Thanh niên Ê đê bỏ nghề bác sĩ về quê xây thương hiệu cà phê, không tìm được "cách bứt phá như Đặng Lê Nguyên Vũ" nhưng vẫn giật vé vàng

01/01/2024 23:07 PM | Kinh doanh

Theo nhà sáng lập Y Pốt Niê, Đắk Lắk có rất nhiều doanh nghiệp làm về cà phê nhưng người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Ê đê kinh doanh thì anh là người đầu tiên tiên phong mở doanh nghiệp.

Khởi đầu màn pitching bằng một bài hát đặc trưng của quê hương, Y Pốt Niê (35 tuổi, người Ê đê) giới thiệu đến dàn "cá mập" những sản phẩm cà phê rang xay mang thương hiệu Ê đê Café do chính anh sáng lập.

Tốt nghiệp và làm việc trong ngành y nhưng từ bé đã tiếp xúc với cà phê, Y Pốt Niê nghĩ cần làm điều gì đó để giúp đỡ gia đình. Vậy là năm 2019, Y Pốt Niê nghỉ việc tại bệnh viện để dấn thân vào con đường kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, đại dịch Covid-19 ập đến khiến Y Pốt Niê phải tạm ngừng nhiều hoạt động, tuy nhiên trong lúc ấy vẫn tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận hành vùng trồng bền vững. 

Công ty bắt đầu kinh doanh trở lại vào năm 2022 thông qua kênh đại lý, phân phối đến các quán cà phê và kênh online. Ê đê Café ghi nhận doanh thu 7,5 tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng vào năm 2022. Theo tìm hiểu, năm 2022, Y Pốt Niê còn đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 do Trung Ương Hội Nông Dân Việt Nam trao tặng. Từ đầu năm 2023 đến thời điểm gọi vốn, công ty đạt doanh thu 10 tỷ đồng, lợi nhuận 1,6 tỷ đồng. 

photo-1704123443900

Y Pốt Niê - nhà sáng lập Ê đê Café

Y Pốt Niê tự nhận còn nhiều thiếu sót về kinh doanh nhưng có đam mê. Hiện anh sở hữu 10ha đất trồng cà phê, chưa kể diện tích liên kết với anh em, người dân trong buôn làng, tổng cộng là 50ha. Nhà sáng lập muốn huy động 5 tỷ cho 10% cổ phần.

Được Shark Hưng hỏi về phương pháp sản xuất, nhà sáng lập cho biết hiện công ty có cả sản phẩm rang xay thủ công và rang xay bằng máy. 

Trong khi đó, Shark Bình lại đặt câu hỏi về khả năng mở rộng: "Cà phê ở vùng Tây Nguyên thì rất nhiều, có cách nào để bứt phá lên như anh Vũ (Nhà sáng lập Trung Nguyên Legend)?"

Anh Y Pốt Niê cho hay: "Đắk Lắk có rất nhiều doanh nghiệp làm về cà phê nhưng người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Ê đê kinh doanh thì em là người đầu tiên tiên phong mở doanh nghiệp.

Cách đây 4 tháng, em chia sẻ trên mạng xã hội và được người nước ngoài chú ý, họ về tận nhà xem mô hình. May mắn, công ty chốt được nửa container đến Đức và một nửa cotainer đến Canada. Mục đích của em là không chỉ bán tại Việt Nam mà mục đích chính là xuất khẩu. Tuy nhiên khả năng còn hạn hẹp nên cần sự hỗ trợ của các Shark để đẩy sản phẩm ra toàn cầu".

Mô hình không lạ nhưng Shark Minh Beta và Shark Hùng Anh cạnh tranh deal y hệt 

Shark Hưng nhận xét mô hình của startup không có gì khó hiểu, điểm thú vị nằm ở nhà sáng lập là người Ê đê, có công thức chế biến riêng. Do đã có khoản đầu tư vào công ty cùng ngành, vị "cá mập" từ chối đầu tư. 

Shark Tuệ Lâm cũng lắc đầu với thương vụ này. 

photo-1704123803110

Trong khi đó, Shark Bình cho rằng Ê đê Café là công ty có tiềm năng nhưng chưa tìm được chiến lược để phát triển lớn mạnh, cần thúc đẩy kênh TMĐT. Đồng thời, Chủ tịch Nexttech cho rằng định giá quá cao. Ông đề nghị 5 tỷ đồng cho 35% cổ phần. 

Shark Minh Beta cho biết cũng rất có cảm tình với startup, tuy nhiên cần bổ sung về sức mạnh truyền thông, sứ mệnh, tầm nhìn, mạng lưới kết nối. Ông đề nghị 2 tỷ đồng cho 15%, còn 3 tỷ là khoản vay chuyển đổi lãi suất 10%, chuyển đổi sau 1 năm với ebitda 8%.

Trong khi đó, "cá mập" Hùng Anh đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần.

Thấy nhà sáng lập có phần bối rối, Shark Hưng dù không ra deal nhưng vẫn tính giúp: "Shark Hùng Anh đang định giá 15 tỷ đồng pre-money, Shark Minh Beta là 8,3 tỷ pre-money, Shark Bình là 9 tỷ pre-money"

Shark Minh Beta giải thích rõ hơn về đề nghị của mình: startup vẫn có 5 tỷ đồng nhưng trước mắt chỉ mất 15% cổ phần. Theo ông, startup chỉ nên nhận số tiền tương ứng với khả năng thực thi để cổ phần không bị pha loãng quá nhiều, founder duy trì động lực.

Đến đây, Shark Hùng Anh bất ngờ "copy" deal y hệt như Shark Minh nhưng không lấy lãi khoản vay, tức 2 tỷ đồng cho 15%, còn 3 tỷ là khoản vay không lãi suất. Shark Minh Beta ngay lập tức chấp nhận không lấy lãi để cạnh tranh.

Sau khi thảo luận, nhà sáng lập thương thảo lại với Shark Hùng Anh với mức 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Shark Hùng Anh liền điều chỉnh: 2,5 tỷ đồng cho 15%, 2,5 tỷ cho vay không tính lãi. Quyết cạnh tranh, Shark Minh Beta cũng điều chỉnh đề nghị y hệt.

Để giành lợi thế đàm phán, Shark Hùng Anh rút vé vàng trị giá 100 triệu dành tặng startup. Nhờ đó, cuối cùng nhà sáng lập Ê đê Café đã "chốt deal" thành công cùng Shark Hùng Anh, với 2,5 tỷ đồng cho 15%, 2,5 tỷ cho vay không tính lãi.

 

 

 

 

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM