Thành phố ít quận nhất Việt Nam
Tuy chỉ có 5 quận, ít nhất cả nước nhưng Cần Thơ lại có quận lớn nhất Việt Nam.
Cần Thơ thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tỉnh được tái thành lập vào năm 1992 với diện tích 1.440 km2, dân số khoảng 1,252 triệu người (2022). Hiện, Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương có số quận ít nhất, với 5 quận: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt. Thế nhưng thành phố này lại có quận lớn nhất Việt Nam.
Quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) được thành lập năm 2004 với diện tích khoảng 130km2 quận có diện tích lớn nhất cả nước, gấp 31 lần diện tích quận nhỏ nhất là quận 4 (TP.HCM). “Sở hữu” vị trí địa lý thuận lợi cả đường bộ, đường thủy, nơi đây giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế công nghiệp của thành phố.
Vị trí địa lý không chỉ là lợi thế cho quận lớn nhất Việt Nam mà còn là ưu thế của Cần Thơ. Vì thành phố giữ vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kết nối vùng. Để phát huy vai trò đó, những năm qua thành phố đang tập trung đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương liên vùng tạo điều kiện giúp kinh tế phát triển mạnh mẽ. Trên hình là cầu Vàm Cống dài 2,97 km bắc qua sông Hậu, kết nối quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Đây là cây cầu có tổng mức đầu tư cao nhất miền Tây với mức đầu tư là 5.700 tỷ đồng.
Ngoài đường bộ, Cần Thơ còn là đầu mối giao thông quan trọng về đường thủy và đường hàng không. Những năm qua, thành phố tập trung phát triển đường thủy nội địa và xây dựng hạ tầng đường biển đảm bảo lưu thông tàu trọng tải đến 20.000 tấn trên luồng sông Hậu. Tạo đà phát triển cho hệ thống cảng biển Cần Thơ thành cửa ngõ quan trọng nhất cho xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL.
Hạ tầng hoàn thiện là đòn bẩy để giúp thành phố phát triển về lĩnh vực kinh tế. Trong năm 2022, GRDP tăng 12,64%. Với kết quả này, thành phố Cần Thơ là địa phương có tốc độ tăng GRDP đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Hậu Giang) và thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Đà Nẵng). Theo Cục Thống kê địa phương, đây là lần đầu tiên Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số từ trước cho đến nay.
Ngoài ra, đầu tư cho hạ tầng cũng góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ của thành phố phát triển. Theo Cục du lịch Quốc gia Việt Nam thống kê, những năm gần đây, du lịch Cần Thơ tăng trưởng ổn định với mức bình quân hơn 10% mỗi năm. Đặc biệt, du lịch tìm hiểu đời sống miền sông nước, văn hóa vùng Tây Nam Bộ của Cần Thơ thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách. Trên hình là Chợ nổi Cái Răng, điểm tham quan du lịch nổi tiếng của vùng được Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn là một trong mười chợ ấn tượng nhất thế giới.
Trong năm 2022, thành phố vừa có thêm môt công trình văn hóa mới - Đền thờ Vua Hùng. Sau thời gian hoạt động, đền thờ vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng vừa góp phần thúc đẩy ngành du lịch thành phố phát triển khi khu vực dịch vụ chiếm 52,47% trong cơ cấu kinh tế địa phương. Vừa qua, công trình Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp ĐBSCL.
Trong tương lai thành phố này sẽ có tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ có chiều dài khoảng 175,2 km đi qua 6 tỉnh thành. Điểm đầu tại ga An Bình (Bình Dương) và điểm cuối tại ga Cần Thơ (TP. Cần Thơ). Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 220.000 tỷ đồng, dự kiến xây dựng năm 2030-2035. Tuyến đường sắt sẽ tạo thuận lợi cho ngành logistics phát triển. Nguồn: BQL Dự án đường sắt .
Với sự đầu tư bài bản, thành phố Cần Thơ đang có sự chuyển mình mạnh mẽ về để xứng tầm với danh xưng Tây Đô - thủ phủ của Tây Nam Bộ. Dự kiến đ ến năm 2030, thành phố Cần Thơ sẽ là trung tâm đô thị thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng ĐBSCL.