Thấy gì từ lợi nhuận quý 1 của ba “đại gia” viễn thông?

18/05/2016 09:53 AM | Kinh doanh

Con số lợi nhuận quý 1 của MobiFone và VNPT bằng 1/4 của đơn vị dẫn đầu là Viettel...

Trong 3 tháng đầu năm, số liệu cập nhật mới nhất cho thấy Viettel đạt gần 10.000 tỷ lợi nhuận, MobiFone đạt 1.450 tỷ đồng, còn VNPT đạt 973 tỷ đồng. Tính trên doanh thu, tỷ suất lợi nhuận của ba “đại gia” viễn thông này lần lượt là 18%, 17,1% và 8,1%.

Theo số liệu kinh doanh quý 1 báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt 54.406,7 tỷ đồng, vượt hơn 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch mà chính Viettel đặt ra.

Trong khi đó, con số này của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 11.917 tỷ đồng. MobiFone - tổng công ty đã tách khỏi VNPT, có doanh thu ở mức 8.315 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi nhìn vào con số lợi nhuận, sự chênh lệch giữa các “ông lớn” lại còn lớn hơn nữa. Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, trong khi Viettel đạt gần 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm, thì VNPT chỉ đạt gần 1.000 tỷ đồng - chỉ tương đương 10% Viettel (trong khi doanh thu bằng gần 22%). MobiFone có con số khả quan hơn với gần 1.500 tỷ đồng - bằng 15% so với Viettel nhưng vẫn gấp gần 1,5 lần VNPT.

Nếu cộng gộp MobiFone và VNPT, con số lợi nhuận quý 1 của hai “đại gia” viễn thông số 2 và số 3 cũng chỉ bằng 1/4 của đơn vị dẫn đầu là Viettel.

Tính theo tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu, Viettel cũng đứng cao nhất với tỷ lệ 18%, MobiFone xếp thứ 2 với 17,1% và VNPT xếp thứ 3 với con số chỉ 8,1%.

Trong số ba “đại gia” về viễn thông, Viettel đưa ra báo cáo về doanh thu đã loại bỏ các giá trị khuyến mại (giảm 10-15% so với mức thông thường).

Nhìn vào cơ cấu doanh thu của Viettel, có thể thấy, doanh thu của Tập đoàn này đến từ hai nguồn chính là viễn thông trong nước và viễn thông nước ngoài.

Năm 2015, tổng doanh thu từ hoạt động đầu tư quốc tế ở cả 9 thị trường nước ngoài của Viettel tăng trưởng 20,2% và đạt gần 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, theo số liệu của OVUM (hãng nghiên cứu và phân tích thị trường hàng đầu thế giới), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành này trên thế giới là 2,3%.

Trong năm 2015, Viettel khai trương liên tiếp 3 thị trường lớn tại châu Phi là Camerooon, Burundi và Tanzania - chiếm ¾ thị trường châu Phi hiện có của Viettel với hơn 80 triệu dân, gấp 3 lần so với thị trường châu Phi trước đây của Viettel là Mozambique.

Viettel cũng vừa được lựa chọn là đối tác liên doanh với một doanh nghiệp viễn thông tại Myanmar. Như vậy, tính đến thời điểm này, Viettel đã có một thị trường gấp 3 lần thị trường Việt Nam.

Bên cạnh việc phải đầu tư mạnh cho nhiều thị trường lớn ở nước ngoài, ở trong nước, Viettel cũng tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu sản xuất. Với lĩnh vực dân sự, dự kiến, năm 2016, Viettel sẽ chính thức “trình làng” thiết bị mạng viễn thông do chính đội ngũ kỹ sư của mình nghiên cứu, sản xuất.

Trong lĩnh vực quân sự, Viettel cũng tập trung nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị thông tin liên lạc. Sản phẩm đã được đưa vào sử dụng cho lục quân, hải quân và không quân ở cả cấp chiến dịch, chiến thuật và chiến lược.

Viettel cũng đang tiếp tục triển khai nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao góp phần bảo vệ đất nước từ xa.

Theo Nguyễn Long

Cùng chuyên mục
XEM