chống Covid-19 trên cơ thể người từ tháng 4/2020 trong khi khi đội nghiên cứu từ Trường đại học ICL-Anh hy vọng rằng có có thể thử nghiệm trên con người từ mùa hè năm nay.
Phía Trung Quốc cho biết họ sẽ bắt đầu thử nghiệm Vaccine trên cơ thể người từ giữa hay cuối tháng 4/2020. Dù đã hết sức cố gắng nhưng thế giới có lẽ phải chờ thêm gần 2 tháng nữa mới có Vaccine cho loại dịch dễ lây lan này.
Đây đã là tốc độ nhanh nhất mà các nhà khoa học có thể thực hiện. Trước đây, để đi từ việc phát hiện mã gen cho tới thử nghiệm Vaccine lâm sàng thường tốn đến vài năm. Phía WHO cho biết trong số 33 dự án phát triển Vaccine chống dịch Sars năm 2003, chỉ có 2 dự án là đạt đến giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người, số còn lại đã bị đình chỉ hoàn toàn do không còn được ưu tiên cấp vốn.
Đối với dịch Mers, chỉ khoảng 3/48 dự án Vaccine là đến được giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.
Trước báo giới, WHO cho biết cần ít nhất 18 tháng nữa mới có thể sản xuất Vaccine hàng loạt ra thị trường bởi chúng tốn thời gian nghiên cứu, đảm bảo an toàn, phát triển dây chuyền sản xuất… Đại diện của WHO cũng hy vọng việc thử nghiệm Vaccine lên cơ thể người sẽ được tiến hành trong 3-4 tháng tới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các quan chức đang kỳ vọng thái quá vào thời gian phát triển Vaccine bởi công trình này sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn để có thể đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả chống dịch, qua đó có thể kéo dài thời gian cho ra thành quả.
Theo Giáo sư Allen Cheng của trường đại học Monash-Australia, việc sản xuất Vaccine không đơn giản như việc chế tạo một chai đồ uống hương vị mới. Đầu tiên, họ cần tìm những kháng thể tiềm năng đảm bảo an toàn và có khả năng sản xuất hàng loạt.
Sau đó các chuyên gia phải thử chúng trên cơ thể động vật nhiều lần nhằm nghiên cứu triệt để những phản ứng phụ. Thế rồi họ phải thử trên cơ thể người và tốn rất nhiều thời gian xem xét chờ kết quả cũng như đảm bảo chắc chắn rằng Vaccine mới sẽ không gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm.
Chưa hết, sau khi đã có thành quả, các nhà khoa học phải tốn thời gian chứng minh, rồi đăng ký bản quyền, làm việc với các cơ quan luật pháp, với doanh nghiệp để có thể sản xuất hàng loạt. Thông thường, cả quá trình này sẽ phải tốn ít nhất 10 năm.
"Kể cả khi mọi thứ diễn ra hoàn hảo với các nguồn lực tập trung vào đây, tôi vẫn cho rằng chúng ta phải mất vài năm mới cho ra thị trường được Vaccine mới", Giáo sư Cheng tuyên bố.
Lần này sẽ khác?
Vaccine đầu tiên chống dịch Ebola mới được chấp thuận đưa vào sản xuất vào tháng 12/2019, nghĩa là 5 năm sau khi đại dịch này bùng phát. Việc tốn rất nhiều thời gian cho thử nghiệm và giấy tờ, kiểm duyệt khiến các nhà khoa học không thể đưa chúng ra thị trường quá nhanh được.
Chuyên gia Amesh Adalja của Trung tâm bảo vệ sức khỏe Johns Hopkins cho rằng dù là kịch bản tốt nhất thì Vaccine mới cũng phải chờ ít nhất 1 năm. Đồng quan điểm, Giáo sư Peter Smith của WHO cũng cho rằng việc thử nghiệm Vaccine trên người sẽ không thể chấm dứt trong năm nay để chuyển sang giai đoạn xin cấp phép.
Hiện rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao chính phủ lại không nhanh chóng đổ tiền hoàn thiện Vaccine mà để phí như vậy. Câu trả lời có lẽ nằm ở lợi nhuận và mục đích chính trị. Khi đỉnh điểm của dịch đã qua, các doanh nghiệp cảm thấy không còn lợi nhuận khi tiếp tục phát triển Vaccine và họ ngừng đổ tiền.
Đối với chính phủ, việc rót vốn và đổ nhân lực vào một dự án không còn gây được tiếng vang trong cộng đồng quá phí phạm nên phần lớn những dự án Vaccine của Sars và Mers đều bị bỏ dở.
Giám đốc Osterholm của CIDRP cho biết các cơ sở nghiên cứu Vaccine phải đạt tiêu chuẩn mới có thể thực hiện và chúng tốn khoảng 500-700 triệu USD để xây dựng, thông thường mất khoảng vài năm để hoàn thiện những cơ sở này.
Dẫu vậy, với tình hình Covid-19 lây lan nhanh và mạnh như hiện nay, có thể mọi chuyện sẽ khác khi số lượng người nhiễm bệnh ngày một lớn.