Tham vọng vào Top 3 nước dẫn đầu về công nghệ khu vực ASEAN, Việt Nam sẽ làm gì?
Để thực hiện được mục tiêu, tham vọng đưa Việt Nam vào Top 3 nước dẫn đầu về công nghệ trong khu vực ASEAN, Bộ TT&TT đề xuất thời gian tới sẽ triển khai hàng loạt các chương trình, đề án, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt.
Một trong những kết quả nổi bật của Bộ TT&TT trong nửa đầu năm 2019 là đã tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào ngày 9/5 với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” (“Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”). Diễn đàn được đánh giá là sự khởi đầu quan trọng, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Trong phát biểu chỉ đạo Diễn đàn , nhấn mạnh quan điểm doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để Việt Nam thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng” vào năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, với xu thế phát triển sôi động không thể đảo ngược của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cũng tại Diễn đàn này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, khẳng định quan điểm của Chính phủ trong việc xác định phát triển doanh nghiệp công nghệ là một trong những trụ cột quan trọng để Việt Nam thịnh vượng, tiến nhanh hơn, bền vững hơn.
Chia sẻ tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành TT&TT mới đây, bà Tô Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết, trong thời gian vừa qua, Vụ đã phối hợp cùng Văn phòng Bộ, Viện Chiến lược TT&TT, Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm thông tin dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Ngoài những nội dung liên quan đến hiện trạng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cùng các loại hình doanh nghiệp công nghệ lần đầu tiên được nhận diện, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu rất tham vọng, đó là: đến năm 2030 sẽ phát triển một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khoảng 100.000 doanh nghiệp và nhằm hiện thực hóa chủ trương “Make in Vietnam”, Việt Nam sẽ thuộc 3 nước dẫn đầu về công nghệ trong khu vực ASEAN.
Cũng theo bà Hương, để thực hiện được mục tiêu, tham vọng nêu trên, dự thảo Chỉ thị đã đề ra các chương trình cần triển khai, các chính sách thúc đẩy phát triển và các công nghệ định hướng cho các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, sản xuất, phát triển.
Cụ thể, về triển khai các chương trình, Bộ TT&TT đề xuất sẽ tập trung vào việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, Điện tử Viễn thông đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển các doanh nghiệp công nghệ, đồng hành với nó là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, xây dựng hình ảnh, thương hiệu “Make in Vietnam”.
Đồng thời, bảo đảm xây dựng nguồn lực cho phát triển công nghiệp ICT Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác về giáo dục đào tạo, liên kết đào tạo giữa trường đại học, học viện với các doanh nghiệp.
Về chính sách thúc đẩy phát triển, sẽ ưu tiên hoàn thiện các hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ như đề xuất cơ chế hình thành các quỹ phát triển doanh nghiệp công nghệ theo hướng xã hội hóa, các chính sách ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Đối với hạ tầng công nghệ, sẽ tập trung vào việc phát triển hạ tầng công nghệ ICT, mạng công nghệ 5G và hình thành Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện đề án Chuyển đổi số quốc gia và đặc biệt là triển khai các chính sách thí điểm qua các hình thức như Sandbox, các đặc khu ảo.
"Ngay trong năm 2019, dự thảo Chỉ thị cũng đề xuất Bộ TT&TT sẽ làm đầu mối để giải quyết các vướng mắc cũng như tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghệ. Đối với những vấn đề liên ngành, Bộ TT&TT sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan để giải quyết; còn với những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết", đại diện Vụ CNTT cho hay.
Đáng chú ý, với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, theo chia sẻ của đại diện Vụ CNTT, trong dự thảo Chỉ thị, Bộ TT&TT cũng đề xuất yêu cầu các doanh nghiệp sẽ đảm nhận các sứ mệnh tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất, ứng dụng công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới Chính phủ và xã hội nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Đại diện Vụ CNTT nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn cần chủ động tham gia hiệu quả vào các chương trình, dự án, đề án nghiên cứu trọng điểm, nghiên cứu công nghệ lõi, công nghệ nguồn để phát triển các sản phẩm, các giải pháp dịch vụ mới; chủ động tham gia vào chuỗi giá trị của khu vực, toàn cầu và tập trung vào khâu có giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa, thể hiện vai trò dẫn dắt hệ sinh thái".
Với các Bộ, ngành, địa phương, theo dự thảo Chỉ thị, cần chủ động gặp mặt, chia sẻ, trao đổi, khích lệ các doanh nghiệp, tập đoàn tích cực trong việc chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong các quy trình sản xuất; quán triệt chủ trương sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.