Thanh long, dưa hấu tiếp tục phải "giải cứu" trong dịch Corona: Nguyên nhân sâu xa khiến người nông dân Việt luôn bị động và bất lực khi nông sản rớt giá là gì?

12/02/2020 16:06 PM | Kinh doanh

Sở dĩ họ làm thế, bởi ngoài việc chịu khoảng lỗ tầm 14.000 đồng/kg trong đại dịch Corona, họ còn bị ám ảnh bởi những lần thất bát trong quá khứ. Điệp khúc "được mùa mất giá, mất mùa được giá" chưa bao giờ buông tha họ. Trong khi, những nỗ lực hỗ trợ của một vài doanh nhiệp như Lavifood, là chưa đủ để vực dậy thị trường.

Theo báo cáo của tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 11.825,7 ha trồng thanh long, trong đó diện tích cho trái khoảng 9.586,2 ha, năng suất 321,5 tạ/ha, sản lượng 317.932 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, thành phố Tân An...

Hiện tại thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 01/2020 đến nay khoảng 30.000 tấn. Chưa kể đến 59.580 tấn được thu hoạch trong tháng 2/2020 và 31.750 tấn được thu hoạch trong tháng 3/2020.

Với việc khoảng 90% thanh long của chúng ta dùng vào xuất khẩu tươi, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc; nên khi thị trường này tê liệt vì đại dịch Corona giá thanh long cũng rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Corona hàng loạt chợ và cửa khẩu thông thương sang Trung Quốc đang thông báo dời thời gian mở cửa, các đối tác Trung Quốc thu mua thanh long không nhận hàng, đã làm tồn đọng lượng lớn thanh long trong kho… Phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua thanh long hoặc thu mua với giá thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân.


Nông dân hiện bán thanh long chủ yếu qua kênh thương lái và mức giá họ nhận về chỉ khoảng 4.000 đồng/kg

"Với mức giá 12.000 đồng/kg mà Lavifood thu mua, mỗi kg tôi lỗ khoảng 6.000 đến 10.000 đồng. Hiện tôi có hơn 6 công, mỗi công lỗ khoảng 10 triệu đồng, tức vụ mùa này tôi lỗ khoảng 60 triệu đồng", anh Lê Minh Thảo - nông dân đã có 7 năm làm thanh long, chia sẻ với chúng tôi.

Anh Thảo là một trong không nhiều những nông dân tại Long An đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty Lavifood, kể từ khi doanh nghiệp này cắm rễ tại Long Anh cách đây gần 2 năm. Nhờ đã có hợp đồng với Lavifood, nên anh mới bán được với mức giá 12.000 đồng/kg, khi rủi ro mất giá được doanh nghiệp này chia sẻ với nông dân.

Cũng theo anh Thảo, ngoài Lavifood, cũng có một vài doanh nghiệp chế biến nông sản khác đã rất tích cực đến mua thanh long cho bà con, nhưng vì không có hợp đồng, họ sẽ đẩy giá xuống thấp hơn Lavifood khoảng 4.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg hoặc họ thu mua qua thương lái. Các thương lái mua thanh long tại vườn hiện tại chỉ chịu trả mức giá khoảng 4.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg.

Thanh long, dưa hấu tiếp tục phải giải cứu trong dịch Corona: Nguyên nhân sâu xa khiến người nông dân Việt luôn bị động và bất lực khi nông sản rớt giá là gì? - Ảnh 1.

Anh Lê Minh Thảo (trái) đang đại diện nông dân trồng thanh long ở Long An ký tiếp hợp đồng hợp tác với Lavifood.

Rất ít công ty chịu tới vườn mua trực tiếp, nên hầu hết nông dân đều phải bán thanh long cho thương lái. Tức là, họ phải chịu lỗ ít nhất khoảng 14.000 đồng/kg.

Mỗi năm, thanh long có 7 đến 8 vụ hàng thường và 1 đến 2 vụ "hàng đèn" – tức là hàng trái vụ. Nếu là "hàng đèn", giá bán phải tầm từ 18.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg thì nông dân mới huề vốn, hàng thường khoảng 12.000 đồng/kg. Trong quá khứ, có lúc thanh long lên đến 40.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg và có khi giảm xuống khoảng 4.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg, như hiện tại.

Về lý thuyết, chuyện lời lỗ của người nông dân không nên tính trong 1 vụ mùa mà phải tính 1 năm mới chính xác. Nếu họ có nhiều vụ mùa cao giá hơn vụ mua thấp giá, thì vẫn sẽ ổn; nhưng vấn đề là, nói như anh Thảo thì điệp khúc ‘mất mùa mới được giá và được mùa mất giá’ vẫn đeo bám người nông dân nhiều năm nay. Tức là, tính tổng thể, thu nhập của họ không hề cao dù được mùa hay mất mùa.

Thế nên, chuyện người nông dân luôn kêu gào mỗi khi giá nông sản rớt xuống đáy hoặc mất mùa không chỉ vì thiệt hại trước mắt mà còn vì những uất ức – thiệt thòi mà họ đã gánh chịu trong quá khứ.

Xem thêm các tác động kinh tế của dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) tại ĐÂY.

"Dù giá thanh long đang không tốt, nhưng tôi cũng không thể bỏ ngang được. Khi thanh long trồng xuống, mình thu hoạch khoảng mười mấy năm lận, sau 3 đến 4 năm, thanh long sẽ cho năng suất cao nhất, nên tôi không thể chặt bỏ ngang để trồng cây khác.

Hiện tại, Lavifood đang triển khai vùng trồng GlobalGAP tại Long An và tôi cũng có tham gia. Thật ra, tôi biết dự án này cũng đã lâu rồi, nhưng vì chưa thấy gì chắc chắn nên không tham gia. Nếu làm theo Global Gap mà lời chút chút và lâu dài, tôi sẽ theo. Dù biết GlobalGAP tốt,Trước mắt tôi sẽ trồng song song giữa hàng thường cùng GlobalGAP, vì dù sao Lavifood vẫn sẽ tiếp tục thu mua hàng thường", anh Lê Minh Thảo tiết lộ những dự định của bản thân trong tương lai.


Nỗ lực hỗ trợ của một vài doanh nghiệp như Lavifood, là chưa đủ

Trước sự ảm đạm của thị trường, không ít doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Long An đã vào cuộc để hỗ trợ - chia sẻ những khó khăn với bà con nông dân, ví dụ như Lavifood.

Thanh long, dưa hấu tiếp tục phải giải cứu trong dịch Corona: Nguyên nhân sâu xa khiến người nông dân Việt luôn bị động và bất lực khi nông sản rớt giá là gì? - Ảnh 3.

Ông Đặng Ngọc Cẩn - Tổng giám đốc Công ty Lavifood

Ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng giám đốc Công ty Lavifood cho biết: "Là doanh nghiệp chuyên chế biến rau củ quả xuất khẩu đi các thị trường "khó tính" như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu… nên Lavifood đã và đang đầu tư xây dựng những nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất lớn.

Hiện tại, chúng tôi có 2 nhà máy đã đi vào hoạt động. Đó là nhà máy Lavifood (Long An), mỗi năm có thể cung ứng hơn 10.000 tấn thành phẩm ra thị trường và nhà máy Tanifood (Tây Ninh) với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm/năm. Nếu hoạt động hết công suất, nhà máy có thể xử lý hơn 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày.

Trước bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh, để đồng hành, chia sẻ cùng bà con nông dân, chúng tôi đã và đang mở rộng thu mua và chết biến thanh long với thành những sản phẩm đa dạng, chất lượng như nước ép, sấy khô, sấy dẻo, đông lạnh…. Trong đó có dòng sản phẩm nước thanh long tươi We Love 100% tự nhiên sắp được tung ra thị trường. Để làm được điều này Lavifood buộc phải thay đổi hoàn toàn kế hoạch kinh doanh của năm 2020, vốn đã được hoạch định từ trước.

Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ nguồn vốn đến nhân công, tiêu thụ, thị trường, kho bãi…. Và chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các nguồn lực khác trong xã hội để chung tay phát triển nông nghiệp bền vững".

Dù đã làm nhiều việc như thế, song như thú nhận của vị Tổng giám đốc này, nỗ lực của Lavifood chỉ là ‘muối bỏ bể’ so với năng suất sản xuất của Long An. Lực của họ chỉ tiêu thụ tối đa khoảng 10.000 tấn đến 15.000 tấn trong khoảng 2 tháng, trong khi năng suất thị trường ra khoảng 1.000 tấn/ngày, nếu đúng vụ. Còn theo thống kê đầu bài, thì trong 3 tháng đầu năm 2020, năng suất trái thanh long tại Long An tổng cộng khoảng 122.000 tấn.

Thanh long, dưa hấu tiếp tục phải giải cứu trong dịch Corona: Nguyên nhân sâu xa khiến người nông dân Việt luôn bị động và bất lực khi nông sản rớt giá là gì? - Ảnh 6.

Sản phẩm nước ép đóng chai We Love của Lavifood làm từ thanh long sắp chuẩn bị ra mắt thị trường.

Nhằm góp phần giúp nền nông sản Việt xóa bỏ điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" cũng như tránh những tình cảnh bị một ‘thiên tai’ khác như đại dịch Corona hủy hoại trong tương lai; vừa qua, trong sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Nguyễn Xuân Cường, Lavifood đã tiến hành ký kết hợp tác với một loạt đối tác như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), chuỗi siêu thị Coop Mart, Quỹ Khởi Nghiệp Xanh...

"Chúng tôi đang có một chế độ ưu đãi trong cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, lãi suất giảm 0,5% đến 1% so với lãi vay thông thường hoặc thời gian giải ngân rất nhanh để đáp ứng nhu cầu thu mua nông sản của nông dân.

Thật ra công việc của chúng ta tại thời điểm này cũng tiếp tục những công việc ở thời điểm trước thôi, cung cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân. Nhưng do thị trường đang bị cung vượt quá nhiều lần so với cầu, nên việc làm chúng tôi có ý nghĩa nhiều hơn. Chúng tôi luôn động viên doanh nghiệp mạnh dạng thu mua nông sản của nông dân, còn chúng tôi sẽ đảm bảo nguồn vốn cho họ.

Một trong những mục tiêu nữa của chúng tôi trong lần hợp tác này là chúng tôi sẽ tập trung đầu tư vào mảng logistic của Lavifood, cũng như các doanh nghiệp khác. Qua sự cố rớt giá này, chúng ta có thể thấy một vấn đề: kho bãi để lưu trữ hàng hóa của chúng ta vẫn còn thiếu và yếu. Để giúp việc thu mua ổn định và nông sản không bị rớt giá dù được mua hay gặp ‘tai bay vạ gió’, các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào hệ thống logistic một cách bài bản.

Ngân sách đầu tư của chúng tôi sẽ không giới hạn, vì mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào việc phát triển nông nghiệp nông thôn", Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB khẳng định.

Thanh long, dưa hấu tiếp tục phải giải cứu trong dịch Corona: Nguyên nhân sâu xa khiến người nông dân Việt luôn bị động và bất lực khi nông sản rớt giá là gì? - Ảnh 7.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM