Thầy Tây mất việc, thu nhập giảm 90%, phải bán tư trang sống qua mùa dịch

10/06/2021 08:07 AM | Kinh doanh

'Tôi đã nợ tiền thuê nhà 2 tháng nay, cũng may cô chủ nhà người Việt rất dễ mến nên tôi vẫn còn nơi để ở' - anh J.Robert, giáo viên tại 1 trung tâm ngoại ngữ chia sẻ.

Dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 khiến cả nước căng mình chống dịch, học sinh tạm dừng đến trường, các trung tâm ngoại ngữ tin học cũng tạm “cửa đóng then cài”. Trong tình thế này, nhiều giáo viên nước ngoài lâm vào cảnh thất nghiệp bất đắc dĩ, không có thu nhập trong khi những chi phí hàng tháng như tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt vẫn phải trả đều đặn khiến họ gặp không ít khó khăn.

Anh J.Robert (người Anh) hiện đang cư trú tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), sang Việt Nam từ đầu năm 2019.

“Tôi là người yêu thích du lịch, thích khám khá những mảnh đất mới, tôi chọn đến Việt Nam sau chuyến du lịch với bạn bè. Việt Nam là đất nước xinh đẹp với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, món ăn cũng rất đa dạng, giá cả lại rẻ nên tôi quyết định ở lại đây một thời gian.

Đến Việt Nam tôi trở thành giáo viên tại trung tâm tiếng Anh có tiếng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Trước kia khi dịch bệnh chưa ập đến tôi thường đi dạy buổi tối và cuối tuần còn những ngày thường tôi dùng tiền đi dạy để khám phá Hà Nội và những vùng đất xung quanh”, anh J.Robert nói.

Thầy Tây mất việc, thu nhập giảm 90%, phải bán tư trang sống qua mùa dịch - Ảnh 1.
Thầy Robert dạy online mùa dịch (*nhân vật giấu mặt vì lý do riêng).

Tết 2020 là năm đầu tiên anh Robert đón Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Với anh, đó là những trải nghiệm vô cùng thú vị nhưng niềm vui không được lâu thì học sinh cả nước nghỉ học khiến anh cũng lâm cảnh thất nghiệp. Và đến giờ khi học sinh tiếp tục dừng đến trường, Robert và nhiều đồng nghiệp của anh lâm vào cảnh khó khăn.

“Học sinh nghỉ học, trung tâm đóng cửa hơn một tháng nay, đây đã là đợt thứ 4 rồi, nghỉ dạy đồng nghĩa với không có lương từ việc dạy học, tôi “bỗng dưng” trở nên nghèo. Nhiều bạn bè của tôi đang sống ở Hà Nội cũng gặp tình trạng giống tôi, họ cũng không có lương vì không được đi dạy.

Tôi đã nợ tiền thuê nhà 2 tháng nay, cũng may cô chủ nhà người Việt rất dễ mến nên tôi vẫn còn nơi để ở. Tuần trước, tôi phải bán thanh lý cả chiếc thắt lưng da, chiếc túi đựng máy tính mà mình yêu thích… nói chung bán hết những gì có thể bán để tạm thời lấy tiền trang trải cuộc sống.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và không biết khi nào mới dừng lại, vậy nên mấy hôm nay tôi được người bạn ở Việt Nam giới thiệu làm ở lĩnh vực dịch thuật và dạy thêm online tại nhà cho học sinh với hi vọng kiếm thêm được chút tiền trang trải cho cuộc sống những ngày tới”, anh Robert nói.

Anh Robert tâm sự, vất vả nhất của dạy online là làm sao để học sinh duy trì tập trung vào bài vở, nhất là những bạn học sinh nhỏ tuổi. Nếu như dạy trực tiếp giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau bằng nhiều hoạt động thì trên môi trường dạy online khó lòng thực hiện. Chưa kể đường truyền, thiết bị không ổn định nữa, lương quá thấp khiến thầy cũng oải.

“Nếu dạy ở trung tâm, một ca dạy tôi có thể kiếm 800 nghìn tới 1 triệu đồng/2 tiếng thì hiện nay dạy online tôi chỉ kiếm được 150.000 đồng/2 tiếng dạy. Nhưng biết làm sao được, kiếm thêm một chút còn hơn không kiếm được đồng nào.

Tôi cũng dự định về Anh nhưng hiện nay chưa thể về được, chỉ hi vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để tôi có động lực tiếp tục gắn bó với cuộc sống ở đây”, anh Robert cho hay.

Đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều vấn đề khó khăn cho người dân toàn thế giới. Dù khó khăn, chật vật để duy trì cuộc sống ở Việt Nam nhưng anh Robert tin tưởng và hy vọng vào một tương lai rất gần dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được khống chế, để cuộc sống người dân trở lại bình thường và anh lại được quay lại trung tâm dạy học.

Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM