Tham vọng mới của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn

01/07/2016 12:00 PM | Kinh doanh

Tạo danh mục đầu tư chất lượng từ những cái tên lớn nhất chính là chiến lược lâu dài của ông vua hàng hiệu nhằm khẳng định đẳng cấp của mình khi hợp tác kinh doanh với các đối tác lớn khác trên thế giới.

Ravi Kumar, 36 tuổi, giám đốc Quản trị chất lượng của tập đoàn R K Forgings (Ấn Độ) vừa có chuyến du lịch ngắn ngày cùng vợ và cậu con trai 8 tuổi đến TPHCM và Hà Nội, trước khi thăm thú vịnh Hạ Long và Sapa.

Ravi cho biết khi quá cảnh ở sân bay Bangkok trước khi đến Việt Nam, gia đình anh đã mua sắm ít đồ ở cửa hàng miễn thuế, nhưng sang đến Việt Nam, anh thấy hàng hóa cũng không thiếu thứ gì.

“Bố con tôi mua được vài bộ đồ của Calvin Klein và GAP ở lầu 3 của Tràng Tiền Plaza, vì không nghĩ sang đây thời tiết lại nóng như thế. Nóng hơn nhiều so với Hàn Quốc hay Trung Quốc, chỉ đỡ hơn Ấn Độ chút thôi”, Ravi nhún vai. Vợ anh, Dipti, cũng kịp lựa được một chiếc túi xách da rất ưng ý của hãng Bally Thụy Sĩ ở lầu 2 khi chờ hai bố con thử đồ. Cô cũng chọn được kha khá quần áo và giày dép của một số thương hiệu quốc tế đang giảm giá với mức chiết khấu từ 30-50%.

Từng đến một vài quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Ravi hoàn toàn không biết nhiều về Việt Nam trước chuyến đi này. Việt Nam trong suy nghĩ của Ravi là miền đất từng đi qua chiến tranh và hiện là một quốc gia nông nghiệp lạc hậu. Tuy nhiên, chuyến du lịch này đã khiến gia đình anh thay đổi suy nghĩ.

Việt Nam không thiếu cảnh đẹp, chỉ thiếu chỗ để tiêu tiền

Trở lại thời điểm 7-8 năm trước, những du khách nước ngoài như Ravi có thể sẽ không có những trải nghiệm tương tự, với khu mua sắm hàng hiệu như Rex Arcade hay Tràng Tiền Plaza. Cả hai trung tâm này đều mới được đầu tư gần đây, vào năm 2011 và 2013, khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ông chủ IPP, đầu tư rót vốn và cải tạo lại.

Điểm chung của cả 2 trung tâm mua sắm này là đều nằm ở vị trí không thể đẹp hơn, chính giữa trung tâm thành phố với 2-3 mặt tiền.

Khu mua sắm cao cấp Rex Arcade nổi bật giữa trung tâm Sài Gòn với 2 mặt đường chính là Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Cổng chính của khu mua sắm nằm ngay đường Lê Lợi, một trong những con đường sầm uất nhất Sài Gòn. Số tiền IPP đầu tư cho địa điểm này là 40 triệu USD.

Khu mua sắm cao cấp Rex Arcade.
Khu mua sắm cao cấp Rex Arcade.

Rex Arcade chính là không gian bán hàng hiệu đúng nghĩa đầu tiên của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Hầu hết hàng hiệu bán tại Rex Arcade đều có giá từ vài trăm USD đến vài chục nghìn USD. Ngay trong năm đầu tiên, Rex Arcade đã có doanh thu cao hơn 38% so với dự kiến.

Còn Tràng Tiền Plaza, thì có đến 3 mặt tiền ở các phố trung tâm là Hai Bà Trưng, Tràng Tiền và Hàng Bài, nhìn thẳng ra Hồ Hoàn Kiếm. Các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm do IPP quản lý lấp đầy 2 tầng của tổ hợp này.

Ông Hạnh Nguyễn đặc biệt yêu thích Tràng Tiền Plaza. “Năm 1984, khi tôi về nước và ra thăm Hà Nội, tôi đã thích Trung tâm Bách hóa Tổng hợp Tràng tiền. Lúc đó, tôi ấp ủ giấc mơ có ngày sẽ tham gia cải tạo toàn bộ trung tâm này để mang lại diện mạo mới cho Hà Nội”, ông chia sẻ.

Và 30 năm sau, ông Hạnh Nguyễn đã hiện thực hóa được giấc mơ ngày trẻ của mình. Tập đoàn IPP đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng để cải tạo Tràng Tiền Plaza, biến nơi đây thành trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp quốc tế.

Ngoài 2 trung tâm mua sắm cao cấp và các chuỗi fastfood, một mảng đầu tư khác của ông Hạnh Nguyễn cũng đang kiếm bộn tiền từ các du khách quốc tế, chính là các dịch vụ sân bay. Từ chuỗi nhà hàng fastfood, cửa hàng miễn thuế thậm chí là các dịch vụ ghế thư giãn mát-xa hiện có ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài hay Cam Ranh, đều là sản phẩm mang dấu ấn Johnathan Hạnh Nguyễn. Ông muốn các sân bay quốc tế, địa điểm đầu tiên mỗi khi du khách nước ngoài đặt chân đến với Việt Nam, sẽ có đủ những gì mà bất cứ một sân bay nào có trên thế giới.

Những du khách nước ngoài như Ravi đang ngày càng nhiều lên. Họ đến Việt Nam du lịch, thăm thú cảnh đẹp, ăn uống và mua sắm vài món đồ mang về xứ sở. Đây chính là nhóm khách hàng mục tiêu quan trọng của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đang hiện diện ở Việt Nam.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, ông chủ tập đoàn IPP, đơn vị sở hữu 70% thị phần hàng hiệu trong nước, chính là người nhìn thấy rõ xu hướng này từ nhiều năm trước.

Theo thống kê của Tổng cục thống kê, năm 2015, Việt Nam đón hơn 7,9 triệu lượt khách nước ngoài. Lượng khách và tổng thu từ du lịch quốc tế của Việt Nam đều khiêm tốn hơn nhiều so với các nước bạn như Thái Lan, Malaysia hay Singapore, dù cảnh đẹp không thiếu.


Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/3 đến Thái Lan. Còn số đôla chúng ta thu được từ du lịch chỉ bằng 1/5-1/6 của họ.

Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/3 đến Thái Lan. Còn số đôla chúng ta thu được từ du lịch chỉ bằng 1/5-1/6 của họ.

Rõ ràng, du lịch Việt vẫn đang thiếu hàng hóa, dịch vụ đủ chất lượng để bán cho người nước ngoài. Thậm chí, chính người giàu Việt cũng đang thiếu chỗ để “tiêu tiền”. Đây chính là động lực thúc đẩy ông chủ Tập đoàn IPP không ngại đầu tư hàng trăm triệu USD vào Rex Arcade, Tràng Tiền, hay các chuỗi nhượng quyền fastfood. Thông điệp của ông Hạnh rất rõ ràng: Sẵn sàng trải thảm đón tất cả các thương hiệu lớn nhất của thế giới vào Việt Nam.

Tạo danh mục đầu tư chất lượng từ những cái tên lớn nhất chính là chiến lược lâu dài của ông Hạnh nhằm khẳng định đẳng cấp của mình khi hợp tác kinh doanh với các đối tác lớn khác trên thế giới.

Kế hoạch mới của vua hàng hiệu

“10 năm qua bán hàng hiệu, tôi kinh doanh với quan điểm là phải chịu đựng. Tức cả tôi và đối tác đều chấp nhận mức lãi rất thấp để nuôi thị trường tương lai. Chúng tôi kinh doanh lớn, doanh số lớn chứ lãi rất thấp, bởi thuế đánh vào hàng hiệu rất cao”, ông Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Với doanh nhân này, tương lai thị trường mà ông nuôi dưỡng đã mở khi TPP sắp được thông qua. Ông tự tin cho biết, vào TPP, doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu như ông là có lợi nhất.

Sau hơn 30 năm kinh doanh đủ ngành sau khi trở về Việt Nam, ở tuổi 65, ông Hạnh Nguyễn tiếp tục “thử sức” với một lãnh địa hoàn toàn mới, tất nhiên tiếp tục liên quan đến yếu tố "quốc tế" như những dự án trước.

Trong dự án mới, ông Hạnh sẽ đầu tư vào một khu phức hợp khép kín với đủ các loại dịch vụ bao gồm: Trung tâm tài chính là các tập đoàn lớn, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán, khu văn phòng, bên cạnh là khách sạn 5 sao với hàng nghìn phòng, bệnh viện quốc tế, khu mua sắm giải trí, nhà hàng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng gặp mặt các nhà đầu tư vào dự án phức hợp 4 tỷ USD ở Thủ Thiêm.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng gặp mặt các nhà đầu tư vào dự án phức hợp 4 tỷ USD ở Thủ Thiêm.

Sự kiện này từng gây xôn xao dư luận hồi tháng 4, khi có thông tin ông chủ tập đoàn IPP bắt tay cùng 3 nhà đầu tư Mỹ khác, xây dựng Dự án Trung tâm tài chính - Hội nghị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á tại Thủ Thiêm, TPHCM.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng, dự án sẽ thay đổi bộ mặt TPHCM, trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như mong muốn của Bí thư thành ủy Đinh La Thăng. Ông Hạnh cũng tự tin rằng dự án này sẽ thu hút thêm hàng tỷ USD cho Việt Nam, bởi sẽ có hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới đến đây làm việc.

Dự kiến, Dự án Khu phức hợp nằm trong Khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quy mô khoảng 11 ha. Trong đó, tòa tháp văn phòng kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính - chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc. Dự án sẽ được triển khai trong thời gian 3 năm 2 tháng, với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, riêng tập đoàn IPP góp 250 triệu USD.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM