Thất nghiệp không chỉ khiến bạn hết tiền, nó còn ảnh hưởng rất tiêu cực tới nhân cách của bạn đấy!
Trong một cuộc hội thảo gần đây, có một báo cáo gây sửng sốt cho nhiều người khi nói rằng những người trẻ (chủ yếu là nam giới) không có bằng đại học đang bị thất nghiệp chủ yếu vì một lý do: Họ có thể sống với cha mẹ và chơi điện tử cả ngày.
Theo nghiên cứu này, các anh chàng thất nghiệp dành đến 70% thời gian của mình ngồi trước máy tính, chủ yếu là để chơi điện tử. Điều đáng chú ý hơn ở đây là, mức độ hạnh phúc của nhóm người này đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.
Hiện tượng này có một số hệ lụy đáng ngại, không chỉ cho nền kinh tế mà còn cho tương lai nghề nghiệp và thậm chí sức khỏe của họ nữa.
Theo báo cáo, những người trẻ thất nghiệp này không có đủ kinh nghiệm cần thiết để tìm được việc khi 30 hoặc 40 tuổi. Kết quả là họ sẽ bị trầm cảm hoặc phải dùng chất kích thích, 2 yếu tố thường thấy liên quan đến tình trạng thất nghiệp.
Một nghiên cứu khác thực hiện vào năm 2015 đã cho thấy có một vấn đề nổi cộm: Tình trạng thất nghiệp có thể làm bạn thay đổi tính cách. Theo thời gian, bạn có thể trở nên ít thân thiện hơn, ít chăm chỉ hơn, và ít cởi mở hơn với các trải nghiệm mới. Nghiên cứu này được thực hiện tách biệt so với nghiên cứu về các anh chàng trẻ tuổi mê chơi điện tử do Christopher J. Boyce từ Đại học Stirling (Scotland) chỉ đạo.
Các nhà nghiên cứu đã lấy dữ liệu từ Hội thảo Kinh tế Xã hội của Đức, tập trung đặc biệt vào các trải nghiệm của một nhóm nhỏ những người tham gia trong giai đoạn 2005-2009. Vào năm 2005, mọi đối tượng tham gia đều có việc làm. 6.308 người vẫn đi làm; 251 người thất nghiệp và sau đó lại đi làm; 210 người thất nghiệp trong khoảng từ 1 đến 4 năm.
Mới thất nghiệp giúp nam giới... thân thiện hơn
Kết quả cho thấy sự dễ chịu, gần như tính thân thiện, đã giảm đáng kể ở cả nam lẫn nữ trong thời gian thất nghiệp dài hạn (từ 1 đến 4 năm). Nhưng trong 2 năm đầu thất nghiệp, sự thân thiện ở nam giới lại tăng lên.
Các nhà nghiên cứu không thể tìm được lý do cho sự khác biệt ở giới tính này, nhưng cho rằng đó là vì nam giới ban đầu cố gắng tỏ ra thân thiện để đối mặt với hoàn cảnh và xoa dịu những người xung quanh. Sau đó họ dần chán nản và trở nên ít thân thiện hơn.
Lối sống giảm sút
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng sự chịu khó, tức xu hướng sống ngăn nắp và có hứng thú, giảm đi ở cả nam và nữ khi thất nghiệp. Boyce cho rằng tác động này là một phần của vòng quay nghiệt ngã: Khi bạn thất nghiệp, bạn sống thiếu tổ chức hơn, và chính điều đó lại khiến bạn khó tìm được việc.
Kém cởi mở hơn
Một tác động lớn nữa của thất nghiệp dài hạn là sự cởi mở nhìn chung cũng giảm đi. Trong khi các nhà nghiên cứu không thể giải thích được tại sao điều này xảy ra, thì Boyce cho rằng lý do có thể là vì “tình trạng thất nghiệp đè nặng lên tinh thần của bạn” và khiến bạn cảm thấy ít hứng thú và không thích phiêu lưu. Ngoài ra, khi không có việc làm bạn sẽ không có điều kiện để đi chơi, đi du lịch hoặc khám phá thế giới xung quanh.
Điểm sáng ở đây là một khi bạn tìm được việc làm, mọi thứ dường như trở lại như cũ. Điều quan trọng cần nhớ là trải nghiệm của mỗi người thất nghiệp có thể khác biệt so với bức tranh tổng thể mà nghiên cứu này vẽ ra. Hơn nữa những kết quả tìm thấy ở người Đức trưởng thành này chưa chắc đã mang tính toàn diện và đúng với mọi nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, nghiên cứu này lại có một số hệ quả quan trọng đối với cách chúng ta nhìn nhận về thất nghiệp.
Chẳng hạn, chúng ta nên cẩn thận khi bêu riếu những người thất nghiệp. Thay vì quan sát những nét tính cách không hay của họ và nghĩ “Chính vì thế nên họ mới không tìm được việc”, Boyce khuyên rằng ta phải thấy được rằng tính cách của họ chỉ là một phần của cái vòng luẩn quẩn đã nói ở trên: Thất nghiệp thay đổi tính cách khó tìm việc làm.
Rốt cuộc, những kết quả này cho thấy thất nghiệp có thể có tác động sâu rộng hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn nghĩ. Đó là một suy nghĩ khá ảm đạm cho những ai đang thất nghiệp, và lại càng là một lý do để những người quan tâm đến họ làm mọi điều có thể để giúp họ thoát khỏi tình trạng này.