Thấy gì qua Ngày vía Thần Tài năm Quý Mão
Năm nay, nhiều cửa hàng vàng ở Hà Nội ghi nhận số lượng khách đến đông, nhưng người dân bán vàng ra nhiều hơn là mua vào.
Bán cả cây nhưng mua vài chỉ
Vẫn phải xếp hàng chờ mua vàng trong ngày vía Thần Tài nhưng năm nay, do kinh tế khó khăn, nhiều người dân chỉ mua vài chỉ vàng lấy may. Từ sáng sớm ngày 31/1, hàng trăm người kéo đến các cửa hàng vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy chờ cửa hàng mở cửa. Tuy nhiên, năm nay không còn cảnh người dân chen lấn đợi nhiều giờ mới đến lượt mua vàng như nhiều năm trước. Các cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội cũng sắp sẵn ghế ngồi cho khách tới chờ xếp hàng.
Đến giờ cao điểm, 7-9 giờ sáng, người dân cũng chỉ mất tầm 15 phút đợi để mua tại tiệm vàng đông người tìm đến nhất trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Anh Nguyễn Quốc Khánh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh ngồi ghế chờ 10 phút thì vào được cửa hàng. Sau khi chờ 10 người là tới lượt anh giao dịch. “Tôi vừa bán vừa mua nhưng bán 2 cây vàng và chỉ mua 1 chỉ vàng”, anh nói. Theo anh Khánh, trong năm, anh thường xuyên mua vàng nhẫn lúc giá rẻ và đợi đúng ngày vía Thần Tài bán ra. “Bán ngày này lãi hơn mua vào nên tôi mua 1 chỉ lấy may”, anh nói.
Anh Nguyễn Trọng Nguyên (Khâm Thiên, Đống Đa) cùng vợ đi bán 1,3 cây vàng trong ngày Thần Tài. Vợ chồng anh Nguyên mua vàng khi giá thấp và thường bán ra khi giá vàng được đẩy lên cao đúng ngày vía Thần Tài. “Tôi không quan niệm mua vàng vào ngày vía Thần Tài mà cứ thấy giá tăng là bán ra. Hôm nay chỉ bán chứ không mua”, anh Nguyên nói.
Bà Phạm Xuân Tình (82 tuổi, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai) cho biết, đi xe buýt từ sáng sớm tới phố vàng Trần Nhân Tông để mua 1 chỉ vàng. “Năm nào tôi cũng đi mua 1 chỉ vàng vào ngày vía Thần Tài. Tôi không buôn bán gì nhưng đây là thói quen cũng là cách tích lũy của người già bằng tiền mừng tuổi của con cháu”, bà Tình nói.
Sức mua giảm nhưng nhà vàng vẫn lãi lớn
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng, Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, hiện vàng không còn hấp dẫn với nhà đầu tư lớn là các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Giao dịch trên thị trường chỉ là các nhà đầu tư nhỏ lẻ và người dân mua để tiết kiệm. Sức mua trong năm yếu và các tiệm vàng chỉ trông vào ngày vía Thần Tài để bán vàng ra.
Theo ông Hùng, dù sức mua yếu nhưng hệ thống nhiều cửa hàng trên khắp cả nước đều ghi nhận lượng vàng bán ra lớn trong ngày và vàng nhẫn được tiêu thụ nhiều nhất. “Hiện, giá vàng trong nước với thế giới chênh lệch lớn nên mua vàng đầu tư vẫn là kênh rủi ro. Năm nay, biến động kinh tế nên người dân những năm trước mua vài chỉ nay cũng giảm xuống còn một chỉ, thậm chí nửa chỉ để lấy may”, ông Hùng nói.
Giá vàng trong nước ngày vía Thần Tài có sự phân hoá mạnh giữa các hệ thống kim hoàn. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn và Vietinbank Gold tăng giá bán ra, nhưng không điều chỉnh giá mua vào so với phiên hôm trước. Điều này khiến chênh lệch giữa giá mua và bán từ khoảng 1 triệu đồng hôm 30/1, lên 1,4 triệu đồng sáng 31/1. Động thái này được các chuyên gia cho rằng có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro xuất phát từ những nhóm đầu cơ.
Vì giao dịch lớn trong ngày nên nhiều tiệm vàng nhỏ cũng tăng giá vàng miếng thêm 200.000 đồng, còn vàng nhẫn thêm 100.000 đồng một lượng.