'Thần thánh hóa' IELTS, chạy đua học tiếng Anh theo kiểu 'luyện gà'
Ngày càng nhiều bạn trẻ học IELTS theo kiểu "luyện gà", không cần biết có dùng được tiếng Anh hay không, miễn đạt được điểm số đề ra. Thậm chí để có chứng chỉ "đẹp", một số người còn sẵn sàng chi tiền mua đề.
Hơn 1 năm qua, Minh Huyền (17 tuổi), hiện là học sinh lớp 11 tại một trường THPT ở TP Thủ Đức (TP.HCM), tính toán đã tốn 115 triệu đồng để luyện thi IELTS nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả ưng ý.
Không nên nghĩ hoàn thành một khóa học tiếng Anh, một học phần tiếng Anh hay thi xong kỳ thi IELTS là xong. Học ngoại ngữ cần thực hành thường xuyên.
PGS.TS PHẠM VŨ PHI HỔ
Trăm triệu luyện thi, chục triệu mua đề
Đầu năm lớp 10, ba mẹ khuyến khích Huyền học IELTS để sớm có tấm bằng "dằn túi", nếu đạt điểm cao có thể tính đường du học hoặc ít nhất cũng có lợi thế khi xét tuyển đại học trong nước. Từ tháng 8-2021, Huyền đăng ký học một lớp IELTS trực tuyến, 1 kèm 1, học phí 7 triệu đồng/tháng.
Vốn chỉ giỏi các môn tự nhiên, còn tiếng Anh ở mức "sơ sơ", Huyền đề nghị giáo viên vạch lộ trình học sao cho trong 1 năm có thể đạt IELTS 6.5 - 7.0. Mỗi tuần ba buổi, Huyền cùng giáo viên ôn luyện theo các bộ đề tham khảo với hai bài thi đọc và nghe. Ở bài thi nói và viết, Huyền học các bài mẫu cô đưa ra.
Giữa năm 2022, Huyền dự thi IELTS (phiên bản thi trên giấy) tại TP.HCM nhưng chỉ đạt 5.0. Vậy là từ tháng 6-2022, Huyền đăng ký thêm một nhóm luyện thi IELTS trực tiếp với giá 4 triệu đồng/tháng và vẫn duy trì khóa online tại nhà.
"Có bao giờ Huyền cảm thấy quá gượng ép khi không có thế mạnh tiếng Anh nhưng lại muốn đạt IELTS cao trong thời gian ngắn?" - chúng tôi hỏi. Huyền chia sẻ: "Cũng hơi khó nhưng mình không còn thời gian nữa. Có bằng sớm thì khỏe hơn".
Không khó bắt gặp những bài rao mua bán dự đoán đề thi IELTS trên mạng với cam kết chắc nịch - Ảnh chụp màn hình
Từ khi các trường đại học tăng cường các phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ IELTS, giám đốc tuyển sinh một hệ thống Anh ngữ lớn tại TP.HCM cho biết tỉ lệ học sinh học IELTS ở trung tâm này tăng lên đáng kể. Có những giai đoạn cao điểm, số học sinh học IELTS vượt trội hơn hẳn sinh viên hay người đi làm.
Nhu cầu có bằng nhanh, điểm số đẹp của người học đã góp phần tạo ra thị trường mua bán đề thi IELTS. A.T. (25 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết mình đã từng trả tiền mua đề thi IELTS ở hai trang bán đề khác nhau. Một trang T. hùn mua cùng bốn bạn khác, chia ra mỗi người trả khoảng 2 triệu.
T. nhận được một gói 80 đề đủ các bài nghe - nói - đọc - viết để ôn tập. Bên bán cam đoan khi thi thật thì mỗi bài sẽ trúng ít nhất một phần.
Một trang khác T. mua độc lập, với giá 8 triệu đồng. Sáng sớm ngày thi, T. được người bán dặn phải canh điện thoại chờ tin nhắn đáp án gửi về - là một chuỗi ký tự A, B, C, D đúng theo thứ tự các câu trắc nghiệm trong đề. Càng sát giờ thi, người bán đề sẽ gửi đáp án có độ chính xác cao nhất.
"Lần đó, mình trúng tủ một bài đọc (reading) và đúng toàn bộ bài nghe (listening)" - T. nói.
Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những trang giới thiệu các gói dự đoán đề thi IELTS. Giá của mỗi gói từ vài triệu đến vài chục triệu, tùy theo mức độ "bao trúng". Chẳng hạn, có trang quảng cáo gói chín đề ôn tập, xác suất trúng 100%.
Thậm chí có trang đưa ra gói cực VIP, chỉ cần học một đề duy nhất, nếu sai sẽ hoàn tiền. Có trang còn sẵn sàng cam kết bằng... văn bản bộ đề dự đoán của mình chính xác.
Không khó bắt gặp những bài rao mua bán dự đoán đề thi IELTS trên mạng với cam kết chắc nịch - Ảnh chụp màn hình
Chứng chỉ đầy mình nhưng sử dụng khó khăn
Ông Phùng Quang Huy - giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhận định hiện số người có nhu cầu mua các bộ dự đoán đề thi IELTS không ít. Có lần học trò của ông bước vào điểm thi IELTS mà bốn bạn ngồi kế bên ai cũng "thủ" sẵn một bộ đáp án dự đoán.
Khả năng "trúng tủ" là có, nhưng xác suất "trật tủ" không nhỏ, nhất là trong thời gian gần đây các đơn vị tổ chức kỳ thi này đã siết chặt khâu bảo mật. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy đề chính thức bị lộ, họ có thể đổi đề ngay vào giờ chót.
Theo ông Huy, một bộ phận người đang học IELTS chỉ để có điểm số. Nhiều bạn không rõ rốt cuộc mình học IELTS để làm gì ngoài việc có được tấm bằng. Một số phụ huynh cũng có xu hướng động viên con cái: "Trước sau gì cũng phải thi IELTS, thôi đầu tư một lần cho xong".
Khi mục tiêu lệch, cách đi cũng sẽ lệch.
Tương tự, TS Trần Tín Nghị - trưởng khoa ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho rằng không chỉ riêng IELTS, hiện nay nhiều người dù đạt điểm số cao trong các bài thi khác như TOEIC, TOEFL hay chứng chỉ theo Khung năng lực 6 bậc vẫn có thể gặp nhiều khó khăn ngoại ngữ trong công tác chuyên môn hoặc hay trong môi trường học tập nghiên cứu.
Việc quá chú trọng vào một bài thi có thể làm cho người học chỉ tập trung vào kỹ năng làm bài thi hơn là phát triển ngoại ngữ một cách tự nhiên.
Không khó bắt gặp những bài rao mua bán dự đoán đề thi IELTS trên mạng với cam kết chắc nịch - Ảnh chụp màn hình
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ - phó trưởng khoa ngoại ngữ, Trường ĐH Văn Lang - lý giải IELTS hay bất cứ đề thi ngoại ngữ nào đều là hình thức để kiểm tra năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học.
Chẳng hạn, nếu khả năng dùng tiếng Anh của bạn ở mức thông thường thì khi thi IELTS bạn có thể đạt mức 6 - 6.5. Vì vậy việc luyện thi theo kiểu "luyện gà", chỉ chăm chăm vào giải đề hay học thuộc lòng nhằm có điểm số cao sẽ sai ý nghĩa ban đầu của IELTS.
Theo ông Hổ, nếu luyện thi như thế thì dù có đạt được kết quả vừa ý cũng không có nhiều giá trị trong thực tiễn bởi cuối cùng năng lực tiếng Anh của người học không được nâng cao.
Muốn cải thiện năng lực này, ông Hổ cho rằng học sinh sinh viên có thể tận dụng các giờ học tiếng Anh, không nhất thiết là học IELTS, để thực hành nhiều hơn. Có thể tham gia thêm các hội nhóm tiếng Anh để có cơ hội giao tiếp.
Coi chừng bị cấm thi
Hội đồng Anh (British Council) và IDP - hai đơn vị sở hữu bài thi IELTS - đều đã phát đi thông báo ở Việt Nam về việc ghi nhận một số lượng lớn các hành vi vi phạm đến uy tín của kỳ thi IELTS được quảng cáo trực tuyến và trực tiếp đến các thí sinh, trong đó có chuyện tự nhận cung cấp đề thi trước ngày thi chính thức.
Hội đồng Anh và IDP đều mong các thí sinh luôn cảnh giác khi tiếp nhận những thông tin và khẳng định các trường hợp gian lận nghiêm trọng có thể sẽ bị hủy kết quả thi, cấm thi trong vòng hai năm, đồng thời sẽ bị từ chối xét duyệt trong khoảng thời gian quy định bởi các tổ chức công nhận chứng chỉ IELTS trên toàn cầu.
Cần người dạy truyền cảm hứng
Ông Phùng Quang Huy cho rằng thái độ của người học với kỳ thi IELTS một phần cũng đến từ người dạy. Nếu giáo viên chỉ thuần luyện thi, người học khó lòng lĩnh hội được thêm nhiều cái hay.
Ngược lại, nếu người dạy IELTS truyền đạt một cách cảm hứng, cho người học thấy được những kiến thức hữu ích và thú vị trong tiếng Anh thì người học sẽ xây dựng một nền tảng tiếng Anh khá chắc.
Phó trưởng phòng đào tạo một trường đại học tại TP.HCM cho rằng việc các trường "thần thánh hóa" chứng chỉ IELTS cũng làm cho bài thi này trở thành... tác nhân của bệnh thành tích. Nhiều trường đại học dành một số phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ IELTS, dù nhìn chung được đánh giá khá tích cực nhưng vẫn góp phần tạo ra mặt trái là việc học sinh "thi đua" lấy chứng chỉ này.
Một số trường phổ thông cũng bắt đầu "khoe" số lượng học sinh trường mình có điểm IELTS cao như một "thước đo chất lượng" mới.