Thâu tóm Volvo, giải cứu 1 hãng xe Anh và giờ là vung tiền mua cổ phần Mercedes- Benz, tỷ phú Trung Quốc toan tính gì?

27/02/2018 13:40 PM | Kinh doanh

Ngành ô tô thế giới đang chứng kiến một trong những đột phá lớn nhất kể từ khi Karl Benz lắp ráp chiếc xe hơi đầu tiên cách đây hơn 1 thập kỷ, và Li Shufu muốn đóng vai trò chủ động trong cuộc cách mạng này.

Nhà sáng lập và Chủ tịch của công ty ô tô đến từ Trung Quốc Zhejiang Geely vừa trở thành cổ đông lớn của Daimler AG, tập đoàn ô tô Đức giàu truyền thông với những phát minh vĩ đại như chiếc xe ô tô chạy bằng diesel đồng tiên của thế giới. Cuối tuần trước, ngành ô tô đã chấn động trước thông tin Geely bỏ 9 tỷ USD mua cổ phần của Daimler, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của 1 công ty Trung Quốc vào 1 hãng xe nước ngoài.

Điều đặc biệt là vị tỷ phú tự thân Trung Quốc tung ra động thái này trong thời điểm khá nhạy cảm: ngành ô tô toàn cầu đang đứng trước 1 ngã rẽ mới với những đột phá về công nghệ từ ô tô chạy bằng điện và ô tô tự lái. Lần đầu tiên trong lịch sử, những ông lớn công nghệ như Google và Apple với nguồn lực tài chính hùng mạnh đang cố gắng chiếm lấy 1 ghế trong thế giới của những cỗ máy kim loại. Theo như lời nói của Li, để tồn tại, những nhà sản xuất ô tô truyền thống không thể đơn độc.

Xe điện

Trong thông báo phát đi, Li cho rằng xét về mặt kỹ thuật thì những đối thủ cạnh tranh đang thách thức ngành ô tô toàn cầu trong thế kỷ 21 thậm chí không phải là 1 phần của ngành ô tô. Do đó cuộc cạnh tranh này sẽ đầy bất ngờ và để nắm bắt thành công những công nghệ mới, các nhà sản xuất phải có bạn bè, đối tác và những đồng minh để có thể thích nghi với lối suy nghĩ hoàn toàn mới, đoàn kết để tạo ra sức mạnh.

Li nắm 9,7% cổ phần của Daimler, tập đoàn có trụ sở Stuttgart – thông qua Geely Group, tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú 54 tuổi. Li muốn hợp tác với Daimler trong lĩnh vực ô tô điện. Daimler cùng với nhiều nhà sản xuất ô tô khác của Đức đã đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực này để đi trước động thái siết chặt quản lý của các Chính phủ, đồng thời duy trì vị thế trong bối cảnh những động cơ đốt trong được dự đoán sẽ bị cho vào quên lãng.

HNA, Anbang

Geely vốn đang sở hữu 1 thương hiệu ô tô khác đến từ nước Đức là Volvo Cars sau khi bỏ ra gần 4 tỷ USD mua cổ phần của nhà sản xuất xe tải Volvo. Geely cũng sở hữu London Taxi và năm ngoái vừa mới giải cứu Lotus Cars, nhà sản xuất xe thể thao của nước Anh, khỏi cảnh phá sản.

Quy mô của thị trường ô tô Trung Quốc hiện đã vượt qua cả Mỹ. Đó cũng là lãnh địa mà các tập đoàn ô tô nội địa như Geely và Great Wall Motors được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để đón đầu công nghệ. Điều này trái ngược với những tập đoàn đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính. HNA Group – tập đoàn sở hữu cổ phần của Deutsche Bank và Hilton Worldwide Holdings – đang phải bán tháo tài sản sau động thái trấn áp của Chính phủ trong khi lãnh đạo tập đoàn bảo hiểm Anbang vừa bị bắt. Li, ông chủ của đế chế có hơn 70.000 nhân viên, không gặp phải những rắc rối như vậy.

Lợi nhuận của Geely Automobile Holdings, công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, được dự báo sẽ tăng gấp đôi nhờ thị trường ô tô Trung Quốc tăng trưởng tốt. Phiên giao dịch hôm nay cổ phiếu này tăng 8,8%, giúp Geely Automobile đạt giá trị vốn hóa 30 tỷ USD.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, Geely Automobile có tiền mặt khoảng 20,8 tỷ USD, do đó sẽ cho phép Li mạnh tay rót tiền vào thế giới của những chiếc xe điện và các công nghệ mới. Hiện là công ty ô tô tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc xét theo doanh số nhưng Geely chưa có đối tác ngoại nào. Trong khi đó các đối tác Trung Quốc của Daimler bao gồm BAIC Motor và công ty được Warren Buffett hậu thuận BYD. Cả hai đều là đối thủ của Geely.

Hôm qua BAIC cũng công bố sẽ đầu tư hơn 1,9 tỷ USD xây dựng 1 nhà máy mới ở Trung Quốc để sản xuất xe Mercedes-Benz nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng. Cổ phiếu của BAIC và BYD cũng tăng lần lượt 5% và 4,2%.

Trung Quốc đang trở thành "chiến trường" mới của xe điện. Vốn đang là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, Chính phủ Trung Quốc rất chủ động trong chuyện khuyến khích người dân từ bỏ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi. Daimler cũng phải nhắm đến Trung Quốc để tăng trưởng.

Sinh năm 1963 tại tỉnh Chiết Giang, Li sử dụng 100 nhân dân tệ mà bố ông cho để mua 1 chiếc máy ảnh và khởi nghiệp bằng cách chụp ảnh cho khách du lịch. Sau đó ông bán phụ kiện máy ảnh làm bằng tay, cuối cùng thành lập Geely (có nghĩa là may mắn trong tiếng Trung) nhưng với lĩnh vực kinh doanh ban đầu là nhà cung ứng linh kiện tủ lạnh. Năm 1997, Geely trở thành hãng xe tư nhân đầu tiên của Trung Quốc.

Với tài sản ròng 13,8 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg, động thái lớn nhất của Li cho đến nay là thương vụ thâu tóm Volvo Cars năm 2010. Li cho phép Volvo hoạt động độc lập và dần dần đã xây dựng được 1 hệ thống chung sử dụng công nghệ của Volvo trong những chiếc xe Geely.

Theo Yale Zhang, chuyên gia phân tích ngành ô tô tại Thượng Hải, Li hành động rất thận trọng để không làm giảm giá trị thương hiệu của Volvo và kết quả thu được rất tốt. Li sẽ tìm kiếm cơ hội tăng tầm ảnh hưởng ở Daimler, nhưng ông sẽ rất kiên nhẫn chờ đợi cơ hội.

Li thường đăng các bài thơ và đoạn nhạc mà ông tự sáng tác lên website cá nhân. Trong 1 bài thơ viết năm 2009, ông viết rằng nếu không có những sáng tạo độc lập, "sẽ không thể mang quốc kỳ Trung Quốc đến triển lãm ô tô Frankfurt".

12 năm sau khi gây chú ý tại triển lãm ô tô Frankfurt với hình ảnh cờ Trung Quốc phủ lên chiếc xe ô tô Geely đầu tiên được mang đến đây cùng với tấm băng rôn mang chữ "Tôi là Geely", Li vừa mới "cắm cờ Trung Quốc" lên trái tim của ngành sản xuất ô tô của nước Đức.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM