'Thay máu' tập đoàn nhà nước: Cố 1 tý có 2,5 tỷ USD
Đồng vốn các DNNN sử dụng có hiệu quả còn thấp so với các nguồn vốn đầu tư tư nhân và thấp hơn nhiều so với đầu tư từ nước ngoài.
“Tổng giá trị tài sản của các DNNN là hơn 5 triệu tỷ đồng. Nếu cải thiện được hiệu quả thêm một điểm phần trăm, thì khối tài sản này tạo giá trị tăng thêm khoảng 2,5 tỷ USD”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tính toán.
Vì thế, việc thay đổi cách quản lý vốn nhà nước với mô hình siêu ủy ban quản lý vốn được xem là cần thiết như một đợt 'thay máu'.
Phải làm tiền “đẻ” ra tiền
Thời gian gần đây, câu chuyện về quản lý vốn nhà nước do các “ông lớn” nhà nước nắm giữ tiếp tục được hâm nóng với chủ trương thành lập một “siêu ủy ban”.
Hiện nay, đồng vốn các DNNN sử dụng có hiệu quả còn thấp so với các nguồn vốn đầu tư tư nhân và thấp hơn nhiều so với đầu tư từ nước ngoài.
Dẫn số liệu của Tổng cục thống kê, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: DNNN, bao gồm cả DN cổ phần chi phối của Nhà nước chiếm 32% nguồn vốn kinh doanh, 39% tài sản cố định và đầu tư dài hạn. Thế nhưng chỉ tạo ra 24% doanh thu, dưới 20% giá trị sản xuất công nghiệp; chiếm tỷ trọng nhỏ trong lĩnh vực thương mại nội địa, nông thủy sản…
Ông William P. Mako, Chuyên gia cố vấn của Ngân hàng Thế giới nói thẳng khu vực tư nhân VN còn nhiều cơ hội phát triển hơn nữa. DNNN đang trói chân nền kinh tế, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng.
Góp ý về thành lập cơ quan chuyên trách quản vốn nhà nước, ông William P.Mako cảm thấy lo ngại về tổ chức cồng kềnh và lãng phí. Thậm chí, có thể trở thành bộ máy quan liêu can thiệp vào hoạt động hàng ngày của DN như mô hình được đề xuất
Với tư cách đơn vị soạn thảo bộ khung cho “siêu ủy ban”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Cơ quan chuyên trách không thể là cơ quan hành chính nhà nước, không có chức năng quản lý nhà nước đối với các loại hình DN. Thay vào đó, cơ quan chuyên trách là cơ quan, tổ chức có chức năng đầu tư, tổ chức việc phân bổ, giám sát và và sử dụng vốn nhà nước theo mục tiêu do Chính phủ quyết định và hướng đến tối đa hóa giá trị vốn và tài sản nhà nước.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà cơ quan chuyên trách phải thực hiện là tối đa hóa giá trị vốn nhà nước tại các DN, bất kể DNNN hay DN đã cổ phần hóa. Xét đến cùng, cổ phần hóa về bản chất là cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước, làm cho nó phát triển thêm, chứ không phải mất đi, giảm đi về tuyệt đối”, CIEM nêu rõ.
“Cán bộ, nhân viên của cơ quan chuyên trách có thể bị sa thải chỉ đơn giản vì không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch bất kể lý do gì”, CIEM nhấn mạnh sự khác biệt của ủy ban quản vốn với một cơ quan hành chính.
Nói về cải tổ DNNN , một vị cố vấn khác của WB là ông Dag Detter dẫn chứng trường hợp của Thụy Điển. Vị chuyên gia này chia sẻ: Tại Thụy điển năm 1990 nền kinh tế rơi vào trạng thái gần như phá sản toàn bộ. Nhiệm vụ đặt ra phải tái cơ cấu DNNN, lĩnh vực ngân hàng, bất động sản. Thụy Điển khi đó có tận 63 tập đoàn, Tổng công ty, DN trực thuộc Nhà nước từ ngân hàng, bia rượu, khai khoáng.... Tuy nhiên, với quyết tâm cải cách, sau 3 năm, kinh tế Thụy Điển đã đạt hiệu suất gấp 2 lần, cải tiến các DN Nhà nước, tạo ra hiệu ứng đối với toàn nền kinh tế.
"Thành công hay thất bại, quan trọng ở ý chí cải cách và quyết tâm chính trị”, ông Dag Detter bày tỏ.
Quyết tâm có rồi, giờ phải làm
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Muốn hình thành được quyết tâm chính trị phải hình thành được một nhà nước tuân thủ pháp luật, một nhà nước được quản lý theo pháp luật. Nếu có những can thiệp không theo pháp luật vào các cơ quan, tập đoàn thì quyết tâm chính trị đó là khó khăn.
Việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước có nhiều mô hình, nhiều nguyên lý khác nhau.
“Điều thứ hai, phải có trách nhiệm giải trình, ai quyết định cái gì phải giải trình về quyết định đó. Nếu không có trách nhiệm giải trình người ta sẽ làm việc không vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận DN ấy mà vì mục đích nào đó”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Trước những ý kiến hoài nghi về quyết tâm trong việc “thay máu” DNNN, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh: Tôi xin khẳng định quyết tâm là rõ ràng trong việc tách chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành với việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.
“Lúc này bước đến giai đoạn làm thế nào chứ không bàn có tách ra hay không nữa”, ông Đặng Huy Đông nói.
Lãnh đạo Bộ KHĐT cho biết hầu hết những DNNN mà ông tiếp xúc đều đồng tình với việc có một cơ quan chuyên trách quản vốn nhà nước. “Nếu DNNN vẫn nằm trong các bộ thì không đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”, ông Đông lưu ý.
Theo lãnh đạo Bộ KHĐT, việc các bộ vừa quản lý nhà nước vừa quản lý DNNN là một trong số các lý do khiến có nơi không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. “Khi không được công nhận kinh tế thị trường chúng ta sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi về chính sách. Chỉ số tín nhiệm quốc gia bị đánh giá thấp”, ông Đông bộc bạch.
Việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước có nhiều mô hình, nhiều nguyên lý khác nhau. Mỗi quốc gia lựa chọn cái gì tốt nhất phù hợp nhất cho đất nước. “Nhưng nguyên lý lớn vẫn phải tôn trọng là công khai, minh bạch, không lấn át, tranh giành thị trường với tư nhân”, ông Đặng Huy Đông chia sẻ.